Tháp cổ điêu tàn
Di tích này đã được các nhà nghiên cứu thuộc Viện Viễn Đông bác cổ (EFEO) như Lunet de Lajonquière (1901), Paris (1902), Henri Parmentier (1909) đề cập đến từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Henri Parmentier (1909) đã có vài dòng mô tả ngắn gọn cho biết Dương Bi là một ngôi tháp gạch với tường bao.
Hiện tại cụm phế tích Dương Bi bao gồm 2 kiến trúc chính: một tháp Chăm cổ và một ngôi chùa Việt. Năm 1978, tháp đã bị sụp đổ hoàn toàn. Chùa Việt xây dựng về sau, nằm ở vị trí phía trước tháp Chăm, có tên là Trà Sơn, ghép từ tên hai làng kề cận nhau là Chiêm Sơn và Trà Kiệu vì người dân hai làng này cùng chung nhau chăm sóc, tu bổ ngôi chùa.
Theo mô tả của người dân địa phương, chánh điện chùa Trà Sơn gồm 2 dãy nhà 3 gian, vòm cuốn, nối mái theo kiểu trùng thiềm điệp ốc; toàn bộ trính cột đều bằng đá xanh bóng nhẵn. Như vậy, đây là một ngôi chùa Việt được dựng lên khi cư dân Việt từ phía bắc di cư vào vùng đất mới, kiến lập xóm làng. Đến năm 1960 chùa bị phá hỏng, chỉ còn lại chánh điện. Tháng 10.2005, khi xây dựng ngôi chùa mới, khu chánh điện chùa cũ bị dỡ bỏ.
Trong trí nhớ của những cụ cao niên làng Chiêm Sơn, tháp Dương Bi khi chưa bị tàn phá khá giống tháp Bằng An (tọa lạc tại TX.Điện Bàn), cao khoảng 30 m; mặt tháp quay về hướng đông. Ngoài ra, cách 50 m từ ngôi tháp này theo 2 hướng bắc - nam còn có 2 tháp nhỏ với kiến trúc tương tự, bị sụp đổ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Tháng 4.2019, cuộc khai quật do Bảo tàng Quảng Nam và Bảo tàng Nhân học - Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tiến hành đã phát lộ phần chân tháp và lòng tháp, đồng thời thu được khá nhiều hiện vật.
Các nhà nghiên cứu và khảo cổ học nhận định, ở phần trung tâm của tháp Dương Bi có mặt bằng hình vuông, cạnh 8,2 m; ba mặt bắc, nam và tây có cửa giả nhô ra ngoài. Tháp được xây bằng gạch, mặt tường phía trong lòng tháp xây liền mạch, mặt làm phẳng và được quét một lớp nhựa màu đen bảo vệ.
Lòng tháp (không gian chính điện) có mặt bằng hình vuông, kích thước 380 x 380 cm, nền lát đá. Tính từ mặt nền, thân tường hiện còn vị trí cao nhất là 164 cm, gồm 20 hàng gạch, vị trí còn lại thấp nhất nằm ở góc tây bắc cao 90 cm, gồm 12 hàng; toàn bộ vách tường từ cửa vào đến góc nam của vách tường phía đông đã bị phá đến nền tháp.
Nền tháp được lát bằng các khối đá lớn, chất liệu sa thạch (đá cát), độ dày trung bình từ 38 - 40 cm, mặt đục nhám, kích thước mỗi khối khác nhau tùy thuộc vào vị trí của chúng. Đá được lát theo kiểu cài răng lược nhằm tăng kết cấu. Hiện còn lại 20 khối đá lát nền, trong đó có nhiều khối nằm sâu trong thân tháp, nghĩa là các khối đá này đồng thời là một phần của móng tháp, điều đó cho thấy nền đá không chỉ giới hạn trong lòng tháp mà dường như còn được mở rộng tương ứng với mặt bằng của tháp.
Dựa vào hình dạng kiến trúc còn lại và mô típ sử dụng trang trí, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, khu đền tháp Dương Bi có niên đại thế kỷ 9 đến đầu thế kỷ 10 (giai đoạn cuối phong cách Đồng Dương) cùng phong cách kiến trúc với các phế tích Đồng Dương, Mỹ Sơn A10, Mỹ Sơn B4.
Đất tụ linh xưa
Bên cạnh điêu khắc và kiến trúc, giá trị của di sản này còn nằm ở chính vị trí và không gian mà nó tọa lạc. Thung lũng Chiêm Sơn là nơi mà các vết tích Chăm còn nhìn thấy với mật độ khá dày. Di tích Dương Bi này nằm giữa 2 dãy núi Hàm Rồng (phía bắc) và dãy núi Đá Mã Dèo (phía nam), phía tây là thung lũng Mỹ Sơn, phía đông là dòng suối Đập Cây Da, cùng hướng cách đó hơn 1 km là kinh thành Trà Kiệu. Cách Dương Bi chừng 100 m còn có một phế tích Chăm khác mà người dân quen gọi là Gò Gạch Duy Sơn.
Bên cạnh dấu tích kiến trúc và nhiều di vật liên quan đến tín ngưỡng - văn hóa Chăm, ở đây cũng tìm thấy nhiều loại hình di vật khác mang yếu tố văn hóa Trung Hoa và Đại Việt như ngói cong bản rộng; đồ gốm men, đồ sứ men trắng vẽ lam niên đại thế kỷ 17 của lò Cảnh Đức Trấn; đồ sành thế kỷ 17, 18 và đặc biệt là các "ông đầu rau" bằng đá muối tạo hình lưỡi liềm. Điều này cho thấy sau khi thiết lập dinh trấn Quảng Nam không lâu, người Việt đã đến đây cư ngụ và xây dựng chùa Việt trong khu đền tháp Chăm. Có thể nói, việc tái sử dụng ngôi đền Hindu như một ngôi chùa Phật giáo là minh chứng cho việc tiếp xúc, giao lưu và tiếp nhận văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng giữa người Việt với cư dân bản địa người Chăm tại di tích Dương Bi.
Điểm đặc biệt, khó thấy ở các di tích khác, là di tích Dương Bi phản ánh sống động quá trình lịch sử hình thành, phát triển và đổi thay của các nhóm cộng đồng cư dân đã từng cư trú trên mảnh đất này. Đó là sự biến đổi và kế thừa văn hóa Chăm - Việt. Những di vật và những dấu vết còn lại của một ngôi chùa người Việt và dấu vết chuyển đổi công năng của kalan chính kể cho ta biết, khi người Việt đến định cư trên vùng đất này đã chọn Dương Bi làm nơi gửi gắm đức tin tôn giáo.
Tại trung tâm của khu đền tháp, người Việt xây dựng một ngôi chùa, nhưng không phá kalan chính của tháp. Những cấu kiện cột, xà, bệ kê cột còn lại của ngôi chùa cho thấy chùa được xây dựng trang nghiêm, nhưng hài hòa với kalan chính ở phía sau. Dấu vết bàn thờ và những mảnh tượng A Di Đà bằng đất nung tìm thấy trong lòng kalan chính kể cho ta biết rằng, khi chùa được xây dựng, tháp đã được chuyển đổi công năng từ chính điện thờ ngẫu tượng của Hindu giáo sang nơi thờ đức Phật.
GS-TS Lâm Thị Mỹ Dung, người phụ trách cuộc khai quật ở Dương Bi tháng 4.2019, cho rằng những gì diễn ra ở tháp Dương Bi là biểu hiện sống động lịch sử hình thành, phát triển và đổi thay của các nhóm cộng đồng cư dân đã từng cư trú tại khu vực tồn tại của khu đền tháp. Đây là minh chứng thú vị cho quá trình giao thoa, biến đổi và kế thừa văn hóa Chăm - Việt. (còn tiếp)
Bình luận (0)