Nét chân dung tả thực
Trong một nghiên cứu về mỹ thuật thời Mạc, PGS-TS Trần Lâm Biền nhận định về bức tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung đặt trong chùa Trà Phương (xã Thụy Hương, H.Kiến Thụy, TP.Hải Phòng): “Về bố cục, tượng không được cân xứng mà rõ ràng sự mộc mạc lại được nổi bật… Mặt tượng có nét chân dung, không thể hiện quý tướng”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Du Chi cũng đánh giá: “Thân thể có phần mất cân đối. Đầu to, lưng hơi ngắn, mũi và mồm hơi cao để lộ cả một cằm dài, tai to”.
Bức tượng Mạc Đăng Dung, theo PGS-TS Trần Lâm Biền, thể hiện nhà vua khi đã là một phật tử, có phần luống tuổi, vạt áo thể hiện hoa mãn khai, tay bắt quyết và để hở bàn chân phải. “Hình thức ngồi kiết già và kết ấn cho thấy Mạc Đăng Dung đã là một phật tử”, ông Biền cho hay. Tuy nhiên, tượng vẫn mang những biểu tượng dành cho một vị hoàng đế như đai ngọc và giữa ngực áo vẫn có bổ tử chạm rồng. “Con rồng này khá thống nhất về ý thức tạo hình so với tượng, có nghĩa là nó được thể hiện mộc mạc, nhiều nét đột ngột”, ông Biền phân tích.
Bên cạnh đó, viền vai áo là hoa văn xoắn dấu hỏi, cổ áo có vân lá bao lấy nửa bông cúc mãn khai. Những chi tiết này đơn giản song được chạm khá lớn nếu so với tượng. Đó là một trong số những biểu tượng chính của lực lượng tự nhiên gắn với sự sinh sôi, phát triển trong nông nghiệp. Các hình tượng này thể hiện sức mạnh của các bậc thần linh cũng như một số chức năng của thần linh đối với đời sống văn minh nông nghiệp. Tất nhiên, những ý nghĩa kể trên cũng gắn liền với hình tượng bậc đế vương, “thiên tử” như Mạc Đăng Dung.
Bức tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung ở chùa Trà Phương vừa được công nhận Bảo vật quốc gia trong đợt xét công nhận mới nhất. Hồ sơ bảo vật quốc gia cho biết rõ xuất xứ của bức tượng đá vôi cao 74 cm. Theo đó, Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, vợ vua Mạc Đăng Dung, là người làng Trà Phương (thời Mạc gọi là Trà Hương). Vào thế kỷ 16, chùa Trà Phương được bà Vũ Thị Ngọc Toàn hưng công trùng tu. Ghi nhớ công lao của đức vua và Thái hoàng Thái hậu, dân làng Trà Phương thuê thợ đá về tạc tượng để thờ trong chùa và tồn tại đến tận ngày nay. Bức tượng bà Vũ Thị Ngọc Toàn cũng vừa được công nhận bảo vật quốc gia trong cùng đợt với tượng vua.
Ngàn năm áo mũ
Bên cạnh các đặc điểm khác lạ về tạo hình nhà vua, các nhà nghiên cứu cũng chú ý đến trang phục của bức tượng.
Hồ sơ Bảo vật quốc gia miêu tả tượng đội mũ trụ đứng, đỉnh bằng. Phần ngạch mũ có trang trí các vạch ngắn và hạt tròn chạy quanh mép mũ. Chính giữa ngạch mũ trang trí biểu tượng con chim với hai cánh xòe, đuôi cong, đầu chúc xuống dưới. Trong cuốn sách Ngàn năm áo mũ, qua khảo sát các tượng một số ngôi chùa ở Hải Phòng như chùa Trà Phương, chùa Phúc Hải, Trung Hành, Hòa Niễu, Nhân Trai, An Hưng, cùng chùa Ngọ (Hà Nội), chùa Võ Cường (Bắc Ninh), nhà nghiên cứu Trần Quang Đức nhận định hình tượng mũ trụ đứng đỉnh bằng và biểu tượng chim chúc đầu là kiểu mũ phổ biến trên các pho tượng thời Mạc. Ngoài ra, hình tượng chim dang cánh, chúc đầu rất gần gũi với các loại mũ võ quan. Nhận định này được cho là phù hợp khi Thái tổ Mạc Đăng Dung vốn xuất thân từ ngạch võ quan. “Quãng thời gian trị vì của vua Thái tổ Mạc Đăng Dung, Thái tông Mạc Đăng Doanh có thể coi là thời kỳ đỉnh thịnh của thời Mạc. Điển chương chế độ của nhà Mạc về cơ bản được thiết lập trong giai đoạn này”, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức viết trong Ngàn năm áo mũ.
Về phần mình, PGS-TS Trần Lâm Biền lại cho rằng hình con chim đang dang cánh tạc trên mũ tượng cho thấy sự lĩnh hội Phật pháp. Theo ông, “Phật là chúng sinh vươn lên chân lý, còn chim đại diện cho chân lý của Phật pháp sẵn sàng hòa xuống cùng chúng sinh”, và hình chim tạc trên tượng đá chùa Trà Phương cũng không ngoài cách sử dụng hình tượng thần điểu trong Phật pháp.
Theo hồ sơ bảo vật quốc gia, tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung được chọn công nhận bảo vật nhờ hình thức độc đáo. Tượng tạo tác từ đá nguyên khối, chạm trổ, trang trí hoa văn với các đường nét to khỏe, dứt khoát trên mũ, vạt áo, đai áo... Bên cạnh đó, họa tiết rồng trong bổ tử lột tả được phong cách đặc trưng của rồng thời Mạc. Việc tạc tượng và thờ Thái tổ Mạc Đăng Dung dưới dạng phật tử còn cho thấy giá trị tín ngưỡng văn hóa. Dưới triều Mạc, các vua trong đó có Thái tổ Mạc Đăng Dung luôn ra sức trùng tu, tôn tạo chùa, quán… Việc tạc tượng phụng thờ ông cho thấy sự tri ân của người dân đương thời với chư vị có công với quê hương, làng xã.
Bình luận (0)