Tọa lạc trên trục đường gần nhà ga xe lửa Đà Lạt (số 1A và 1B Quang Trung, P.9, TP.Đà Lạt), biệt thự Phi Ánh được xây dựng chủ yếu bằng đá granite rất độc đáo. Theo một số nhà nghiên cứu, vào năm 1940, vua Bảo Đại đã mua biệt thự này từ một công chức Pháp để tặng người tình Phi Ánh. Từ đó, biệt thự có tên là Phi Ánh.
Ngôi nhà có nhiều cửa
Ngôi biệt thự được xây dựng vào năm 1928, mô phỏng kiến trúc xứ Basque (Tây Ban Nha) nên nhìn bề ngoài có nhiều điểm khác biệt so với hàng trăm ngôi biệt thự kiến trúc Pháp ở Đà Lạt. Biệt thự có rất nhiều cửa sổ nhỏ xung quanh tường nhà và cửa ra vào đủ loại hình dạng vuông, chữ nhật, tròn, vòm cung, chữ thập… với nhiều kích cỡ khác nhau. Tường được xây bằng đá dày 60 - 80 cm, các lò sưởi trong nhà trang trí công phu bằng những đường nét độc đáo.
Sau năm 1975, biệt thự Phi Ánh biến thành “chung cư” cho khoảng chục hộ sinh sống. Cách đây 5 năm, khi tỉnh Lâm Đồng cho một công ty thuê để kinh doanh thì ngôi biệt thự được trùng tu đúng với nguyên trạng. Trong quá trình trùng tu, các công nhân phát hiện nhiều điểm độc đáo và bí ẩn. Phòng khách có tới 8 bức phù điêu liền kề, thoáng nhìn giống những đồng hồ treo tường, nhưng khi cọ rửa sạch thì không nhìn rõ hình thù và không lý giải được ý nghĩa. Tiếp đó, công nhân còn phát hiện 12 bức phù điêu hai mặt, kích thước khác nhau (khoảng 40 x 40 cm đến 40 x 80 cm). Trong biệt thự còn có 4 bức hoa sen cách điệu, một bức có hình hai đầu chim lạ được bố trí ở gần cửa sổ mặt ngoài. Đặc biệt, có hai bức phù điêu cô gái Chăm cao khoảng 1,5 m, đầu đội mũ vàng hình 3 ngọn tháp Chăm, chân quấn 3 vòng vàng còn nguyên vẹn được đắp nổi ở phần tường vòm, gần cửa chính của biệt thự và cũng không ai hiểu ý nghĩa của hai bức phù điêu này.
|
Giấc mơ lạ và hai bức tượng dưới lòng đất
Khi đến tìm hiểu về ngôi biệt thự Phi Ánh, tình cờ chúng tôi nghe được câu chuyện kỳ lạ nhuốm màu hoang đường liên quan đến những bức tượng Chăm. Bà N.T.P, người sống trong khuôn viên biệt thự, kể năm 1992, khi chồng bà là ông B.N.G bị bệnh tâm thần, trong một đêm ông mơ thấy giấc mơ lạ và bật dậy mang cuốc đến rãnh nước thải trong khuôn viên hì hục đào, bới. Ai cũng nghĩ ông mắc bệnh, nhưng khi đào sâu khoảng nửa mét thì phát hiện 2 bức tượng không còn nguyên vẹn bị chôn vùi lâu ngày trong bùn đất. Sau đó, gia đình bà P. đã thỉnh hai bức tượng này về một góc vườn để lập miếu thờ. Kỳ lạ thay, sau đó ông G. hết bệnh. Hai bức tượng do ông G. tìm thấy có hình dáng tương tự bức phù điêu cô gái Chăm được đắp nổi gần cửa chính biệt thự Phi Ánh.
Giới nghiên cứu kiến trúc thắc mắc trong một biệt thự “Tây” như thế tại sao lại có những họa tiết, phù điêu mang đậm nét đặc trưng văn hóa phương Đông như hoa sen, cô gái Chăm, đầu chim... Phải chăng chủ nhân đầu tiên của ngôi biệt thự là người am hiểu và đam mê văn hóa phương Đông hay sau khi Phi Ánh đến tiếp quản biệt thự mới được làm thêm?
Bí ẩn thành cổ, dinh thự xưa: Đường hầm bí mật trong biệt điện Bảo Đại
Cách đây 2 năm, biệt điện số 1 của vua Bảo Đại tại TP.Đà Lạt đã hoàn thành việc trùng tu và đưa vào phục vụ du khách. Tuy nhiên, ít người biết rằng bên dưới biệt điện này có một đường hầm bí mật.
Xung quanh những bí ẩn của biệt thự Phi Ánh, kiến trúc sư Nguyễn Phú Thắng, Phó khoa Kiến trúc Trường ĐH Yersin (Đà Lạt), cho rằng ngôi biệt thự Phi Ánh đặc biệt hơn hàng ngàn biệt thự Pháp được xây dựng tại Đà Lạt vì kiến trúc bên ngoài hoàn toàn bằng đá và sự kết nối hài hòa của hai khối biệt thự. Với những bức phù điêu Chăm, ông Thắng lý giải có thể là do sở thích của chủ nhân biệt thự trước khi Phi Ánh vào ở. Khi xây dựng tòa nhà, họ tìm mua các bức phù điêu thiếu nữ Chăm để trang trí. Thực tế ở Đà Lạt có nhiều biệt thự kiến trúc Pháp nhưng sân vườn lại mang đậm dấu ấn Á Đông, cũng do sở thích của chủ nhân các biệt thự.
Những năm gần đây, biệt thự Phi Ánh là điểm đến thú vị cho nhiều du khách, vì ngoài nét kiến trúc độc đáo, nơi đây còn có những bí ẩn chưa được lý giải. Trong ngôi biệt thự đá này còn dành khoảng không gian trưng bày chân dung Phi Ánh và chân dung cựu hoàng Bảo Đại thời trai trẻ để du khách chiêm ngắm.
Trang nhã biệt thự Mộng Điệp
Để tiện việc qua lại với các người tình trong thời gian sống và làm việc tại Đà Lạt, Bảo Đại bố trí cho Mộng Điệp sống tại ngôi biệt thự tọa lạc đầu cửa ngõ đi vào Dinh 1 (góc đường Trần Quang Diệu và Hùng Vương). Ngôi biệt thự được nhiều người biết đến với tên gọi khu nhà tập thể số 14 Hùng Vương (Đà Lạt), nhiều năm được bố trí làm nơi ở cho các nhà báo, nhà văn. Biệt thự không đồ sộ, không tráng lệ nhưng rất trang nhã và hài hòa. Một số nhà nghiên cứu về Đà Lạt đã nhận định, sở dĩ biệt thự Mộng Điệp nằm cận kề Dinh 1 là do sự ưu ái của Bảo Đại dành cho người phụ nữ này và để tiện việc sớm hôm đi lại giữa hai người. Thời gian sống tại Đà Lạt, Mộng Điệp thường được Bảo Đại cho tháp tùng lo hậu cần trong những chuyến đi săn dài ngày.
|
Bình luận (0)