Phía sau trang sách: Xuất bản theo lối mới

18/04/2022 06:37 GMT+7

Khi thực dân Pháp có mặt và đặt bộ máy cai trị trước nhất ở Nam kỳ vào nửa cuối thế kỷ 19, Hồ sơ về Lục châu học cho biết hoạt động in ấn cũng được quan tâm bên cạnh những ưu tiên hàng đầu về nhà thương, nhà thờ, nhà ở cho quan chức, quân đội Pháp.

Du nhập kỹ thuật in Tây phương

Nhà in nhà nước được lập đầu thập niên 1860 với tên Imprimerie impériale (sau là Imprimerie du Gouvernement) để in sách báo phục vụ mục đích thông tin, tuyên truyền. Kỹ thuật in chữ rời tiên tiến của Tây phương cũng được du nhập vào nước ta, ngành in từ đó phát triển vượt bậc so với kỹ thuật in mộc bản truyền thống. Về tổ chức của nhà in, có thể đơn cử trường hợp Nhà in Quản hạt (Imprimerie Colonaile), bộ máy hoạt động có các chức việc coi máy, đóng xếp, rồi nhân công sắp chữ. Những người này dưới quyền của Quản việc, Phó việc, theo thông tin từ Sách quan chế (Đốc phủ sứ Paulus Của, bản in nhà nước, 1888). Cũng sách này ghi, nhà in nhà nước in các sách báo, tài liệu công hoặc tư cho toàn cõi Đông Dương, do địa phương trả tiền. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động, nhà in vẫn bị hao hụt công quỹ nên đề nghị quỹ Đông Dương chia sẻ phí tổn ấy.

Trương Vĩnh Ký, tác giả viết và xuất bản nhiều sách cuối thế kỷ 19

TƯ LIỆU

Tiếp sau nhà in đầu tiên là sự xuất hiện của nhà in Tân Định (Imprimerie de la Mission) với trang bị máy, chữ và giấy được nhập từ Pháp để in ấn các sách đạo, sách học. Dần dà, các nhà in tư nhân của Pháp cũng được lập ra kể từ đầu những năm 1880 với những cái tên có thể liệt kê như C.Gulillant et Martinon, Rey et Curiol… Hoạt động in ấn, xuất bản không chỉ thịnh ở Sài Gòn, một số địa phương cũng đã có nhà in. Đó là trường hợp của Nhà in Qui Nhơn ở Qui Nhơn, Nhà in F.H. Schneider tại Hà Nội…

Trong những tay hoạt động tạo dấu ấn ở ngành in ấn, xuất bản thời gian này, có F.H.Schneider, người hoạt động báo chí, xuất bản phục vụ cho chính quyền thuộc địa ở Đông Dương, cũng là người lập Nam Trung nhật báo, Trung Bắc tân văn, Đại Nam đồng văn nhật báo, Đông Dương tạp chí. Nhà in đầu tiên ở Bắc Kỳ được Chính phủ Bảo hộ lập ra tại Hà Nội tháng 11.1883, và Schneider là người giúp việc cho nhà in này. Bulletin du Comité d’études agricoles, industrielles et commerciales de l’Annam et du Tonkin đã được in tại đây và theo thông tin hiển thị nơi trang nhất, nhà in mang tên Imprimerie typographie F.H.Schneider.

Năm 1893, Schneider “ra riêng”, lập nhà in để in sách báo ở địa điểm sau là trường Bưởi, tức trường THPT Chu Văn An, Hà Nội hiện nay. Theo Phan Trần Chúc trong bài “Lịch sử nghề làm báo Bắc Kỳ: Đăng cổ tùng báo”, trên Ngọ báo số 2584 (23.4.1936) thì năm 1907, nhà in riêng của Schneider phải sáp nhập với nhà in Viễn Đông. Ghi nhận công lao của Schneider, Phạm Quỳnh trong bài “La presse Annamite” trên Nam Phong tạp chí số 107, tháng 7.1926 khen Schneider là “người đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc phát triển nghề in và nghề xuất bản ở Đông Dương”.

Người Nam viết sách Việt, in kỹ thuật Tây

Nửa cuối thế kỷ 19, ngoài những sách được xuất bản bởi các nhà in trong nước, có cả sách được in bên Pháp đối với các tác phẩm, tác giả nổi tiếng. Chẳng hạn như Kim Vân Kiều tân truyện do nhà Ernest Leroux ở Paris xuất bản năm 1884. Cũng nhà này xuất bản Chuyện đời xưa của Trương Vĩnh Ký năm 1888.

Hoạt động in ấn, xuất bản không chỉ có sự độc quyền của người Pháp. Từ rất sớm khi kỹ thuật in của Pháp được du nhập, đã có nhiều người Việt tham gia. Có thể dẫn trường hợp Nhà in Tân Định, thợ in ban đầu là những trẻ mồ côi được đào tạo. Và viết sách, thì những tác phẩm của Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của… đã ra mắt nửa sau thế kỷ 19.

Công lao viết, xuất bản sách của Trương Vĩnh Ký được ghi nhận rất sớm. Sách Lịch trình tiến hóa sách báo quốc ngữ tường thuật cuộc triển lãm sách báo quốc ngữ ở nhà sách Nguyễn Khánh Đàm năm 1942 tại số 12 Sabourain, Sài Gòn, đã ghi nhận: “Những tác phẩm của Trương Vĩnh Ký, nhà bác học Việt Nam thứ nhất” với đủ loại sách dịch của Tàu và ta, truyện tiêu khiển, sáng tác, khảo cứu...

Số lượng tác phẩm được in ấn của Trương Vĩnh Ký là rất nhiều cả quốc ngữ, Pháp ngữ: Chuyện đời xưa (1866), Cours pratique de langue Annamite (1868), Petit cours gesographie de la Basse-Cochinchine (1875), Chuyện khôi hài (1882), Cổ Gia Định phong cảnh vịnh (1882), Kim Gia Định phong cảnh vịnh (1882), Sơ học vấn tân quốc ngữ diễn ca (1884), Souvenirs historiques sur Saïgon et ses environs: conférence faite au collège des interprètes (1885), Dictionnaire Francais Annamite (1885), Sách tập nói chuyện tiếng Annam và tiếng Phangsa (1885), Dư đồ thuyết lược (1887)… Thống kê sơ bộ của Lê Thanh trên Phổ thông bán nguyệt san số 3 bộ mới, tháng 9.1943 số biên khảo Trương Vĩnh Ký, thì ông có tới hơn 70 tác phẩm, trong đó đa phần đã in, một số còn ở dạng bản thảo.

Ít hơn, nhưng sách của Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của cũng có nhiều tác phẩm giá trị về mặt du ký, từ điển hoặc văn học, giáo dục. Thế Tải (tên tự của Trương Minh Ký - NV) có Tuồng Joseph (1887), Như Tây nhựt trình (1889), Quấc ngữ sơ giai (1895), Thi pháp nhập môn (1898)... Trong khi đó, Đốc phủ sứ họ Huỳnh được nhớ đến nhiều ở bộ Đại Nam quấc âm tự vị (1895, 1896) cũng như còn có Chuyện giải buồn (1886), Sách quan chế (1888), Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn (1897)…

Bước sang nửa đầu thế kỷ 20, hoạt động xuất hiện những ông lớn tư nhân của ngành xuất bản như Tân Dân, Mai Lĩnh, Nam Ký... góp phần làm cho thị trường sách trở nên đa dạng, sôi động. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.