Nhà sưu tập cổ vật lo thiếu 'truyền nhân'

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
30/11/2019 06:00 GMT+7

Nhiều nhà sưu tập cổ vật đang rất lo lắng khi không tìm được 'truyền nhân' để trao lại số cổ vật quý hiếm, có giá trị lớn, cùng kinh nghiệm sưu tập phong phú và niềm đam mê đồ cổ của mình.

Ở gần phố đồ cổ Lê Công Kiều (Q.1, TP.HCM) có một cặp vợ chồng khá nổi tiếng trong giới cổ vật là ông bà Nguyễn Mười - Ngô Thị Thương. Đến với nghề từ khi còn trẻ, tiếng tăm Mười Thương từng một thời “nổi như cồn” ở Quảng Nam, Đà Nẵng và TP.HCM... Giờ bước qua tuổi 60, sưu tầm được số lượng cổ vật thuộc loại... khủng nhưng ông bà đang buồn rầu vì 3 đứa con không ai có cùng niềm đam mê như cha mẹ.

Vợ chồng già rồi…

Vừa vất vả chuyển số tượng Phật cổ đa quốc gia mà ông bà cất công sưu tầm trên 30 năm nay từ triển lãm mới đây ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM về nhà, bà Ngô Thị Thương tâm sự: “Hơn 100 pho tượng cổ do các nghệ nhân Thái Lan, Trung Quốc, Myanmar và Việt Nam chế tác kỳ công trên nhiều vật liệu như hổ phách, đồng, gốm sứ, gỗ, bạch ngọc, san hô... chứ có ít đâu, trong đó chỉ riêng 1 bức tượng Bổn Sư bằng đồng, đời nhà Trần Việt Nam thế kỷ 13 - 14, đã có giá hơn 10 tỉ đồng, tôi muốn đưa ra triển lãm lần này với hy vọng các cổ vật của Mười Thương sẽ may mắn tìm được chủ nhân mới. Vì hiện nay vợ chồng tôi già rồi, đồ cổ để lại con cái không ai theo nghề thì cũng chẳng phát huy được giá trị, chưa kể nếu con cái thiếu hiểu biết về giá trị thực, cổ vật bị bán rẻ, rồi chẳng biết sẽ lưu lạc về đâu”.
Nhà sưu tập Ngô Thị Thương tiết lộ việc bà đã từng “thử xem” 3 đứa con có ai theo nghề sưu tập cổ vật được không. “Hồi đó tôi chuẩn bị sẵn cho mỗi đứa một số tiền để khởi nghiệp. Tôi kêu các cháu lại đưa tiền, rồi bày cách đặt hàng trên mạng cho các con nhập về, cách nhìn nhận cổ vật giá trị theo niên đại, lịch sử... được đâu một thời gian thì đứa nào cũng ngán. Chúng bảo, thôi ba má có tiền thì cho con luôn đi chứ đừng bắt con theo nghề này”.
Nhà sưu tập cổ vật lo thiếu 'truyền nhân'1

Bộ tượng đá Chămpa thần Siva và Uma bằng đá sa thạch thế kỷ 11 của ông Nguyễn Văn Phẩm

Đến thăm cơ ngơi của nhà sưu tập Nguyễn Văn Phẩm trên đường Lê Văn Sĩ, Q.3, TP.HCM, người viết... choáng với nhiều bộ tượng Chămpa thần Siva và Uma bằng đá sa thạch thế kỷ 11 từng được tìm thấy ở Bình Định. Để mang được vào kho ở Đồng Nai và nhà riêng tại TP.HCM, ông phải cất công thuê cẩu đưa lên xe tải lớn để chở. Bên cạnh đó, ông Phẩm còn có nhiều bộ binh khí, ấn triện, giáo mác xưa cùng bộ sưu tập công cụ đá thời kỳ đồ đá mới vô cùng độc đáo. Tuy nhiên, ông rất lo lắng khi thấy các con ít đam mê chơi cổ vật. “Nhiều người bạn của tôi cũng có cùng tâm trạng như vậy. Nhưng làm sao ép buộc chúng được, khi chúng đã không thích thì càng ép tụi nó lại càng ghét thêm”, ông Phẩm bộc bạch.

Cả khi tôi sung sướng vì tìm ra được món đồ quý giá mang về nhà, bọn chúng đều không quan tâm lắm. Cứ nghĩ đến việc chịu cảnh thất truyền của nghề này, tôi lại thấy buồn…

Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Chủ tịch Hội Cổ vật TP.HCM

Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Chủ tịch Hội Cổ vật TP.HCM, cũng có chung nỗi buồn. Ông Quỳnh có 3 người con tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thông tin, tài chính, dược và đều đã có việc làm. “Cả khi tôi sung sướng vì tìm ra được món đồ quý giá mang về nhà, bọn chúng đều không quan tâm lắm. Cứ nghĩ đến việc chịu cảnh thất truyền của nghề này, tôi lại thấy buồn...”.

Tìm lối ra

Nhà sưu tập cổ vật lo thiếu 'truyền nhân'2

Một trong những cổ vật còn nguyên vẹn của ông Nguyễn Văn Quỳnh

Cảm thấy không hy vọng vào sự nối nghiệp của con cái, ông bà Mười Thương chuyển sang tìm kiếm những đứa cháu chắt có đam mê cổ vật nhưng cũng thất vọng. “Vì vậy, tôi làm nhiều triển lãm để muốn chuyển nhượng bớt cổ vật cho những người yêu quý cổ vật, đồng thời khao khát trở về Đà Nẵng liên doanh với nhà nước xây dựng một bảo tàng cổ vật tư nhân như tâm niệm xưa nay. Có bảo tàng, con cái tôi sẽ được trích một phần lợi nhuận để sinh sống, vừa thêm cơ hội giữ gìn cổ vật sưu tập còn mãi mãi”, bà Thương bày tỏ. Bà cũng khoe đã làm xong các thủ tục mở một địa chỉ uy tín giới thiệu các cổ vật tại TP.HCM để cho tất cả ai yêu quý cổ vật đều có thể đến đây uống cà phê và mang hiện vật đến giao lưu, trao đổi cùng với ông bà.
Hội Cổ vật TP.HCM hiện nay sinh hoạt 2 tháng một lần tại nhà thờ Tân Sa Châu (Q.Tân Bình, TP.HCM) để các hội viên cùng con em đến tham quan, tìm hiểu cổ vật với nhau. Ông Nguyễn Văn Phẩm cho biết: “Nghề này không phải cha mẹ có sẵn đồ cổ để lại là con cái chơi ngay được đâu mà quan trọng là con cái phải có đam mê, không thì cũng chịu. Nếu cố cột vào thì có ngày tụi nó cũng gỡ dây chạy ra thôi. Vì vậy mà phải tăng cường các cuộc gặp gỡ, giao lưu để khơi lên niềm đam mê cổ vật trong giới trẻ và con cháu”.
Sợ con cái thiếu hiểu biết về giá trị cổ vật dễ làm thất thoát hoặc bán rẻ những hiện vật mình đã sưu tầm được, một số nhà sưu tập mang những cổ vật quý đến hiến tặng cho các bảo tàng trong các chương trình vận động để nhà nước bảo quản và trưng bày cho “chắc ăn”. 
Nên đăng ký cổ vật để được công nhận sở hữu
Trao đổi với Thanh Niên, nhà nghiên cứu Lương Chánh Tòng (Bảo tàng Lịch sử TP.HCM), cho rằng: “Sưu tập cổ vật là thú chơi cá nhân xuất phát từ sở thích riêng của mỗi người nên rất khó ràng buộc người khác theo mình. Việc cha mẹ thích nghề này nhưng con cái không có ai theo là một thực trạng đáng tiếc hiện nay. Nên chăng, để không chảy máu cổ vật, các nhà sưu tập nên thực hiện việc đăng ký di vật cổ vật tại sở VH-TT các tỉnh, thành để được nhà nước công nhận “quyền sở hữu” cho đúng luật trước, trong khi tiếp tục đi tìm những truyền nhân để đào tạo nối nghề”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.