Nhật trình kể chuyện: Muôn kiểu cộng tác báo chí

20/06/2022 06:30 GMT+7

Việc cộng tác báo chí có rất nhiều cách, hoặc cứ viết và gửi báo, hoặc nhờ quen thân. Thậm chí được báo mời viết nếu là ký giả, văn thi sĩ có tên tuổi.

Chánh Tổng tài mời cộng tác viên

Chánh Tổng tài Gia Định báo Trương Vĩnh Ký là người áp dụng rất sớm việc mời gọi cộng tác viên. Gia Định báo số 6, ngày 24.2.1870, có lời rao ở phần Tạp vụ: “Từ nây [nay] sấp [sắp] tới ta trông cậy sẽ có nhiều chuyện cho người ta coi: Vì nhờ có tờ chạy cho các thầy giáo tập quốc ngữ, và các thầy thông ngôn các nơi trong cả sáu tỉnh mỗi tuần hay là nữa [nửa] tháng thì chạy tờ về mà học lại những chuyện các nơi các tỉnh để làm vô Gia Định báo cho thiên hạ hay”... “chuyện nào có người kí tên vô, thì là của người ấy; sau có đều [điều] gì hay dỡ [dở], người ta bắt lý hay là sinh đều cãi lẩy kiện cáo thì phải chịu lấy”.

Họ Trương nhắm đến đội ngũ giáo viên, thông ngôn vì họ là người có học thức, có khả năng viết tốt hơn cả, lại thông thạo tin tức nơi sở tại. Ông cũng đề cập rõ trách nhiệm của người viết bài nếu có xảy ra kiện tụng liên quan. Vẫn trên báo này số 11, ngày 8.4.1870, Trương Vĩnh Ký gửi đến thông ngôn, ký lục, giáp tập đề nghị những người viết bài nếu có việc hay sự lạ ở Lục tỉnh như trộm cướp, hỏa hoạn “nói tắt một lời là những chuyện mới lạ đem vô nhựt trình cho người ta biết”. Đây chính là loại tin tức lạ cho độc giả sính chuyện mà bây giờ ta gọi là “tin giật gân”, “tin sốc”.

Phụ nữ tân văn số 88, ngày 25.6.1931 đăng tiểu thuyết dài kỳ Cậu Tám Lọ của Bửu Đình với bút danh B.Đ

TƯ LIỆU CỦA ĐÌNH BA

Sau này, trên các báo, bên cạnh phần địa chỉ báo, tên tuổi người quản lý, chủ nhiệm, chủ bút báo, luôn có phần ghi rõ người lĩnh trách nhiệm nhận thư từ, mandat (phiếu gửi tiền) của độc giả, cộng tác viên. Nhiều báo đăng mẩu tin lưu ý những bài lai cảo khi gửi đến tòa soạn, đề nghị viết một mặt giấy, nếu bài không đăng sẽ không trả lại.

Viết một báo, cộng tác dăm bảy tờ

Với chế độ kiểm duyệt báo chí, những người dính án chính trị viết báo gặp nhiều khó khăn. Trong hồi ký Mặt trận Dân chủ Đông Dương, Trần Huy Liệu nhớ sau khi ở Côn Lôn về có viết bài mà đa phần liên quan đến lao tù ở Côn Đảo. Dù đã nói giảm, nói tránh về chế độ nhà tù và tăng cường phần viết về văn hóa, văn nghệ nhưng các báo nhận bài mà không dám đăng. Bửu Đình, Hoàng thân nhà Nguyễn viết bài cho Phụ nữ tân văn khi ở Côn Đảo. Bài được chuyển về đất liền đến báo, tiểu thuyết ái tình Mảnh trăng thu, Cậu Tám Lọ đăng dài kỳ trên báo này với tên tác giả là B.Đ để giấu danh tính. “Một chính trị phạm bị lưu đày ở Côn Đảo đã nhờ P.N.T.V mà giữ lại tên tuổi tới ngày nay. Tôi muốn nói ông B.Đ tức Bửu Đình, tác giả của những bộ tiểu thuyết Mảnh trăng thu, Cậu Tám Lọ…”, Thiếu Sơn ghi trong Những bài học nhân sinh.

Báo Truyền bá số 116, ngày 24.2.1944 đăng truyện Chú chuột của Tô Hoài

TƯ LIỆU CỦA ĐÌNH BA

Tố Hữu khi ở tù thực dân, vẫn sáng tác thơ và gửi báo nhưng ký tắt thành T.H để tránh bị lộ, thoát ải kiểm duyệt, và phải có một đường dây bí mật đưa bài ra cho các báo. Cách tác nghiệp cũng rất khác biệt: “Nhiều bài thơ được gửi ra ngoài cho các báo, bằng cách viết trên lá gội non với mũi kim nhọn, nét chữ ra mầu đen rất rõ. Mỗi bài phải dùng cả một cành có dăm bảy lá tươi. Những cành lá ấy gọi là “cành thơ” được đưa cho mấy anh thường phạm tốt, đi làm “cỏ vê” mang ra ngoài, trao cho người liên lạc của ta theo địa điểm định sẵn”, hồi ký Nhớ lại một thời của Tố Hữu ghi.

Bước chân vào nghề viết, Nguyên Hồng, Tô Hoài trầy trật lắm khi viết bài cho nhiều báo, chỉ mong thấy tên mình ở phần tác giả. Thậm chí là viết bài mà không có nhuận bút. Tự truyện của Tô Hoài ghi: “Báo ở Hà Nội hay Sài Gòn, báo nào tôi biết, tôi gửi tất: Nước Non, Cậu Ấm, Mới, Đồng Tháp, Việt Báo, Hạnh phúc, Tiểu thuyết thứ Năm, Tiểu thuyết thứ Bảy…”. Những bài không nhuận bút là bài lai cảo. Từ những bài lai cảo, nhiều người đã bước chân vào làng báo và nên danh. Làm biên tập viên cho Đông Tây tuần báo, Anh Thơ đã được đọc bài lai cảo của Mộng Tuyết, Hoài Thanh… “Cách đây từ 40 năm, Lãng Nhân đã tìm thấy Vũ Bằng trong một bài lai cảo gửi cho báo Đông Tây và được đăng ở mục Bút Mới”, Tạ Tỵ đã chia sẻ như thế trong sách Mười khuôn mặt văn nghệ.

Muốn viết được bài cho báo thì phải quen thân với chủ bút, với bạn văn nghệ uy tín hoặc có chân trong báo ấy. Tô Hoài bén duyên Truyền bá là nhờ Vũ Ngọc Phan và Nguyễn Công Hoan. Ông chủ báo Vũ Đình Long đã mời Tô Hoài viết thử và về sau chính thức cộng tác. Nếu người viết đã có danh thì việc cộng tác thực dễ. Nguyễn Công Hoan, Lê Văn Trương là những cây bút chủ lực của Tiểu thuyết thứ Bảy, Truyền bá, Phổ thông bán nguyệt san nhà Tân Dân, Phạm Cao Củng gắn với nhà Mai Lĩnh ở các tờ Hải Phòng tuần báo, Học sinh… Nhà văn Vũ Ngọc Phan trong hồi ký Những năm tháng ấy nhớ khi mới độ tuổi 30 đã đem ngòi bút của mình “cày bừa” trên nhiều báo, tạp chí: “Ngoài Tạp chí Pháp Việt ra, tôi viết cho L’Effort indochinois, Trung Bắc Nhật tân, Tạp chí Văn học, Phổ thông bán nguyệt san ở Hà Nội và Sông Hương ở Huế”. (còn tiếp)

Nhật trình kể chuyện

Tranh luận, bút chiến trên báo chí

Khi gia đình dắt nhau làm báo

Khi nhà báo tác nghiệp

Hiểm nguy nghề ký giả

Những con số… đau đầu

Đời báo và tên báo

Những mối duyên cộng hưởng

Rộn ràng làng báo Bắc - Trung - Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.