Giới khoa học cho rằng sự sống trên trái đất bắt đầu tiến hóa vào khoảng 3,8 tỉ năm trước. Tuy nhiên, trong khi có thể phỏng đoán mốc thời gian, vẫn chưa có tiến triển trong việc tìm ra nguyên nhân thúc đẩy sự sống có mặt trên địa cầu.
Giả thuyết mới về sự hình thành sự sống - Ảnh: Shutterstock
|
Giờ đây, các nhà nghiên cứu Mỹ và Ý cho hay đã tìm được chứng cứ cho thấy những đoạn giống ADN có thể đã xuất hiện cùng với “những chỉ thị” giúp hướng dẫn quá trình tiến hóa thành những hình thái sự sống phức tạp cách đây 4 tỉ năm. Họ cho rằng những mẩu ADN này đã tận dụng năng lực tự tiến hóa nội tại để phát triển thành những chuỗi hóa học lặp lại đủ để khởi nguồn cho sự sống nguyên thủy.
Cuộc nghiên cứu, do Đại học Milan và Đại học Colorado Boulder hợp tác triển khai, đã dựa trên một phát hiện vào thập niên 1980 cho rằng ARN (a xít ribonucleic) có thể tự can thiệp hóa học vào cấu trúc của nó. Các nhà khoa học cho rằng khi sự sống mới ở giai đoạn sơ khai, ARN đóng vai trò dẫn dắt trong việc tạo ra các cơ chế sinh học phức tạp trước khi ADN và protein được phát triển. Nhiều nhà nghiên cứu truy tìm nguồn gốc sự sống cho hay các chuỗi ARN quá sức đặc biệt để có thể được tạo thành như là những phản ứng hóa học ngẫu nhiên. Tuy nhiên, báo cáo mới cho rằng đã cung cấp được một giả thuyết thay thế bằng cách tranh luận những mẩu giống ADN nguyên thủy đã tiến hóa theo hướng này.
Các chuyên gia Mỹ - Ý đã tìm được những đoạn ADN tự tập hợp với chiều dài chừng vài nanomét, nhưng lại có năng lực thúc đẩy sự hình thành của các kết nối hóa học. Những kết nối đó gắn kết các đoạn ADN ngắn để hình thành những đoạn dài hơn, mà không cần bất cứ quy trình sinh học nào khác can thiệp. “Các kết quả quan sát của chúng tôi có thể là những gì đã xảy ra vào thời buổi sơ khai của địa cầu, khi mà những đoạn phân tử giống ADN đầu tiên xuất hiện”, theo đồng tác giả là Giáo sư Noel Clark.
Bình luận (0)