Tòa biệt thự với hai ngôi nhà tách biệt được nối liền bằng một hành lang bán nguyệt được xây dựng vào năm 1928, mô phỏng kiến trúc vùng Basques, Tây Ban Nha nên nhìn bề ngoài có nhiều điểm khác biệt với hàng ngàn ngôi biệt thự kiến trúc Pháp hiện có ở Đà Lạt. Điều dễ nhận thấy ngôi biệt thự này có rất nhiều cửa sổ nhỏ xung quanh tường nhà, toàn bộ ngôi biệt thự có hàng chục cửa sổ và cửa ra vào hình dạng không giống nhau.
Theo một số nhà nghiên cứu, ngày xưa đây là một ngôi biệt thự tuyệt đẹp. Vào năm 1940, Vua Bảo Đại đã mua lại biệt thự này từ một công chức Pháp để tặng cho thứ phi Phi Ánh. Cũng từ đó, biệt thự có tên là biệt thự Phi Ánh.
Theo ông Lê Cảnh Cương (đại diện Công ty Hoài Nam), trong quá trình trùng tu, sau khi cọ rửa bằng nước pha axid loãng, phần tường trong và ngoài biệt thự xuất hiện nhiều điều đáng chú ý. Anh em công nhân đã phát hiện 12 bức phù điêu hai mặt, có kích thước khác nhau (từ khoảng 40 x 40cm đến 40 x 80cm). Trong phòng khách ngôi biệt thự có tới 8 bức phù điêu liền kề thoáng nhìn giống hình các đồng hồ treo tường, nhưng khi cọ rửa sạch thì không nhìn rõ hình thù và không lý giải được ý nghĩa.
Trong biệt thự còn có 4 bức hoa sen cách điệu, một bức có hình hai đầu chim lạ được bố trí ở gần cửa sổ mặt ngoài. Trong một biệt thự rất "Tây" như thế tại sao lại có những họa tiết, phù điêu mang đậm nét đặc trưng văn hóa phương Đông như hoa sen, đầu chim...? Những bức phù điêu lạ được vẽ và đắp tại nhiều vị trí khác nhau trong biệt thự có trước hay sau khi thứ phi Phi Ánh đến tiếp quản biệt thự? Phải chăng chủ nhân đầu tiên của ngôi biệt thự là người am hiểu và đam mê văn hóa phương Đông? Những bí ẩn này vẫn chưa có lời giải.
Khi đến tìm hiểu về ngôi biệt thự Phi Ánh, tình cờ chúng tôi nghe được câu chuyện kỳ lạ nhuốm màu hoang đường liên quan đến những bức tượng Chăm bị bỏ quên trong khuôn viên biệt thự.
Bà Nguyễn Thị Phú, người sống trong khuôn viên biệt thự kể rằng: Năm 1992, khi chồng bà là ông Bùi Như Gôm bị bệnh điên, trong một đêm đang ngủ, ông Gôm mơ thấy giấc mơ lạ và bật dậy mang cuốc đến rãnh nước thải trong khuôn viên biệt thự hì hục đào đào, bới bới. Ai cũng nghĩ ông mắc bệnh, nhưng khi đào sâu khoảng nửa mét thì ông Gôm phát hiện 2 bức tượng không còn nguyên vẹn bị chôn vùi lâu ngày trong bùn đất. Sau đó gia đình bà Phú đã thỉnh hai bức tượng này về một góc vườn sạch sẽ để lập miếu thờ. Kỳ lạ thay, sau đó ông Gôm hết bệnh điên. Điều lạ nữa, hai bức tượng do ông Gôm tìm thấy có hình dáng tương tự bức phù điêu cô gái Chăm cao khoảng 1,5 mét, đầu đội mũ vàng hình 3 ngọn tháp Chăm, chân quấn 3 vòng vàng được đắp nổi ở phần cửa chính của biệt thự Phi Ánh (còn nguyên vẹn).
Ông Lê Cảnh Cương nói: "Nguồn gốc biệt thự, những bí ẩn của ngôi biệt thự cần được sự giúp sức của các nhà nghiên cứu về văn hóa, kiến trúc lý giải, vì điều này vượt quá khả năng của chúng tôi".
Lâm Viên
Bình luận (0)