Hóa thạch của một con thằn lằn đầu rắn (loài bò sát biển khổng lồ sống cùng thời khủng long) mang bầu vừa được phát hiện ở Kansas, thuộc bang Kentucky (Mỹ). Đây là con thằn lằn đầu rắn mang bầu đầu tiên được tìm thấy kể từ khi loài này được phát hiện cách đây gần 2 thế kỷ. Việc nó chỉ mang thai 1 con và kích thước “thực sự lớn” của bào thai khiến chuyên gia Frank O’Keefe (Đại học Marshall ở Huntington, bang Tây Virginia) và cộng sự nhận định rằng nó sinh con chứ không đẻ trứng. “Điều này chấm dứt 2 thế kỷ thắc mắc của giới nghiên cứu khoa học”, ông O’Keefe khẳng định. Trước đó, nhiều người cho rằng thằn lằn đầu rắn quá “nặng nề” nên không thể lên bờ đẻ trứng, vì vậy chúng mới sinh con.
|
Con bò sát phát hiện ở Kansas thuộc loài Polycotylus latippinus, có chiều dài khoảng 5 mét. Theo O’Keefe, con của con bò sát này chưa sẵn sàng để chào đời. “Nó đã thành hình khoảng 2/3. Nó sẽ có thể dài khoảng 2 mét vào thời điểm được sinh ra”, O’Keefe nói.
Theo trang tin Live Science, việc chỉ sinh 1 con được xem là hiếm trong thời kỳ này. Nó là dấu hiệu cho thấy bò sát mẹ sẽ đầu tư nhiều nguồn lực cho “con một” của mình. Chiến lược làm mẹ cấp độ cao này, gọi là “lựa chọn K”, là một cực của sự tiếp nối lịch sử sự sống. Cực còn lại là “lựa chọn r”, trong đó nhiều con chào đời với rất ít hoặc không có sự chăm sóc của cha mẹ. Môi trường sống là một yếu tố tác động đến chiến lược này. Nếu môi trường sống khắc nghiệt hoặc hay thay đổi, sinh nhiều con là chiến lược tốt hơn. Bởi nếu một cá thể chết, sẽ có những cá thể khác đảm đương nhiệm vụ “bảo tồn nòi giống”.
Ông Xiao-chun Wu, chuyên gia nghiên cứu thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Canada, cho biết: “So với kỷ Triat, kỷ Jura và kỷ Bạch phấn có môi trường khá ổn định. Điều đó có nghĩa là một số loài thằn lằn đầu rắn, chứ không phải toàn bộ, có thể thuộc về “lựa chọn K”, nhưng cần có thêm bằng chứng xác đáng hơn nữa”. Nếu điều này được xác nhận, thằn lằn đầu rắn có thể đã sống trong cùng nhóm xã hội và có tập quán nuôi nấng con cái như cá voi, cá heo.
Khang Huy
Bình luận (0)