Bí ẩn du lịch Bàn Môn Điếm

03/05/2016 08:00 GMT+7

Vùng phi quân sự ở phía Triều Tiên được cho là tự do hơn cả khu vực thuộc kiểm soát của phía Hàn Quốc.

Vùng phi quân sự (DMZ) chia cắt bán đảo Triều Tiên từ năm 1953 được xem là một trong những khu vực nhạy cảm và an ninh bậc nhất trên thế giới. Lâu nay, Hàn Quốc vẫn cho phép du khách đến DMZ và chỉ tạm ngưng gần một tháng sau khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch ngày 6.1, theo Yonhap. Tương tự, phía Triều Tiên cũng đưa du khách tới tham quan DMZ, đặc biệt là ngôi làng lịch sử Bàn Môn Điếm (Panmunjom).
Những trải nghiệm thú vị về chuyến thăm Bàn Môn Điếm đã được bác sĩ mang hai quốc tịch Mỹ - Hàn John Linton chia sẻ với Yonhap nhân một hội thảo xúc tiến du lịch DMZ diễn ra ở phía Hàn Quốc hồi cuối tháng trước.
Không đáng sợ như tưởng tượng
Ông Linton hiện là Giám đốc Tổ chức Chăm sóc y tế quốc tế Hàn Quốc ở Seoul và đã đến Triều Tiên 29 lần để xây bệnh viện, cung cấp hỗ trợ y tế và thực phẩm ở nhiều thành phố lớn của miền Bắc. Ông chia sẻ với Yonhap rằng trong lần đến Triều Tiên gần nhất cách đây hai năm, ông đã có cơ hội tham quan Bàn Môn Điếm.
“Tôi rất ngạc nhiên là khi ở phía bắc của Bàn Môn Điếm, tôi có nhiều tự do hơn so với khi ở phía nam. Tôi đã nói chuyện phiếm với binh sĩ Triều Tiên và thậm chí bắt tay, chụp hình cùng họ”, ông Linton kể lại. Tại Bàn Môn Điếm, ông và nhiều du khách khác được nghe giới thiệu khoảng 5 phút về lịch sử khu vực, bao gồm góc nhìn của Bình Nhưỡng về chiến tranh Triều Tiên rằng chính các binh sĩ Hàn Quốc đã vượt vĩ tuyến 38 xâm lược Triều Tiên trước tiên vào ngày 25.6.1950. Theo Yonhap, tuyên bố này từ lâu đã được cộng đồng quốc tế chứng minh là không đúng sự thật.
Bác sĩ Linton cho biết thêm ông đã đến Panmungak, tòa nhà chính do Triều Tiên quản lý ở Khu bảo an hỗn hợp (JSA) trong Bàn Môn Điếm, nơi duy nhất trong cả DMZ mà binh sĩ 2 miền Triều Tiên đối mặt trực tiếp với nhau. Các du khách còn được dẫn vào phía bắc của phòng hội nghị trong JSA, nơi hiệp định ngừng chiến tranh Triều Tiên được ký vào ngày 27.7.1953.
Ông Linton còn tiết lộ với Yonhap rằng binh sĩ Triều Tiên đã hỏi ông một số câu hỏi như: “Họ (phía Hàn Quốc - NV) có đưa ra hướng dẫn cho du khách nhiều hơn chúng tôi không? Có phải lính Mỹ bảo ông đừng chỉ tay vào chúng tôi?”. Sau đó, binh sĩ hướng dẫn Triều Tiên tự hào khẳng định với ông Linton: “Chúng tôi tự do như ông có thể thấy. Chúng tôi không có nhiều chỉ dẫn như thế”.
Điều này cũng được xác nhận bởi Becki Enright, một phụ nữ từng đoạt giải thưởng của Anh dành cho người viết về du lịch. Trong bài chia sẻ trên trang blog Bordersofadventure.com về chuyến thăm Bàn Môn Điếm của mình, Enright viết rằng binh sĩ hướng dẫn tại Bàn Môn Điếm không phải đáng sợ như cô từng tưởng tượng. Anh ta kể về nhiều sự kiện dưới góc nhìn của Bình Nhưỡng, nhưng không nặng tính tuyên truyền. Cô Enright còn kể rằng khi vào phòng hội nghị ở khu JSA trong Bàn Môn Điếm, du khách có thể ngồi hai bên bàn và bắt tay với nhau, trong khi tại căn phòng tương tự thuộc phía Hàn Quốc, du khách không được phép ngồi, chỉ được đứng xung quanh.
Làng Bàn Môn Điếm của Triều Tiên Reuters
Du lịch thúc đẩy hòa bình
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Yonhap, bác sĩ Linton cho biết ông đánh giá tích cực việc chính quyền Bình Nhưỡng đẩy mạnh phát triển du lịch. Triều Tiên đã chào đón 100.000 du khách trong năm 2014, trong đó phần lớn đến từ Trung Quốc, và đặt mục tiêu nâng con số này lên 1 triệu vào năm 2017 và 2 triệu vào năm 2020. “Tôi nghĩ du lịch là cách hiệu quả nhất để mang lại thay đổi ở Triều Tiên”, ông Linton cho Yonhap hay.
Kể từ năm 2008, sau vụ một du khách Hàn Quốc bị binh sĩ Triều Tiên bắn chết, Seoul đã tạm ngưng chương trình du lịch liên kết giữa hai nước tới núi Kim Cương ở bờ biển phía đông Triều Tiên. Ông Linton hy vọng rằng khi căng thẳng liên Triều hạ nhiệt, giới trẻ Hàn Quốc không chỉ đặt chân đến các địa điểm ở biên giới mà còn đến cả những điểm đến sâu bên trong Triều Tiên, như khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Masikryong và thành phố cảng Wonsan, nơi đóng trú của hải quân miền Bắc.
Ông chia sẻ: “Cá nhân tôi muốn thấy sinh viên Hàn Quốc đi xe buýt đến Masikryong và thậm chí đi sâu vào những khu vực như Wonsan, vốn cởi mở với người nước ngoài. Nếu giới trẻ được phép du lịch đến Triều Tiên, điều đó sẽ giúp tạo ra đột phá trong quan hệ liên Triều”.
Bác sĩ Linton đề xuất mở rộng các chương trình du lịch tới DMZ như là cách giảm căng thẳng ở khu vực biên giới. “Quân đội hai nước đối đầu với nhau, nhưng tôi thấy ít có nguy cơ binh sĩ Triều Tiên làm tổn hại những dân thường đến khu vực biên giới tham quan. Nếu ngày càng có nhiều dân thường vào khu vực này, điều đó sẽ giúp giảm căng thẳng”, bác sĩ Linton nhận định với Yonhap.
Theo Yonhap, khác với Triều Tiên, trước khi được phép vào DMZ từ phía Hàn Quốc, du khách nhận được những chỉ dẫn về chuyến tham quan và phải ký một tài liệu cảnh báo về nguy cơ bị thương hoặc thiệt mạng do có hành động thù địch. Lý do là trước đây từng xảy ra nhiều sự cố bên trong và xung quanh DMZ, gây thương vong cho binh sĩ và dân thường hai bên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.