Từ dịch đông…
Trước khi món tiểu thuyết Tàu được yêu thích trên báo và qua các cuốn sách dịch vào nửa đầu thế kỷ 20, thì Trương Vĩnh Ký đã dịch tác phẩm Tàu, nhưng là Đại học, Trung dung (1889), và một số từ điển làm công cụ tiện tra cứu như Pháp Việt tự điển (1884), Việt Pháp tự điển (1887)… Khởi từ đó về sau, hoạt động dịch thuật song hành cùng xuất bản.
Ngọc Giao trong Hà Nội cũ nằm đây cho rằng Nguyễn Văn Vĩnh, Dương Phượng Dực, Nguyễn Giang, trước đó là Trương Vĩnh Ký đại diện cho những dịch giả Pháp văn; Nguyễn Đỗ Mục, Phan Kế Bính, Bùi Kỷ, Doãn Kế Thiện… là những tay dịch tiểu thuyết Trung Quốc.
Nhờ đó, độc giả Việt Nam sớm được tiếp cận, biết đến các danh tác lớn của khu vực và thế giới qua những bản sách Việt ngữ được xuất bản, hiểu thêm về văn học, văn hóa Đông Tây. Nhiều tác phẩm trước khi in thành sách, đã được dịch đăng dài kỳ trên các báo thời gian trước 1945.
Tây sương ký do Nguyễn Đỗ Mục dịch |
TƯ LIỆU CỦA ĐÌNH BA |
Với tiểu thuyết Tàu, Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại cho rằng Nguyễn Đỗ Mục là nhà văn dịch truyện Tàu ra quốc văn nhiều nhất và được nhiều người tìm đọc. Trong những dịch phẩm của ông, Tây sương ký, Đông Chu liệt quốc được xem là đáng kể nhất. Số lượng dịch phẩm của họ Nguyễn đồ sộ với Song phượng kỳ duyên (1922), Thuyền tình bể ái (1926), Vợ tôi (1927), Vô gia đình (1931), Thủy hử (1933, 1934), Phi châu yên thủy sầu thành lục, Nhi nữ tạo anh hùng (1935)... Nửa đầu thế kỷ 20, danh tác Trung Hoa có nhiều bản dịch chứ không chỉ độc nhất một bản, như Đông Chu liệt quốc gắn với tài năng dịch của Nguyễn Đỗ Mục, nhưng Đào Trinh Nhất cũng góp một bản dịch do Lưu Đức Phương thư quán xuất bản năm 1929.
Mảng dịch văn học Tàu còn phải kể đến Phan Kế Bính, Nguyễn Kim Đính, Trần Chánh Chiếu, Nhượng Tống cùng nhiều văn nhân, thi sĩ khác. Phan Kế Bính không chỉ có Việt Nam phong tục được chú ý, mà còn những sách dịch Mặc Tử, Hàn Phi Tử, Kim cổ kỳ quan, Tiền Hán thư, đặc biệt bộ Tam quốc chí diễn nghĩa “là một bộ truyện dịch cực hay, có thể làm khuôn mẫu cho tất cả các truyện dịch”, Vũ Ngọc Phan nhận xét.
Trong hồi ký Những năm tháng ấy, Vũ Ngọc Phan dạo đi học từng đọc rất nhiều tiểu thuyết Tàu do Nguyễn Chánh Sắt dịch: Tái sanh duyên (1929), Vạn huê lầu diễn nghĩa (1929), Hiệp nghĩa phong nguyệt (1931), Phi kiếm kỳ truyện (1939)… Trong khi đó, Nguyễn An Khương dịch Phấn trang lầu diễn nghĩa (1928). Em ông là Nguyễn An Cư được biết với nghề làm thuốc có tiếng ở Sài Gòn thì dịch phần lớn một trong “tứ đại danh tác” của Trung Hoa là bộ Tam quốc diễn nghĩa do Tín Đức thư xã xuất bản năm 1928 gồm 31 cuốn (riêng cuốn 1 Nguyễn Liên Phong dịch, còn lại là Nguyễn An Cư chuyển ngữ).
… Đến dịch tây
Có thể thấy đa phần sách dịch là những tác phẩm văn học kinh điển phương Tây của Pháp, Anh, Hy Lạp… Sách của Anh có William Shakespeare như Chú lái buôn thành Venise (1930), Giấc mộng đêm hè (1937). Nhưng nhiều nhất là sách của Pháp với Alexandre Dumas như Bá tước Mông Xích Tô (Le Comte de Monte Cristo) (1922), Trà hoa nữ (1940); Jules Verne với Tám mươi ngày vòng quanh thế giới (1928), Lên cung trăng (1944)… Về văn học Nga, Vũ Ngọc Phan còn nhớ bộ tiểu thuyết Anna Karéline của Tolstoi được ông dịch ra là An-na Kha-lệ-ninh. Bản gốc Vũ Ngọc Phan mua với giá 2 đồng (lúc đó 6 đồng một tạ gạo), sau đó năm 1937 dịch dần và đăng trên Revue Franco-Annamite (tạp chí Pháp Việt) và báo Tràng An trước khi tập hợp lại để NXB Đời Nay lần lượt in thành sách năm 1943, 1944.
Nguyễn Văn Vĩnh trong lĩnh vực dịch Pháp văn được đánh giá cao khi ông dịch Bệnh tưởng (Molière, 1928), Truyện Gil-Blas de Santillane, Tục ca lệ (Alain-René Lesage, 1929-1930), Mai Nương Lệ Cốt (Prévots, 1930), Những kẻ khốn nạn (Victor Hugo, 1930), Truyện các danh nhân Hi Lạp La Mã đối nhau (Plutarque, 1932)… Viết về ông, Nhất Tâm trong Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936) kết luận ông là thiên tài về dịch Pháp văn.
Vũ Bằng còn nhớ trong Bốn mươi năm “nói láo” nhiều đồng nghiệp làm báo Trung Bắc tân văn kể rằng ông Nguyễn Văn Vĩnh tâm đắc nhất truyện dịch Ba người ngự lâm pháo thủ. Nhưng bạn thân ông Vĩnh thì “quả quyết là không có truyện nào ông vừa ý mà lại để công phu dịch thuật như truyện Mai Nương lệ cốt”. Bởi truyện này ông dịch và viết tay (những truyện khác do bạn hoặc thư ký chép theo lời ông dịch miệng), xong ông còn nhờ người soát lại, sửa chữa kỹ lưỡng. Sau này, Nguyễn Giang con ông cũng là dịch giả có tiếng khi dịch truyện cổ Grimm, William Shakespeare, Victor Hugo, Alexandre Dumas…
Ngoài những tên tuổi dịch giả nổi bật và chủ yếu gắn với dịch phẩm văn học, thì vẫn có những dịch phẩm ở những lĩnh vực khác, dẫu không nhiều, được chuyển ngữ. Chẳng hạn y học có Giữ thế nào cho khỏi ốm đau (Devy, Đỗ Uông dịch, 1926), văn hóa có Văn minh luận (Phạm Quỳnh dịch, 1927), Đông Tây văn hóa phê bình (Nghi Đạm dịch, 1928)…
Không nổi về mặt dịch thuật như những tên tuổi ở trên, nhưng nhiều văn thi sĩ dạo ấy cũng tham gia ít nhiều. Thế Lữ dịch Cuộc đời ly kỳ và gian nan của Rô-bin-sơn (1941), Hoàng Cầm dịch Hận ngày xanh (Graziella, 1942)… Chính nhờ nhiều danh tác phương Tây được dịch, Tô Hoài đã đọc và từ đó có chất liệu viết nên tác phẩm gắn liền với tên tuổi của ông, như Tự truyện tâm sự: “Truyện Dế mèn phiêu lưu ký của tôi phảng phất những nét lẫn lộn Guylive du ký, Đông Kisốt, Têlêmạc phiêu lưu ký mà tôi đã đọc những bản dịch trong loại sách Âu Tây tư tưởng của Nguyễn Văn Vĩnh”.
Bình luận (0)