'Đại tu' luật Di sản văn hóa

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
29/07/2022 06:38 GMT+7

Dự thảo luật sửa đổi luật Di sản văn hóa dự kiến trình Quốc hội vào năm 2024.

Nguy cơ xóa sổ di sản

PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, cảnh báo về những công trình xây dựng mới hoàn toàn trùm lên di tích khảo cổ. Những thông tin này được đưa ra tại Hội nghị góp ý hồ sơ lập đề nghị xây dựng luật Di sản văn hóa ngày 28.7 tại Hà Nội. Theo đó, chùa Ngọa Vân (Yên Tử, Quảng Ninh) đã được xác định rõ hình thái cấu trúc có niên đại thuộc thời Lê Trung hưng. “Sau đó một thời gian, khi các nhà khoa học quay trở lại thì một ngôi chùa mới tinh, giá trị một tuổi được dựng lên không còn một chút nào dấu tích của ngôi chùa nổi tiếng 400 năm tuổi của Thiền phái Trúc Lâm. Trong khi đó, các di tích bên dưới được xử lý thế nào, các nhà quản lý, các nhà khoa học đều không biết”, ông Tín nói.

Ông Tín đánh giá việc làm như vậy vô cùng nguy hiểm. “Mặc dù đã tốn khá nhiều tiền của và công sức cho khai quật, nghiên cứu khảo cổ học nhưng rồi cuối cùng việc xây dựng mới được làm theo “tư duy nhiệm kỳ”, làm theo “ý chí đương đại” đã che lấp hoặc phá hủy toàn bộ những nền móng cổ có giá trị lâu đời để xây mới một kiến trúc không có một chút giá trị nào về lịch sử, văn hóa”, ông Tín phân tích.

Trùng tu như phá di tích đình Kim Quan, Hà Nam

Bình Nguyễn

Ông Tín cũng đưa ra vấn đề liên quan đến luật Di sản hiện hành. Việc cấp kinh phí nghiên cứu hiện mới chỉ dừng lại ở khâu khai quật, di dời, còn kinh phí cho việc chỉnh lý sau khai quật thì không có do luật Di sản văn hóa không ghi rõ vấn đề này. Vì thế, nhiều cuộc khai quật không thể chỉnh lý, dẫn đến di tích di vật bị hủy hoại. “Riêng cuộc khai quật lòng hồ thủy điện Sơn La hiện nay chưa có nơi nào cấp kinh phí. Một số di tích Óc Eo cũng chưa được cấp kinh phí chỉnh lý. Trong khi với khảo cổ học, 50% nhiệm vụ là chỉnh lý và xây dựng hồ sơ khoa học”, ông Tín nói.

TS Nguyễn Doãn Văn, Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội, lại nhắc đến tình trạng đánh mất phong cách kiến trúc truyền thống, làm biến dạng kiểu thức, sắc thái tại các di tích. Việc này, đáng tiếc lại liên quan đến một số cá nhân, tổ chức tôn giáo tại di tích. Ông đề xuất việc học luật Di sản cần đưa vào chương trình nghị sự thường niên tại các học viện, Trường trung cấp Phật học, Trường Hạ đóng trên địa bàn TP, tránh lý do không hiểu biết (hoặc cố tình) dẫn đến tình trạng sai phạm trong việc xây dựng, phục dựng, tu bổ, tôn tạo tại các di tích.

Để có thể thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về di sản tư liệu thì Bộ VH-TT-DL cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật về di sản tư liệu để sớm trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành.

TS Vũ Thị Minh Hương, Phó chủ tịch Ủy ban Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Báo cáo của Cục Di sản văn hóa cũng đánh giá trong những năm gần đây, một số cổ vật có nguồn gốc VN đã được mua từ những cuộc đấu giá ở nước ngoài và đưa về nước. Tuy nhiên, hoạt động này còn tự phát và chưa có định hướng. Mặt khác, quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, không thể thực hiện được bằng nguồn ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật về tài chính. Nó bắt nguồn từ việc luật Di sản văn hóa chưa quy định về thủ tục đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản có thời hạn ở trong nước.

Lấp lỗ hổng pháp lý

Còn nhiều lỗ hổng pháp lý khác cũng được chỉ ra tại hội nghị, kèm theo đó là giải pháp.

TS Vũ Thị Minh Hương, Phó chủ tịch Ủy ban Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, gợi ý việc luật Di sản sửa đổi có thể có chương riêng về di sản tư liệu. Điều này phù hợp với nhiệm vụ Phó thủ tướng Vũ Đức Đam giao cho Bộ VH-TT-DL năm 2021 quản lý nhà nước về di sản tư liệu.

Di sản tư liệu bia tiến sĩ Văn Miếu

TL

“Để có thể thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về di sản tư liệu thì Bộ VH-TT-DL cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật về di sản tư liệu để sớm trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành”, bà Hương nêu quan điểm.

TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, lại nói đến “chảy máu” cổ vật. Ông cho biết trong nhiều vụ, hiện vật đã được công an thu hồi, trả về cho các di tích ở địa phương. Tuy nhiên, tất cả những vụ án như thế, tội phạm chưa hề bị truy tố trước pháp luật. “Phải chăng luật Di sản văn hóa với những điều luật hiện hành về khen thưởng và xử lý vi phạm chưa thật cụ thể?”, ông Quân đặt câu hỏi.

TS Quân cũng cho biết đã nhiều lần kiến nghị, việc đăng ký cổ vật, di vật trong các bảo tàng và sưu tập tư nhân phải là bắt buộc, không chỉ là khuyến khích các chủ sở hữu đăng ký. “Đăng ký di vật, cổ vật có nhiều lợi ích như quản lý được sự biến động trong các sưu tập; định hướng được đối tượng cổ vật cần được sưu tầm, lưu gửi, phát huy; thừa nhận quyền sở hữu, khi những hiện vật có nguồn gốc phi pháp thuộc về lịch sử và đánh giá được tình trạng hiện vật đang được lưu giữ để có phương án bảo quản”, ông Quân cho biết.

GS-TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, lại nhắc đến tình trạng có một số hội, viện nghiên cứu tư nhân tổ chức các hoạt động tiếng là bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nhưng lại vụ lợi. Việc phong tặng nghệ nhân thu tiền vì thế đã xảy ra thời gian qua. “Bộ VH-TT-DL phải là nơi nắm bắt, quản lý được tất cả các tổ chức xã hội này về mặt chuyên môn liên quan đến lĩnh vực văn hóa của mình. Cần có chế tài và những cảnh báo kịp thời đối với các tổ chức xã hội lợi dụng quyền tổ chức, lập hội của mình để thu lợi”, GS Lý nêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.