Nhật trình kể chuyện: Hiểm nguy nghề ký giả

16/06/2022 06:57 GMT+7

Nghề báo dùng chữ nghĩa vạch trần cái xấu, khuyến khích cái tốt, giúp cho xã hội tiến bộ. Các ký giả được độc giả yêu quý cũng có, mà bị kẻ xấu làm hại cũng có.

Người e dè, kẻ tức tối

Tỏ nỗi niềm trong Một bầu tâm sự (1927), Trần Huy Liệu cảm hoài việc bị chính quyền bảo hộ gây khó dễ: “Tôi còn nhớ khi từ bút Đông Pháp thời báo rồi, dời gia quyến xuống ở một nơi nhà quê kia thuộc hạt Bến Tre, ở được hai ngày thì đã có sự không yên, vì ở đó có một viên Phó tổng ngại rằng mình sẽ phương hại cho việc trị an, nên bách chủ nhà phải xa mình”. Lý do vì họ đọc báo, thấy bài của họ Trần hay bị Sở Kiểm duyệt bôi bỏ. Việc đâu đã hết, khi Trần Huy Liệu ghé thăm người bạn mà ông cho biết là có tư cách, học thức, ấy thế mà bạn bè gặp nhau chẳng tay bắt mặt mừng thì chớ, thấy ông Liệu, người bạn hoảng hốt vì mới được làm hương cả, sợ mật thám biết biên tên theo dõi sẽ cản trở đường công danh sự nghiệp.

Vụ khám xét báo quán La Lutte, bắt Ninh, Thâu lên báo Điễn tín số 510, ngày 28.9.1936

TƯ LIỆU CỦA ĐÌNH BA

Trong hồi ký Bốn mươi năm “nói láo”, Vũ Bằng nhớ báo Trung Bắc tân văn Chủ nhật có Tùng Hiệp Nguyễn Xuân Hiệp thạo tin tức thuộc dạng “hàng độc”. Phụ trách viết điều tra và mảng truyện ngắn, Tùng Hiệp còn phụ trách mục thả vịt với giọng văn châm biếm sâu cay. Có lần Claude Bourrin (tác giả của Đông Dương ngày ấy, Xứ Bắc kỳ xưa) có chân trong Hội kịch Bắc kỳ “đem binh tôm tướng cá đến trước cửa Trung Bắc Chủ nhật đòi xin tí huyết” Tùng Hiệp. Nguyễn Doãn Vượng, người chủ trương báo phải thu xếp mới xong.

Năm 1941, Báo mới của Nguyễn Khắc Kham mới ra đời đã đăng bài về ma cà rồng để câu khách, bị Vũ Ngọc Phan phê phán trên Hà Nội Tân văn. Tức tối, Kham bắn tin sẽ thuê du côn đánh họ Vũ. Thế là vì việc ấy, Vũ Ngọc Phan khi đi ngoài đường cũng phải dè chừng, chọn nơi đông đúc để đi thay vì chỗ vắng. Sau này, thậm chí Kham còn kiện Phan ra tòa nữa.

Ngay cả nhà báo Pháp làm báo ở Việt Nam cũng phải ra trước tòa, mà trường hợp Chủ nhiệm Cendrieux là một. Vì báo Dân quyền bất chấp lệnh cấm xuất bản, vẫn ra báo ngày 8.9.1936, ông Cendrieux bị Tòa trừng trị Sài Gòn truy tố, phạt vạ 50 quan tiền. Cendrieux chống án, nhờ trạng sư Conget bào chữa khiến Tòa Phúc thẩm ở Sài Gòn và Tòa Thượng thẩm ở Paris phải tha bổng. Việc này nhà báo Diệp Văn Kỳ ghi lại trong Chế độ báo giới Nam kỳ năm mươi sáu năm nay (1938).

Trần Huy Liệu từng làm Chủ bút Đông Pháp thời báo

TL

Nhà lao giam giữ “ngòi bút sắc”

Thế chiến 2 nổ ra, báo chí bị kiểm soát gắt gao, người làm báo không tránh khỏi cảnh bị liên đới. Trong hồi ký Cuộc đời sân khấu của chúng tôi, Song Kim nhớ những văn nghệ sĩ làm báo gặp vô vàn khó khăn. Mật thám thì theo dõi, thuê nhà thì bị từ chối. Có người như trường hợp Nguyễn Tuân năm 1940 bị bắt đưa đi căng Vụ Bản, giam ở Nho Quan rồi về Hà Đông, bị quản thúc và phải trình diện hằng tuần, khi Nhật đảo chính Pháp thì mới thoát món trình diện. Thế Lữ, Thạch Lam, Huyền Kiêu... thì thấp thỏm, luôn cảnh giác vì sự lùng bắt của mật thám.

Tế Xuyên trong tác phẩm Nghề viết báo cho biết thời gian 1927 - 1930, nhà báo Lê Trung Nghĩa, tác giả tiểu thuyết Yên kỳ nhi đã điều tra, tố cáo tệ đầu cơ bến xe đò của bọn du côn ở Cần Thơ, Sài Gòn, lên án một viên cò người Pháp che chở cho bọn du côn lộng hành. Viên cò kiện Nghĩa ra tòa và Nghĩa phải thụ án tù. Nhưng cũng nhờ những bài viết của nhà báo này, nạn anh chị lộng hành nơi bến xe mới giảm.

Lại liên quan đến Tế Xuyên, đêm 30 Tết Kỷ Tỵ (9.2.1929), tên trùm mộ phu Bazin bị ám sát, nhiều người đã bị bắt để tìm thủ phạm gây án. Hoàng Văn Đào, một đảng viên của Việt Nam quốc dân đảng cũng bị bắt. Đào còn nhớ do không tìm được thủ phạm, thực dân Pháp “bèn bắt một chàng thư sinh là Lê Ông Sanh tức Tế Xuyên, một nhà viết báo”. Tuy nhiên sau đó Nguyễn Văn Viên, đảng viên của Việt Nam quốc dân đảng bị bắt và tự nhận mình giết Bazin. Nhờ đó, Tế Xuyên mới được tha bổng. Sau này, Tế Xuyên quen tên trên Trung tâm tuần báo, Đàn bà mới, Thể tháo Đông Dương… và là phóng viên của báo Sài Gòn.

Báo Tân văn số 19, ngày 8.12.1934 trong mục “Thiệt hơn” ngay trang nhất đưa tin Sở Mật thám bắt 6 người đàn bà bị nghi là cộng sản, trong đó có trợ bút báo Đàn bà mới ở Sài Gòn là Nguyễn Thị Phương Huê. Nhiều nhà báo vì hoạt động yêu nước, viết bài trái với ý chính quyền bảo hộ, thuộc địa, khiến thân phải ra trước tòa, có lúc phải vào nhà lao thụ án. Trường hợp các nhà báo của báo La Lutte như Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu bị bắt năm 1936 là ví dụ, khiến dư luận xôn xao, còn các báo Điễn tín, Sài Gòn… thì đưa tin liên tiếp.

Thậm chí, có người làm báo còn bị thiệt thân nữa. Sài thành nhật báo số 49, ngày 29.4.1932 đưa tin “Một người làm báo ở ngoài Bắc bị giết chết”. Người đó là Nguyễn Trọng Quyền, trợ bút của báo Đông phương. Vẫn tin này cho hay là “theo biên bãn [bản] của quan trên thì nói Quyền chết đây là vì nghịch ý với đãng [đảng] Quốc dân Việt Nam”. Và hung thủ đã đoạt mạng Quyền, là Nguyễn Tri Phác, tuổi đời 20, quê Gia Viên, Hải Phòng. Tên này là em của Nguyễn Tri Phủ, hội viên đảng Việt Nam quốc dân đã bị xử tử trước kia. (còn tiếp)

Nhật trình kể chuyện

Những con số… đau đầu

Đời báo và tên báo

Những mối duyên cộng hưởng

Rộn ràng làng báo Bắc - Trung - Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.