Bí ẩn mộc bản Chính Hòa năm thứ 18: Truy tìm cổ bản đã mất

28/11/2022 07:05 GMT+7

Tháng 11 âm lịch năm Chính Hòa thứ 18 (1697) thời Lê Hi Tông (1675 - 1716), nhóm sử thần do Hình bộ Thượng thư, tri Trung thư giám, Lai Sơn tử Lê Hi dẫn đầu đã tiến hành đề tựa cho bộ sử mà họ vừa khảo đính và chép nối được cập nhật gần nhất. Lịch sử đất nước được biên chép từ Hồng Bàng thị đến thời vị vua tiền nhiệm là Lê Gia Tông (1671 - 1675).

Đây cũng là lần đầu tiên trong thời Lê Trung Hưng, một bộ quốc sử hoàn chỉnh được lưu hành rộng rãi dưới hình thức bản in dập từ các ván gỗ (mộc bản). Nhiều năm về trước, vào năm Cảnh Trị thứ 3 (1665), nhóm sử thần Phạm Công Trứ thừa nhận rằng: “Việc biên soạn quốc sử đã được tiến hành ba bốn lần, nhưng chưa khắc ván ban bố, mới khiến người ta truyền chép sai lầm”.

Nhóm Phạm Công Trứ đã dựa trên các bộ sử cũ, tiến hành chỉnh lý và chép nối từ Lê Trang Tông đến hết thời kỳ trị vì thứ hai của Lê Thần Tông. Bộ sử này - theo Lê Hi - chỉ mới được khắc ván khoảng 5 - 6 phần mười, “việc vẫn chưa xong, còn cất ở Bí các”. Nhóm Lê Hi đã dựa vào công trình của Phạm Công Trứ, tiến hành biên tập, “chuyện ngoa truyền thì đính chính, việc gì đúng thì chép lại”, lại biên soạn thêm về lịch sử của hai triều Lê Huyền Tông và Lê Gia Tông, dâng lên ngự lãm, rồi tiến hành khắc ván, “ban bố thiên hạ”. Bộ ván in được tiến hành vào năm đó được các nhà nghiên cứu hiện đại gọi là bộ mộc bản năm Chính Hòa thứ 18 (1697).

Học giả Émile Gaspardone (1895 - 1982)

TƯ LIỆU CỦA TÁC GIẢ

Mộc bản năm Chính Hòa thứ 18 tất nhiên là bộ ván khắc thuộc sở hữu nhà nước. Cụ thể là chính quyền Lê - Trịnh. Khi chính quyền chúa Trịnh rồi vua Lê nối nhau sụp đổ vào nửa sau thập niên 1780, bộ mộc bản này mất đi người bảo vệ. Quan điểm phổ biến cho rằng bộ mộc bản Chính Hòa đã không còn tồn tại vào năm 1798, khi chính quyền Tây Sơn sai kiểm kê lại các ván in ở Bắc Thành.

Ngô Thì Nhậm - người đảm nhiệm việc kiểm kê lúc đó - cho biết “bộ ván khắc Đại Việt sử ký đã thất lạc”. Bộ ván mà Ngô Thì Nhậm nhắc đến có lẽ chính là bộ mộc bản Chính Hòa thứ 18.

Mặc dù bộ ván khắc đã mất, xét về mặt lý thuyết, vẫn có thể nghiên cứu về nó dựa trên các bản sách được in từ bộ mộc bản ấy. Điều đó cũng tương tự như việc chúng ta điều tra về một người mà ta không có cơ hội tiếp xúc, nhưng lại có thể thu thập các dấu chân cũng như ảnh chụp về người đó. Vấn đề nằm ở chỗ bản Đại Việt sử ký toàn thư nào mới là bản in từ mộc bản Chính Hòa năm thứ 18?

Năm 1964, nhà nghiên cứu Trần Văn Giáp giới thiệu hai bản in ký hiệu H.V.118 của Viện Sử học và A.3 của Thư viện Khoa học xã hội. Cả hai bản này đều có đề “Quốc tử giám tàng bản”. Ông cho rằng “bản mộc bản sách ấy còn lại hiện nay mà chúng ta thường dùng là bản khắc khoảng năm 1697 triều Lê”. Trần Văn Giáp không đưa ra được bằng chứng nào ngoài việc nhắc đến bài tựa của nhóm Lê Hi, cùng dòng chữ “Tử nhân Hồng Lục Liễu Tràng đẳng xã nhân phụng san” (thợ khắc ván ở các xã Hồng Lục, Liễu Tràng vâng lệnh khắc) ở cuối bài tựa ấy. Năm 1967, khi in tập I bản dịch Đại Việt sử ký toàn thư “Quốc tử giám tàng bản”, trong lời giới thiệu, người ta cũng khẳng định bản được dùng để dịch là “bản in khắc gỗ năm 1697”.

Cụm từ về thợ khắc Hồng Lục, Liễu Tràng trong bản in ở Nhật

Ngày nay chúng ta biết rằng hai chi tiết đó không có giá trị bảo chứng niên đại 1697 cho bản in. Bài tựa gồm cả dòng ghi nhận thợ khắc cũng được tái hiện trung thành trong các bản in không phải từ mộc bản Chính Hòa thứ 18, cụ thể là bản in hoạt bản chữ chì năm 1884 thực hiện ở Nhật. Trần Văn Giáp vào lúc đó còn không tính đến một thông tin quan trọng khác. Ngay từ năm 1934, học giả Pháp Émile Gaspardone khi nói về công tác của nhóm Lê Hi đã nhắc đến một bản in rất cổ thuộc sở hữu của Nội các (Nội các quan bản), rất hiếm thấy, được khắc bởi những người thợ Liễu Tràng và trong đó không thấy kiêng tránh các tên húy của triều Nguyễn. Trong khi các bản in được thực hiện bởi Quốc tử giám ở Huế lại có kiêng tránh các tên húy, chẳng hạn như khắc “Trọng” thay vì “Chủng” (tên húy vua Gia Long), “Tự” thay vì “Thì” (tên húy vua Tự Đức). Điều đó có nghĩa “Quốc tử giám tàng bản” không phải là hệ ván in cổ nhất.

Mặc dù vậy, bản in Nội các quan bản hầu như rất khó tìm thấy ở Việt Nam. Kết quả là ngay cả người biết được ý kiến của Gaspardone cũng không thể đưa ra nhận xét gì tốt hơn. Vào thập niên 1970, Võ Long Tê khi thuyết minh bản dịch Đại Việt sử ký toàn thư phát hành ở miền Nam Việt Nam đã cho rằng: bản Đại Việt sử ký toàn thư ký hiệu VS-4 do Viện Khảo cổ Sài Gòn lưu trữ chính là “Giám bản thời Lê” (ngoại trừ hai quyển 16, 17 được ghép từ nguồn khác, thuộc bản in Quốc tử giám thời Nguyễn).

Nguyên nhân là nó không có chứa những kiêng húy các vua Nguyễn mà hai quyển 16, 17 lại có. Bộ sách này vốn thuộc thư viện riêng của học giả Phạm Quỳnh, sau năm 1945 được nhượng cho Viện Văn hóa Trung Phần (Huế), rồi sau đó về tay Viện Khảo cổ Sài Gòn. Tuy vậy, tờ bìa của bản Hán văn in kèm cho thấy VS-4 cũng chỉ là “Quốc tử giám tàng bản”. Vậy thì bản in Nội các quan bản mà Gaspardone nhắc đến đang nằm ở đâu? (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.