Cuối tháng 4 vừa qua, Thanh Niên đăng loạt bài Bí ẩn thảm nạn đường sắt 17.3.1982 với những câu chuyện đau đáu nỗi đau thương mất mát của nhiều gia đình, bởi đến nay họ vẫn chưa thể nào tìm lại được mộ phần thân nhân của mình. Rất nhiều bạn đọc bày tỏ sự ngạc nhiên, bởi một vụ thảm nạn khủng khiếp khiến hàng trăm người chết và bị thương như thế, nhưng chưa từng được biết rõ. Nhiều bạn đọc cũng đau đáu nỗi lòng trước hình ảnh khu mộ vô danh của nạn nhân gần như bị lãng quên, trở nên hoang phế, dẫu các đoàn tàu Bắc - Nam vẫn ngày đêm băng qua trên cung đường sắt ngay phía trước.
Sau khi tiếp nhận đơn thư kêu cứu của một nhóm bạn đọc, tôi được tòa soạn phân công đi xác minh, tìm hiểu câu chuyện đặc biệt bi thương này. Bản thân tôi cũng không thể ngờ rằng, thông tin về thảm nạn lại còn nhiều bí ẩn như thế, dẫu đã xảy ra 36 trước rồi. Trên thực tế, từ năm 2014, khi một số gia đình bắt đầu hành trình đi tìm lại người thân tử vong trong thảm nạn thì cũng từ đó xuất hiện rải rác một số thông tin về thảm nạn trên một số tờ báo. Tôi nghĩ có lẽ do sự “rải rác” đó nên dư luận vẫn chưa thật sự chú ý đến.
|
Khi loạt bài Bí ẩn thảm họa đường sắt 17.3.1982 đăng tải trên Thanh Niên, lần đầu tiên thông tin chính thức về thảm nạn này được Công an tỉnh Đồng Nai công bố với báo chí. Theo đó, tàu NB 183 (gồm 1 đầu máy và 13 toa xe) rời ga Nha Trang (Khánh Hòa) trên hành trình vào ga Sài Gòn (TP.HCM), do mất thắng, đã bị lật vào sáng sớm 17.3.1982 tại km 1668+500 thuộc ấp Hưng Long, xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất (nay là xã Hưng Thịnh, H.Trảng Bom, Đồng Nai) làm chết 160 người, bị thương 245 người, hư hỏng toàn bộ tàu và 70m đường sắt…
Số ít nạn nhân được nhận diện được gia đình đưa về quê nhà mai táng. Đa số nạn nhân tử vong do không được nhận diện đã cùng nằm lại trong một khu mộ vô danh ở ấp Lộc Hòa, xã Tây Hòa, H.Trảng Bom. Suốt 36 năm qua, dường như không có nghĩa trang nào “đặc biệt” như “Nghĩa trang Đ.S 17.3.1982”: không mộ phần, không tên tuổi người nằm xuống!
***
Bắt tay vào thực hiện loạt bài, cá nhân tôi cũng như tòa soạn báo, đều hướng đến mục tiêu: tìm kiếm sự đồng thuận của các bên liên quan để “Nghĩa trang Đ.S 17.3.1982” ở Tây Hòa không còn tình cảnh buồn thương với hàng loạt mộ phần nạn nhân vô danh nữa.
|
Quá trình đi tìm hiểu, thu thập thông tin, tư liệu, dù trước đó tưởng chừng rất gian nan, nhưng tôi không thể ngờ rằng, mọi việc điều thuận lợi. Đi đến đâu, tôi đều may mắn trực tiếp gặp được nhân chứng cần gặp, ghi nhận được đầy đủ ý kiến, nguyện vọng chính đáng của thân nhân nạn nhân...
Riêng câu chuyện “trả lại tên” cho nạn nhân thảm nạn đường sắt này, ý kiến của chính quyền địa phương mà tôi ghi nhận, đều cho rằng cần thiết phải làm sớm. Mặc dù đây là vấn đề dân sự sau vụ tai nạn đường sắt, nhưng lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH khẳng định sẵn sàng phối hợp để xác định vị trí phần mộ nạn nhân, bốc hài cốt, thử ADN để xác định danh tính nhằm tiến tới xây phần mộ rõ ràng…
Tưởng chừng như câu chuyện bi thương này có được ngay cái kết có hậu, nhưng thật không ngờ, bao nỗi đau xé lòng với biết bao đơn thư kêu cứu khẩn thiết của thân nhân nạn nhân đã được gửi đi nhiều năm qua, vẫn không “lay chuyển” được lãnh đạo ngành đường sắt trong việc chủ động thực thi trách nhiệm chính yếu của mình.
Tôi nhiều lần đặt câu hỏi với lãnh đạo Tổng công ty đường sắt Việt Nam: Vì sao ngành đường sắt, vốn chịu trách nhiệm trực tiếp, lại không chủ động phối hợp giải quyết dứt điểm nguyện vọng chính đáng của thân nhân nạn nhân? Và cũng nhiều lần, lãnh đạo Tổng công ty đường sắt Việt Nam, vẫn một cách nói: “Chỉ có cơ quan chức năng nhà nước mới có thể đứng ra giải quyết đúng pháp luật và đúng trách nhiệm, chứ chúng tôi không thể tự làm”.
|
***
Người mất vô danh vẫn nằm lại Tây Hòa. Những nấm mồ không tên vẫn nằm im bên dưới cỏ…
“Chúng tôi không thưa kiện, không khiếu nại, không đòi bồi thường gì cả. Chúng tôi chỉ mong ngành đường ứng xử có tình có lý với người tử nạn trong vụ lật tàu. Dù cho thời gian đã qua đi và câu chuyện về tai nạn này có trôi vào quên lãng, đó là đối với xã hội. Người chết cũng đã thành cát bụi nhưng đối với thân nhân của họ còn nguyên một nỗi đau day dứt tận cùng khó phôi phai. “Sống có nhà, thác có mồ”, đó cũng là điều an ủi tối thiểu cho những nạn nhân đành phải mãi mãi “nằm lại bên đường tàu”. Đọc lại những lời chia sẻ này của bà Trần Thị Cẩm, thân nhân nạn nhân thảm nạn đường sắt 17.3.1982, lòng tôi cứ nhói đau.
Và tôi nhớ lại lá thư ông Nguyễn Văn Tư, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Đường sắt VN, ngụ P.10, Q.3 (TP.HCM) từng gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Đường sắt VN và một số đơn vị có liên quan vào năm 2016, đề nghị những người có trách nhiệm trong ngành đường sắt xem xét giải quyết dứt điểm những kiến nghị chính đáng của thân nhân các nạn nhân. Điều đáng buồn là đến nay ông Nguyễn Văn Tư đã qua đời, nhưng đề nghị của ông cũng chưa được ngành đường sắt xem xét giải quyết thấu đáo.
Và tôi cũng nhớ đến lá thư cầu cứu của thân nhân nạn nhân gửi lên Bộ trưởng Bộ GTVT từ mấy năm trước, nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được hồi âm.
Im lặng trước nỗi đau thương mất mát, tôi nghĩ, đó là sự im lặng đáng sợ!
Bình luận (0)