Pokhara được mệnh danh là thành phố đẹp nhất Nepal. Nhưng thứ quyến rũ tôi hầu như không phải là danh lam thắng cảnh, là những ngọn núi hay hồ thác nổi tiếng mà là Bảo tàng lính đánh thuê Gurkha.
Bảo tàng lính đánh thuê Gurkha ở Nepal - Ảnh: V.M.L
|
Vì sao trở thành lính đánh thuê Gurkha là giấc mơ của hàng triệu thanh niên trai trẻ ở Nepal?
Thà chết còn hơn là trở thành một thằng hèn
Không phải ngẫu nhiên mà nguyên Tham mưu trưởng quân đội Ấn đã nói rằng: “Nếu một người đàn ông nói anh ta không sợ chết, hoặc là anh ta nói dối, hoặc anh ấy là lính đánh thuê Gurkha”. Câu nói nổi tiếng cũng là nguyên tắc hoạt động xuyên suốt trong quân ngũ của lính Gurkha đó là: “It is better to die the to be a coward” (Thà chết còn hơn là trở thành một thằng hèn).
Vị bảo vệ trong bảo tàng dắt tôi đi suốt 3 tầng lầu, nơi trưng bày những kỷ vật, chiến tích, những hình ảnh về lịch sử lính đánh thuê Gurkha, chậm rãi kể rằng, lòng gan dạ, anh dũng, trung thành đã trở thành đặc điểm nổi bật mà chỉ cần nhắc đến lính đánh thuê Gurkha, bất kể là kẻ thù nào trên thế giới cũng đều phải hoảng sợ.
Câu chuyện chứng thực cho lòng dũng cảm và tinh thần thiện chiến của lính Gurkha không chỉ tồn tại trong lịch sử mà kéo dài đến tận ngày nay. Babu, anh bạn thân từng có giấc mơ trở thành lính Gurkha kể cho tôi nghe chuyện về chàng Corporal Dipprasad Pun - người mà tên tuổi đã lan khắp thế giới với chiến công một mình đánh bại 30 tên khủng bố. Lúc đó, Pun đang là trung sĩ thuộc quân đội Hoàng gia Gurkha ở Anh được phân công canh gác chốt kiểm soát tại tỉnh Helmand, miền nam Afghanistan.
Đêm ngày 17.9.2010, khi đang thi hành nhiệm vụ, Pun phát hiện ra đội quân khủng bố bao vây và tấn công đơn vị nơi anh kiểm soát với vũ khí hạng nặng cùng súng AK-47. Một mình chống lại 30 người, bằng sự nhanh trí, can đảm, Corporal Pun đã bắn hơn 400 phát đạn; sử dụng 17 quả lựu đạn và cho nổ một quả mìn để cản trở sự bao vây của những kẻ đột nhập có vũ khí. Cuối cùng, khi hết tất cả đạn dược, anh sử dụng chân súng để đánh hạ tiếp những đối thủ đang vây quanh mình. Khi được nhận huân chương cao quý về lòng dũng cảm do đích thân Nữ hoàng Anh trao tặng, Corporal Pun nói rằng, anh nghĩ mình sẽ chết nên không còn cách lựa chọn nào khác ngoài việc quyết định diệt được càng nhiều tên khủng bố càng tốt. Nhờ thế, Pun đã cứu mạng sống của 3 đồng đội khác và ngăn chặn những kẻ khủng bố đột nhập vào doanh trại của anh.
Chiến công của Pun nhanh chóng lan rộng và trở thành niềm tự hào của người dân Nepal.
Huyền thoại và cuộc đua khắc nghiệt
Lính Gurkha hay còn gọi là Gorkha là những người lính xuất thân từ Nepal. Trong lịch sử, từ “Gurkha” và “Gorkhali” đồng nghĩa với "Nepali" và xuất phát từ vùng đồi núi Gorkha nơi mà vị vua nổi tiếng Prithvi Narayan Shah sinh ra. Thời điểm Nepal bị chia cắt thành nhiều vương quốc nhỏ khác nhau, đội quân của Prithvi Narayan Shah thống trị vùng núi Gorkha và xây dựng pháo đài ở vùng đất này. Bằng kỹ năng quân sự và tài chỉ huy của mình, ông đã làm người Trung Quốc và quân đội Anh khiếp sợ khi bành trướng thế lực về phía Tây Tạng và Ấn Độ. Điều này dẫn đến cuộc xung đột với quân đội Anh ở miền đông Ấn Độ (chiến tranh Anglo - Nepal 1814 - 1816).
Lính Surkha tại học viện quân sự ở Anh - Ảnh: Reuter
|
Mỗi năm, doanh trại lính Gurkha đặt ở thành phố Pokhara - Nepal chịu trách nhiệm tuyển 300 binh lính cho quân đội Anh trong đó 230 được gửi đến Anh và 80 còn lại gửi đến Singapore.
Trở thành lính Gurkha là ước mơ của nhiều thanh niên trai tráng ở Nepal bởi họ phải vượt qua một kỳ thi tuyển với tiêu chuẩn rất gắt gao, tỷ lệ sàng lọc kỹ lưỡng, đồng thời, nếu thành công trong kỳ thi tuyển có nghĩa là họ nhận được một mức lương phương Tây, được định cư ở Anh và được hưởng nhiều quyền lợi thỏa thuận khác.
Tiêu chuẩn để tham gia lính Gurkha là thanh niên ở độ tuổi từ 17 - 21, có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn rời khỏi trường và một hộ chiếu để chứng minh họ là công dân Nepal. Những chàng trai này phải cao ít nhất 1 m 58, và không có nhiều hơn 4 chỗ trám trên răng. Những vết xước trên mắt hoặc những chấn thương cũ cũng được đội ngũ kiểm tra xem xét kỹ lưỡng. Ở vòng sơ tuyển, thí sinh phải chạy 800 m trong 2 phút 45 giây, thực hiện 12 cú hít xà đơn và 70 cú gập người, đối mặt với vòng phỏng vấn kéo dài nửa tiếng gồm cả đối đáp bằng tiếng Anh và tiếng Nepal. Nếu thí sinh bị đánh rớt, họ có thể tiếp tục đăng ký trong các kỳ tuyển dụng tiếp sau cho đến hết năm 21 tuổi.
Sau khi trải qua vòng loại, những thanh niên được chọn vào vòng trong lại tiếp tục kỳ thử thách gồm có phần thi thể chất và phần thi tiếng Anh. Các thí sinh dự tuyển phải mang một chiếc sọt đựng 25 kg đất cát chạy 5 km những đoạn đường hiểm trở và phải hoàn thành thử thách trong vòng 48 phút, sau đó phải leo lên độ cao 400m trên con đường nhỏ đầy bụi và đá. Phần thi này nhằm kiểm tra sự chịu đựng, tính cách bản thân của thí sinh. Rất nhiều người đã kiệt sức trên đường vì chinh phục thử thách này.
Ở phần thi tiếng Anh, ngoài việc kiểm tra các kiến thức căn bản, thí sinh phải tham gia viết một bài luận với mức độ rất khó. Thông thường, để vượt qua kỳ thi này, thí sinh thường là người có kết quả học tập thuộc top đầu trong các trường học của Nepal.
Hợp đồng 22 năm
Nửa tháng sau khi biết kết quả, các thí sinh trúng tuyển sẽ được đưa đến Manchester. Từ đây, họ sẽ được dẫn tới cơ sở đào tạo nằm trên một cánh đồng hoang tại làng Catterick (thuộc Bắc Yorkshire của nước Anh) - nơi nổi tiếng với những cơn gió lạnh và mùa đông khắc nghiệt. Thời gian tập sự của họ thường diễn ra vào tháng 2 và 3, thời điểm có thời tiết xấu nhất trong năm để rèn luyện sức chịu đựng.
Trong suốt kỳ huấn luyện này, mỗi binh lính được trả lương 900 USD/tháng. Sau khi hoàn tất kỳ huấn luyện, họ sẽ được ký hợp đồng 22 năm.
Thu nhập của lính đánh thuê Gurkha dù không cao bằng mức lương của những binh lính người Anh tuy nhiên lại rất lớn với đời sống ở Nepal. Với số tiền đó, họ có thể đảm bảo kinh tế gia đình và các bậc cha mẹ của họ cũng có thể rời bỏ việc đồng áng để nghỉ ngơi. Tuy nhiên, nếu thất bại trong kỳ thi tuyển, họ sẽ quay trở lại làng với công việc đồng áng, chấp nhận cuộc sống của người công dân ở đất nước được xếp vào top nghèo của thế giới. Chính vì lẽ đó mà nhiều người đã không ngần ngại bắt xe bus đi rong ruổi suốt mấy ngày đêm không ăn ngủ để đến được nơi tuyển dụng.
|
Bình luận (0)