Bí ẩn miền đất thánh - Kỳ 4: Đánh thức phế tích

06/09/2014 02:10 GMT+7

Mang trong lòng nhiều bí ẩn về lịch sử và văn hóa, di tích Cát Tiên đầy triển vọng để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, điều đó dường như đang là một “giấc mơ”, bởi tại phế tích này vẫn còn ngổn ngang, chưa được đầu tư xứng đáng, ngay cả một nhà trưng bày hiện vật cũng chưa có.

Mang trong lòng nhiều bí ẩn về lịch sử và văn hóa, di tích Cát Tiên đầy triển vọng để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, điều đó dường như đang là một “giấc mơ”, bởi tại phế tích này vẫn còn ngổn ngang, chưa được đầu tư xứng đáng, ngay cả một nhà trưng bày hiện vật cũng chưa có.

>> Bí ẩn miền đất thánh - Kỳ 3: Hé lộ những điều bị chôn vùi ngàn năm
>> Bí ẩn miền đất thánh - Kỳ 2: Những cuộc khai quật
>> Bí ẩn miền đất thánh: Chủ nhân thánh địa vẫn còn bí ẩn

Di tích Cát Tiên đón nhiều đoàn học sinh trong và ngoài tỉnh đến tham quan - Ảnh: Lương Minh
Di tích Cát Tiên đón nhiều đoàn học sinh trong và ngoài tỉnh đến tham quan - Ảnh: Lương Minh 

Theo Ban quản lý (BQL) di tích Cát Tiên, thực tế trong những năm gần đây, tuy không chính thức là điểm du lịch được phép mở cửa đón du khách nhưng khách du lịch đã tự tìm đến di tích với số lượng khá lớn hằng năm. Tại hội thảo khoa học lần 2 về di tích này, PGS-TS Ngô Văn Doanh (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á) nhìn nhận các di tích và hiện vật đã phát lộ, được tìm thấy của Cát Tiên có những giá trị văn hóa và nghệ thuật đặc sắc, mang tầm vóc khu vực lẫn quốc tế, trở thành đối tượng nghiên cứu, chiêm ngưỡng, thán phục đối với mọi người. Cả một quần thể kiến trúc lớn, rất cổ kính, bị chìm khuất bởi thời gian, giờ nhô lên khỏi lòng đất và rừng già, là cả một sự hấp dẫn, nhất là với các nhà khoa học và du khách nước ngoài.

Cũng theo PGS-TS Ngô Văn Doanh, không phải ngẫu nhiên mà những nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa của VN cảm thấy Cát Tiên hội đủ các yếu tố cơ bản của một di sản văn hóa thế giới. Chính vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, di tích Cát Tiên đã được giới thiệu nhiều trên các phương tiện khoa học, thông tin đại chúng, được công nhận di tích quốc gia, được quy hoạch bảo vệ và đã được “chấm” để làm hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách các di sản văn hóa thế giới. Với những giá trị rất đặc biệt của mình, di tích Cát Tiên chắc chắn sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ của tỉnh Lâm Đồng mà còn của cả nước đối với các nhà nghiên cứu cũng như đông đảo khách du lịch trong lẫn ngoài nước.

Bộ linga - yoni lớn nhất Đông Nam Á tại di tích Cát Tiên - Ảnh: Lương Minh
Bộ linga - yoni lớn nhất Đông Nam Á tại di tích Cát Tiên - Ảnh: Lương Minh

Hồn một nơi, xác một nẻo

Mới hôm rồi, một đoàn du khách chừng 30 người đến từ TP.HCM vội xuống xe và chạy ào vào bóng cây trong khu di tích Cát Tiên để trú nắng. Hít thở một lát, được cán bộ BQL di tích hướng dẫn, đoàn đi một vòng quanh di tích và không quên đến gò A1 để mục sở thị bộ linga - yoni lớn nhất Đông Nam Á. Khoảng gần 1 giờ sau, đoàn trở ra, nhiều người “ngó đông, nhìn tây” tìm quán nước với bộ mặt ỉu xìu, lắc đầu ngao ngán bởi xung quanh không có một hàng quán nào.

Theo BQL di tích Cát Tiên, sự việc như trên diễn ra thường xuyên, bởi hạ tầng, dịch vụ ở đây chưa được đầu tư, khách muốn ăn uống phải đi từ 9 - 14 km mới có hàng quán. Năm 2013, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt dự án đầu tư bảo tồn, tôn tạo di tích Cát Tiên với số tiền hơn 38 tỉ đồng - đây là cơ hội để di tích Cát Tiên đến gần hơn với du lịch. Tuy nhiên, nhiều người cũng trăn trở, bởi về giấy tờ, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2017 và nguồn vốn đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, nhưng đến nay vẫn chưa thấy đả động gì. Khu di tích đang rất cần một vài hạng mục cơ bản để phục vụ du khách tham quan như nhà dừng chân, nhà trưng bày hiện vật...

Tham quan di tích xong, anh Nguyễn Văn Bảy (du khách TP.HCM) lắc đầu: “Nghe nói di tích này rất đặc biệt và hấp dẫn, nhưng tôi hỏi hiện vật của di tích đang ở đâu để xem thì được biết chúng đang được trưng bày cách đây... 200 km - ở Bảo tàng Lâm Đồng (tại TP.Đà Lạt). Hồn một nơi mà xác một nẻo như vậy, khác nào đánh đố du khách!”.

Ông Huỳnh Văn Đẩu - Bí thư Huyện ủy Cát Tiên - cho biết: “Di tích Cát Tiên rất có giá trị nhưng không phải là tiềm năng thu hút khách du lịch duy nhất, mà ở đây còn có cả sông Đồng Nai, di tích lịch sử Khu VI, thắng cảnh hồ Đắc Lô, Vườn quốc gia Cát Tiên... và đặc biệt là hang Thoát Y nhuốm màu huyền thoại, chắc chắn sẽ hấp dẫn du khách”. Cũng theo ông Đẩu, sông Đồng Nai chính là tuyến du lịch đường sông giúp du khách ghé lại thăm khu thánh địa Cát Tiên, đến thăm khu di tích cách mạng Khu VI, thăm hồ Đắc Lô; rồi ngược dòng (hoặc đi bằng đường bộ) lên Phước Cát 2 thăm hang Thoát Y và sau đó sang vườn quốc gia du lịch sinh thái.

Hiện tại, du lịch Cát Tiên chưa có chỗ đứng vững chắc trên bản đồ du lịch Lâm Đồng, nhưng tiềm năng du lịch của địa phương này với những thứ “hàng độc” như khu di tích Cát Tiên... thì một chiến lược phát triển du lịch cho Cát Tiên cần vạch ra ngay trong lúc này!

Đề nghị công nhận di tích quốc gia đặc biệt

Sở VH-TT-DL Lâm Đồng cho hay hiện Sở đang cùng các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch và lập hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT-DL công nhận di tích Cát Tiên là di tích quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên, theo nhiều nhà khoa học, “đích đến” của Cát Tiên là di sản văn hóa thế giới; hoặc cùng với Vườn quốc gia Cát Tiên (đã được công nhận di tích quốc gia đặc biệt), “cặp đôi” vườn quốc gia và di tích Cát Tiên sẽ trở thành một di sản thiên nhiên - văn hóa thế giới cũng là điều mà các nhà khoa học đã đặt ra.

Gia Bình - Hồng Diễm

>> Phát hiện nhiều hiện vật ở phế tích tháp Chăm Đà Nẵng
>> Bình Định: Phát hiện phế tích tháp Chăm có từ thế kỷ XI
>> Phát hiện một phế tích cổ tại Nam Định
>> Giới thiệu những cổ vật Chăm khai quật tại khu di tích Quá Giáng
>> Huy động nguồn lực trong dân bảo tồn cổ vật Việt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.