Bí ẩn nền y học tiên tiến của Ai Cập cổ đại

Bảo Hoàng
Bảo Hoàng
04/08/2024 13:30 GMT+7

Ai Cập thời cổ đại đã phát triển nền y học được đánh giá vượt trội hơn những xã hội khác cùng thời.

Ai Cập cổ đại nổi tiếng với đại chúng thông qua kim tự tháp, xác ướp và chữ tượng hình. Song lĩnh vực y học của người Ai Cập cách đây hàng ngàn năm đã có ảnh hưởng kéo dài đến ngày nay.

Nhờ một số tài liệu ghi chép trong giấy cói, các bức chạm khắc và khám nghiệm hài cốt dựa vào công nghệ hiện đại, các nhà nghiên cứu đã thu hoạch nhiều thông tin quan trọng về một trong những nền y học tiên tiến nhất nhân loại thời bấy giờ.

Tiếng tăm y học vươn xa

Người Ai Cập cổ coi trọng y học và thành lập các trung tâm học tập nơi cả nam giới và nữ giới đều có thể trở thành bác sĩ. Theo trang History, nghề bác sĩ lần đầu được đề cập trong những ghi chép lịch sử xuất hiện vào thời Cổ Vương quốc Ai Cập (năm 2686 - 2181 trước công nguyên). Vào khoảng thế kỷ 25 trước công nguyên, một bác sĩ dường như đã chữa khỏi căn bệnh về mũi cho Pharaoh.

Bí ẩn nền y học tiên tiến của Ai Cập cổ đại- Ảnh 1.

Bức họa bác sĩ Ai Cập cổ đại đang điều trị cho bệnh nhân

CHỤP MÀN HÌNH SMITHSONIAN MAGAZINE

Danh tiếng của bác sĩ Ai Cập đã lan rộng và được những nhà lãnh đạo Ba Tư hay các vương quốc khác tìm kiếm. Trong trường ca Odyssey của thi hào Hy Lạp cổ đại Homer, ông viết rằng người Ai Cập “có tay nghề y khoa giỏi hơn bất kỳ ai”.

Tương tự nghề nghiệp ngày nay, một số bác sĩ Ai Cập cổ đại từng có vai trò như “bác sĩ chuyên khoa”, khi họ chỉ chữa một căn bệnh duy nhất, theo tài liệu từ sử gia Hy Lạp cổ đại Herodotus. Ông viết rằng có rất nhiều bác sĩ tại Ai Cập, có người chuyên về mắt, người lại chuyên về răng, bụng hay các bệnh tiềm ẩn.

Ông Edgard Camaros, nhà nghiên cứu cổ bệnh lý học tại Đại học Santiago de Compostela ở Tây Ban Nha, nhận định Ai Cập vào thời cổ đại là xã hội có nền y học tiên tiến nhất từng tồn tại.

Ngoài ra, y học Ai Cập cổ đại không phải đặc ân cho những người giàu có và quyền lực, mà nhóm người yếu thế cũng được quan tâm. "Người Ai Cập rất chu đáo với những người khuyết tật và không đối xử họ như những người bị ruồng bỏ", theo bà Rosalie David, giáo sư danh dự về Ai Cập học tại Đại học Manchester (Anh).

Bí ẩn của ‘máy tính’ 2.000 năm tuổi được YouTuber giúp giải mã

Tìm cách "giải mã" ung thư

Nhiều tài liệu được viết trên giấy cói và các bức chạm khắc mô tả các bác sĩ Ai Cập cổ đại từng tiến hành các ca phẫu thuật cho bệnh nhân bằng những dụng cụ như dao mổ, kéo, kẹp… vẫn còn được sử dụng đến ngày nay. Có những bằng chứng cho thấy đã có những cuộc phẫu thuật miệng và cắt cụt chi, cắt những mụn nhọt và áp xe để hút mủ.

Vào thời điểm đó, ung thư là căn bệnh “vô phương cứu chữa”. Người Ai Cập cổ cũng biết điều này, song nó không ngăn mong muốn tìm ra phương pháp điều trị.

Theo nghiên cứu được đăng vào tháng 5 trên tạp chí Frontiers in Medicine, các nhà khoa học đã khám nghiệm hộp sọ với niên đại 4.000 năm từ thời Cổ vương quốc Ai Cập của một người đàn ông trong độ tuổi 30 có những dấu hiệu mắc ung thư vòm họng.

Bí ẩn nền y học tiên tiến của Ai Cập cổ đại- Ảnh 2.

Những vật dụng kim loại được cho là dụng cụ phẫu thuật của người Ai Cập cổ, được trưng bày tại bảo tàng Imhotep (Ai Cập)

CHỤP MÀN HÌNH THE PAST

Điều khiến các nhà khoa học ngạc nhiên là phát hiện những vết cắt, có thể đến từ dụng cụ kim loại, xung quanh 3 trong số nhiều khối u thứ cấp của hộp sọ. Trưởng nhóm nghiên cứu Camaros tin rằng đây có thể là bằng chứng sớm nhất từng được biết đến về việc con người nỗ lực tìm cách điều trị ung thư, hoặc thực hiện phương pháp khám nghiệm tử thi để hiểu rõ hơn về bệnh này. “Dù với lý do gì, đây là hoạt động can thiệp phẫu thuật và là cột mốc trong lịch sử y học”, ông Camaros nói.

Người Ai Cập cổ rất giỏi trong việc chữa lành xương gãy, cố định bằng nẹp quấn vải lanh làm từ sậy hoặc gỗ. Họ cũng biết cách điều trị trật khớp, sử dụng phương pháp đốt, khâu và băng bó vết thương, và cách giữ cho vết thương sạch sẽ. Từ hàng ngàn năm trước, người Ai Cập đã biết rằng vết thương cần được rửa sạch và không được để dính bụi bẩn.

Y học Ai Cập cổ đại cũng từng tạo ra các thiết bị chân tay giả lâu đời nhất thế giới, bao gồm ngón chân giả 3.000 năm tuổi làm bằng gỗ và da, có tính thực tiễn nhằm đảm bảo ổn định khi bước đi, thay vì chỉ đơn thuần là vật trang trí.

Ngoài ra, các phương pháp tránh thai sử dụng kết hợp những nguyên liệu có sẵn cũng được áp dụng trong thời đại này. Các ghi chép cũng cho biết người Ai Cập cổ đã có những phương pháp phá thai, chuyển dạ và thử thai. Họ cũng đã sử dụng nhiều loại thực vật, khoáng chất và sản phẩm động vật để điều trị vết bỏng, đau đầu, sốt, loét cho đến vết côn trùng cắn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.