'Gia Định báo' chữ Hán có trước 'Gia Định báo' chữ quốc ngữ

12/10/2022 06:45 GMT+7

Lâu nay, Gia Định báo chữ quốc ngữ được giới nghiên cứu nhìn nhận là tờ báo đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam, số đầu tiên ra năm 1865. Nhưng quan điểm của nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh lại khác.

Trong thời đại số hóa và công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay, giới nghiên cứu đang có dần những lợi thế lớn khi được tiếp cận dễ dàng và miễn phí những kho lưu trữ, đặc biệt từ trang thư viện số Gallica (thuộc Thư viện Quốc gia Pháp).

Vì vậy, ở cuốn sách Hai tờ báo chữ Hán ở Nam kỳ đầu thời Pháp thuộc (NXB Khoa học xã hội vừa ra mắt), tác giả Cao Tự Thanh đã công bố bộ Gia Định báoNam kỳ lục tỉnh báo chữ Hán khai thác từ Gallica, phiên âm - dịch nghĩa và giới thiệu toàn văn nội dung các bài báo đến độc giả.

Báo chữ hán đầu tiên ở Nam kỳ và Bắc kỳ

Theo dấu chân của quân đội viễn chinh Pháp, báo chí phương Tây du nhập vào Nam kỳ, trước tiên ở Sài Gòn, bấy giờ là thuộc địa của Pháp kể từ Hòa ước Nhâm Tuất (1862).

Cuốn sách Hai tờ báo chữ Hán ở Nam kỳ đầu thời Pháp thuộc, NXB Khoa học xã hội vừa ấn hành

QUANG DIỆU

Với tài liệu hiện có, tờ báo được cho là ra đời đầu tiên ở Nam kỳ là Bulletin officiel de l’Expédition de Cochinchine (Công báo quân viễn chinh Nam kỳ) được in bằng chữ Pháp năm 1861, tiếp đó là tờ công báo chữ Hán Bulletin des Communes (Xã thôn công báo)Courrier de Saigon (Tây Cống nhựt báo) chữ Pháp… Với người Việt, Bulletin officiel de l’Expédition de Cochinchine không được thừa nhận là đứa con đầu lòng của lịch sử báo chí VN, trong cách đánh giá này hình thức chữ viết là yếu tố cơ bản, vì vậy Gia Định báo chữ quốc ngữ trở thành lựa chọn khả dĩ.

Hòa ước Nhâm Tuất được ký kết tại Sài Gòn ngày 5.6.1862 giữa Chánh sứ Phan Thanh Giản và Đề đốc Bonard tại Trường Thi (Camp des Lettrés), kể từ đó 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ chính thức nằm dưới quyền cai trị của người Pháp. Cũng từ năm 1862, chính quyền thuộc địa tại Sài Gòn cho phát hành tờ báo chữ Hán có tên gọi 嘉定報 (Gia Định báo).

Sự tồn tại của 嘉定報 (Gia Định báo) được Trần Nghĩa và François Gros ghi nhận từ năm 1993, sau gần 30 năm nội dung của tờ báo này mới chính thức được dịch và giới thiệu đến độc giả người Việt. Một phần của bộ 嘉定報 (Gia Định báo) hiện được lưu tại Gallica với ký hiệu A.43, gồm 12 số (9 số cuối năm 1862, 3 số đầu năm 1863); và A.4, gồm 1 số tháng 4.1867. Hiện chưa đủ thông tin để xác định một cách chắc chắn thời điểm ra đời và đình bản tờ 嘉定報 (Gia Định báo), các số báo sưu tầm được chỉ có thể cho biết rằng 嘉定報 (Gia Định báo) ra đời trước khi đại diện liên quân Pháp - Tây Ban Nha và Đại Nam ký Hòa ước Nhâm Tuất và kéo dài đến gần ngày quân Pháp chiếm đóng 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ (ngày 20 - 24.6.1867).

Nội dung tờ Gia Định báo chữ Hán, số tháng 2.1863

Cũng trong cuốn sách này, dựa trên những tài liệu hiếm hoi có được, tác giả Cao Tự Thanh giới thiệu đến độc giả tờ báo chữ Hán, in mộc bản tại Nam kỳ, có tên gọi 南圻六省報 (Nam kỳ lục tỉnh báo), tờ báo này đang lưu tại Gallica với ký hiệu A.42 và hiện chỉ công bố 2 số (tháng 9.1872 và tháng 7.1873), từ số tháng 7.1873 đến ngày Pháp và Đại Nam ký Hòa ước Giáp Tuất (15.3.1874) gần 8 tháng. Cũng như tờ 嘉定報 (Gia Định báo), chúng ta không có đủ dữ liệu để khẳng định ngày ra đời và đình bản tờ 南圻六省報 (Nam kỳ lục tỉnh báo).

Qua việc dịch và công bố tài liệu của Cao Tự Thanh, giới nghiên cứu được biết đến, được đọc toàn văn nội dung 2 số báo chữ Hán ra đời trước tờ báo chữ Hán đầu tiên tại Bắc kỳ là 大南同文日報 (Đại Nam đồng văn nhật báo) (1891), thời Thành Thái, hơn 19 năm. Trong nghiên cứu lịch sử báo chí, sưu tầm và công bố 南圻六省報 (Nam kỳ lục tỉnh báo) là một phát hiện quan trọng.

Nội dung tờ Nam kỳ lục tỉnh báo chữ Hán, số tháng 7.1873

Hòa ước Nhâm Tuất toàn văn

Ngay sau khi ký Hòa ước Nhâm Tuất, chính quyền thuộc địa cho khắc in, tại Sài Gòn, toàn văn nội dung bản hòa ước với nhan đề 和約書 (Hòa ước thư), bản in mộc bản này đang được lưu tại Gallica với ký hiệu A.27. Ngoài việc dịch nguyên văn và toàn văn nội dung 15 số báo, Cao Tự Thanh cũng tiến hành dịch 和約書 (Hòa ước thư) để giới thiệu đến độc giả một văn bản quan trọng - dẫu không phải là bản có giá trị pháp lý (tức có đóng dấu) vốn khó tiếp cận.

Bản dịch (của Viện Sử học) Hòa ước Nhâm Tuất trong bộ Đại Nam thực lục (tập 7, NXB Giáo dục, 2007, trang 771 - 772) vốn lược bỏ nội dung theo kiểu tóm tắt và không chia rạch ròi 12 điều (khoản) nên về giá trị sử liệu văn bản này rất khó sử dụng, vì vậy có thêm một bản dịch văn bản hòa ước trung thành với nguyên tác của Cao Tự Thanh là điều đáng quý. Trước đây, Ngô Đức Thọ đã dịch Hòa ước Nhâm Tuất cũng từ bản in mộc bản chữ Hán, song đem so với bản dịch của Cao Tự Thanh có những chỗ khác…

Trang đầu của Hòa ước thư (Hòa ước Nhâm Tuất) bản chữ Hán

THƯ VIỆN QUỐC GIA PHÁP

Công bố chỉ 15 số báo, 1 bản hòa ước thư và một số phụ lục khác kèm theo là sự khiêm tốn về tư liệu, tuy nhiên việc dịch, công bố và giới thiệu toàn văn của Cao Tự Thanh mang đến cho độc giả nhiều thông tin quan trọng, tùy mục đích sử dụng và đối tượng quan tâm. 15 số báo ít ỏi đặt trong tổng thể, từ tháng 4.1862 - 7.1873, theo tác giả Cao Tự Thanh, chúng “ít nhiều thể hiện một tiến trình lịch sử” từ Hòa ước Nhâm Tuất đến Hòa ước Giáp Tuất.

Với bản dịch toàn văn Hòa ước Nhâm Tuất, giới nghiên cứu có thêm một tài liệu dẫn khả tín trong bối cảnh công tác lưu trữ, sưu tầm và tổ chức dịch các hòa ước, sắc lệnh, nghị định, công báo… từ chữ Pháp và cả chữ Hán, lâu nay chưa được chú trọng.

Hai tờ báo chữ Hán ở Nam kỳ đầu thời Pháp thuộc là công trình khảo cứu công phu của Cao Tự Thanh, cuốn sách mang đến cho độc giả những thông tin quý giá, những ý tưởng về tư liệu, sử liệu cũng như thái độ cẩn trọng trong công tác nghiên cứu như muốn nhắn nhủ rằng, khi chưa cầm được tài liệu trên tay thì hãy khoan vội kết luận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.