Hay chỉ vì, trong lớp không ai chơi với Thụy, không thầy cô nào gọi Thụy lên bảng, mỗi khi Thụy đi qua mọi người đều nhìn đi nơi khác? "Mười năm học, tôi ngồi một mình một bàn. Mười năm học, tôi chỉ biết con đường từ nhà đến trường. Hết giờ học về nhà để lại ngồi vào bàn học tiếp". Cô gái được quản thúc bởi một ông bố bà mẹ kiểu mẫu của thứ nhân sinh quan kỳ quặc: "Bố tôi với mẹ tôi là một, là một trong khả năng không bao giờ mon men lại giường của nhau. Ngay cả khi có khách nhà quê ra ngủ nhờ, bố mẹ tôi vẫn giữ vững nguyên tắc giường ai người nấy nằm...". Cô gái ấy liệu có thể yêu ai?
Tuổi thơ và tuổi dậy thì của cô đã trôi qua, chỉ với mục đích duy nhất: "Chè đỗ đen, óc lợn hấp nồi cơm, tôi có nhiệm vụ chuyển chúng thành những điểm mười, thành những lời khen trong học bạ: xuất sắc, chăm chỉ, chuyên cần, nghiêm túc, rất có tương lai". Cô đã tự nguyện làm tòng phạm trong cuộc tiêu diệt chính mình: "Tương lai của tôi là của bố mẹ tôi. Điểm mười của tôi là của bố mẹ tôi. Lời khen trong học bạ của tôi là của bố mẹ tôi. Giấy gọi đi học nước ngoài của tôi là của bố mẹ tôi". Tình yêu với anh bạn học có lẽ là trục trặc duy nhất. Nhưng chỉ trục trặc duy nhất ấy đã đủ xóa sạch mọi công phu của bố mẹ cô.
Cô gái đã âm thầm chống lại bố mẹ ngay trong nhà mình. Để rồi trên đất Pháp con trai cô lặng lẽ gạt cô ra khỏi tương lai, từ khi nó khám phá một hào quang chói lọi: "Mười tám tuổi là con đi làm. Mười tám tuổi là con có hộ chiếu. Một hộ chiếu Việt. Một hộ chiếu Pháp. Một hộ chiếu Trung Hoa. Con sẽ nói ba thứ tiếng. Lúc đó tiếng Hoa sẽ mạnh hơn tiếng Anh. Un milliard de chinois...". Cô gái - đứa con, người đàn bà - người mẹ ấy hoàn tất quy trình thất bại của mình, mọi lúc mọi nơi. Lúc nào cũng chỉ mình cô trong một thế giới. Cô đã bị hỏng. Cô chỉ lưu lạc trong cuộc đời này. "Mười năm rồi tôi đã qua bao nhiêu ngoại ô của Paris. Những toa tàu chỉ mình tôi ngồi ngủ gật. Những sân ga mù mịt. Những phòng bán vé chưa buồn mở cửa...". Người đàn bà ấy cứ một mình mơ những giấc mơ lúc thức, trở đi trở lại một tra vấn dường như vô nghĩa: "Tôi chỉ muốn gặp Thụy để hỏi... Những ngày ấy Thụy ở đâu, gặp ai, làm gì...".
Thụy vẫn đang ở Chợ Lớn nhưng mười hai năm không thư từ, không gọi điện, không liên lạc. Bi kịch lớn nhất của người đàn bà ấy là con trai chị "sẽ ra đi như Thụy từng ra đi... Trong đầu nó tôi là hiện tại còn Thụy là tương lai..., tôi là nước Pháp còn Thụy là Chinatown. Tôi là điểm khởi hành còn Thụy là cái đích phải đến".
Chỉ bằng những câu cực ngắn, với những hồi ức - ám tượng của người đàn bà trong hai giờ bị kẹt bởi sự cố tàu điện ngầm, và với một hệ thống thẩm mỹ riêng, Thuận dựng nên một thế giới khôi hài và đáng sợ. Khôi hài vì nó chệch ra khỏi mọi chuẩn mực đời sống nhưng lại rất vênh váo bởi chính sự lệch lạc đó. Đááng sợ vì cái mớ bòng bong ấy không cho con người nhận ra bản thể, bản ngã của mình. Nhân vật của tiểu thuyết chính là sự vong thân. Có những kẻ lưu vong trên xứ người nhưng luôn biết rõ mình là ai, muốn gì, và phải làm gì. Lại có những kẻ lưu vong ngay trên xứ sở mình, trong chính thân phận mình, không hề biết mình là ai, muốn gì, và sẽ đến đâu. Nhân vật của Thuận đang tìm cách trả lời điều đó: "Chỉ đến tiểu thuyết cuối cùng tôi mới biết viết để làm gì. Chỉ đến tiểu thuyết cuối cùng, tôi mới hiểu được Thụy... Tôi đã yêu Thụy như yêu một điều bí ẩn, điều bí ẩn chứa những điều bí ẩn... Yên Khê là bí ẩn đầu tiên. Chinatown là bí ẩn cuối cùng". Phải chăng vì thế nên tiểu thuyết đã mang tên Chinatown?
* Bí ẩn cuối cùng là Chinatown: Đọc Phố Tầu, tiểu thuyết của Thuận, NXB Đà Nẵng, 2005
Ngô Thị Kim Cúc
Bình luận (0)