Bí ẩn mộc bản Chính Hòa năm thứ 18: Thái độ với chúa Trịnh

02/12/2022 07:06 GMT+7

Cũng trong năm 1988, nhà nghiên cứu Ngô Thế Long giới thiệu một văn bản Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên trong thư viện gia đình cố Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, gồm bản in hai quyển 20 và 21, kèm với tờ 18 của quyển 22 đóng nhầm vào chỗ tờ 18 của quyển 21.

Nội dung bao gồm lịch sử triều Lê Kính Tông (quyển 20), thời trị vì thứ nhất của Lê Thần Tông (quyển 21), triều Lê Chân Tông và thời kỳ trị vì thứ hai của Lê Thần Tông (tờ 18 quyển 22 chép sự kiện nửa cuối năm 1655 và nửa đầu năm 1656). Phần sử này tương ứng với nửa đầu quyển 18 Bản kỷ của Nội các quan bản. Ngô Thế Long gọi bản Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên này là bản NVH (viết tắt của Nguyễn Văn Huyên).

Ngô Thế Long nhận thấy rằng dựa trên kết cấu và số tờ của từng quyển (quyển 20: 23 tờ, quyển 21: 26 tờ, quyển 22 đến tờ 18) thì ước chừng sách này còn thêm một quyển 23 nữa chép những việc sau năm 1656 (ta biết triều Lê Thần Tông còn kéo dài đến năm 1662). Điều này tương tự với kết cấu bản Đại Việt sử ký toàn thư do nhóm Phạm Công Trứ biên soạn. Bộ sách đó cũng gồm 23 quyển và kết thúc vào cuối thời trị vì thứ hai của Lê Thần Tông.

Miếu hiệu Trịnh Tùng ngay sau miếu hiệu vua Lê trong bản NVH

Tư liệu

Đối sánh giữa các ghi chép trong bản NVH với Nội các quan bản SA.PD2310 (mà ông gọi là bản Lê Hy), Ngô Thế Long nhận thấy rằng bản NVH có dung lượng chữ và số đầu việc nhiều hơn “bản Lê Hy”. Điều này cho thấy bản Lê Hy đã cô gọn (đem nhiều đầu việc từ các chỗ khác nhau chép chung vào một chỗ) và cắt bỏ thông tin từ bản NVH.

Hệ quả là một số thông tin trong “bản Lê Hy” “thiếu hoàn chỉnh, thiếu nhất quán, khó hiểu”, nhưng nếu đọc bản NVH thì lại đầy đủ, rõ ràng. Có chỗ thông tin bản NVH chép sai được bản Lê Hy sửa lại cho đúng (nhật thực năm 1613 được bản Lê Hy sửa là nguyệt thực). Ngô Thế Long kết luận rằng bản Lê Hy đã hiệu chỉnh và thu gọn lại thông tin từ bản NVH. Bản NVH không gì khác hơn là bản Đại Việt sử ký toàn thư 23 quyển của nhóm Phạm Công Trứ, vào thời Lê Hy đã khắc in được năm, sáu phần mười.

Nếu quan điểm của Ngô Thế Long là đúng, việc so sánh giữa bản NVH với Nội các quan bản sẽ giúp soi sáng công tác làm sử của nhóm Lê Hy. Về khía cạnh này, bản NVH có một khác biệt cực lớn với Nội các quan bản. Ở đầu mỗi quyển, sau dòng miếu hiệu của vua Lê là dòng miếu hiệu của chúa Trịnh. Ví dụ: Quyển 20: sau dòng “Kính Tông Huệ hoàng đế” là dòng chữ “Thành Tổ Triết vương” (chúa Trịnh Tùng). Đầu quyển 21 sau phần miếu hiệu “Thần Tông Uyên hoàng đế” và phần thuyết minh về vua này là dòng miếu hiệu “Thành Tổ Triết vương”, “Văn Tổ Nghị vương” (chúa Trịnh Tráng) và phần thuyết minh về chúa Trịnh Tráng. Đây rõ ràng là hành vi tôn vinh họ Trịnh như một phó quốc vương chỉ xếp sau vua Lê. Ở Nội các quan bản tức “bản Lê Hy”, phần tên chúa và thuyết minh về chúa hoàn toàn vắng bóng. Chúng ta buộc phải nói rằng một sự gạt bỏ như thế mang hàm ý biếm trích chúa Trịnh, và nó được thực hiện trong một bộ sử do chúa Trịnh và Thế tử của ông ta bảo trợ - như lời đề tựa của Lê Hy xác nhận.

Ba chỗ chèn thêm tên húy Trịnh Kiểm trong Nội các quan bản

Năm 2008, nhà nghiên cứu người Nga A.L.Fedorin công bố công trình nghiên cứu của mình “Những cứ liệu mới về việc chép sử ở Việt Nam”, trong đó có kết quả so sánh văn bản giữa bản NVH và Nội các quan bản. Fedorin nhận thấy rằng giữa hai bản in chỉ có hai đoạn (tức dưới 1%) trùng nhau đến từng chữ. Tuy nhiên, nội dung và sự sắp đặt các mục sử biên niên trong đa số trường hợp là trùng nhau. Điều này hàm ý cả bản NVH lẫn bản Nội các quan bản đã rút gọn lại từ một bản thảo đầu tiên mà ta chưa biết.

Bản NVH thường chỉ cô gọn thông tin bằng cách thay đổi kết cấu ngữ pháp, trật tự từ và giảm bớt một số chữ không cần thiết hoặc không quan trọng. Bản NVH so với Nội các quan bản chỉ bỏ đi 27 thông tin và đó đều là những thông tin không quan trọng. Ngược lại, sự rút gọn của Nội các quan bản mang đậm tính tư tưởng và chủ yếu bỏ đi các mục từ hoàn chỉnh (120 mục).

Trong đó, có đến 111 mục từ rút đi làm giảm thông tin về chế độ chúa và bộ máy của nó. Các mục liên quan đến quan hệ (bao gồm cả xung đột) giữa Trịnh và Nguyễn cũng bị bỏ đi. Trong 18 trường hợp, Nội các quan bản đã chèn vào các tên húy của chúa Trịnh và các hoàng hậu xuất thân từ dòng họ Trịnh. Cụ thể là việc chèn tên húy Trịnh Kiểm trong quyển 16 Bản kỷ và tên Trịnh Tùng trong quyển 17 Bản kỷ (ở những chỗ đó mỗi dòng có 19 chữ, thay vì chỉ 18 chữ). Trong mọi thông tin về cái chết của vợ chúa Trịnh, người ta đã thay chữ “hoăng” dùng cho hậu phi bằng chữ “tốt” dùng cho người thường.

Hãy tưởng tượng các chúa Trịnh đã chỉ đạo sử thần của mình biên soạn một bộ sử, trong đó bao hàm một sự biếm trích nặng nề với tổ tiên mình. Một sự kiện như vậy về cơ bản là không thể. Rất khó để nói rằng Nội các quan bản là bản quan phương do triều đình chúa Trịnh tiến hành. Fedorin cho rằng nếu tính đến những tăng bổ đó thì bản sách này không thể được in trước thế kỷ 19. Câu hỏi đặt ra là: với những sửa đổi như vậy, còn có thể coi Nội các quan bản là gần gũi hoặc thậm chí là mộc bản năm Chính Hòa thứ 18 [1697] không? (còn tiếp)

Bí ẩn mộc bản Chính Hòa năm thứ 18

Truy tìm cổ bản đã mất

Tranh luận 'bất phân thắng bại'

Nhiều khúc mắc cần giải mã

Phát hiện mới của Trần Nghĩa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.