Bị 'bỏ rơi', nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu gửi kiến nghị lên Thủ tướng

Nguyên Nga
Nguyên Nga
01/02/2023 10:19 GMT+7

Cho rằng cơ chế điều hành xăng dầu đẩy thị trường bất ổn, doanh nghiệp bán lẻ đang bị "bỏ rơi" và chèn ép, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu từ nhiều địa phương đã gởi kiến nghị tới Chính phủ.


Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu bị ép

Sáng 1.2, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc, cho biết, nhóm ông gồm nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang có mặt tại Hà Nội và đã làm việc với các cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và VCCI để trình bày tất cả những khó khăn mà doanh nghiệp bán lẻ đang gặp phải cũng như những bất hợp lý trong các quy định. Trong hôm nay, nhóm sẽ gửi kiến nghị sang Văn phòng Chính phủ.

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu gửi kiến nghị lên Thủ tướng - Ảnh 1.

Ngoài kiến nghị, các doanh nghiệp trình bày những vấn đề gây bất ổn thị trường xăng dầu trong thời gian qua

LAM NGHI

Theo các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, trong dự thảo Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu lại tiếp tục "bỏ quên" vai trò của các doanh nghiệp bán lẻ - mắc xích cuối cùng, nhưng rất quan trọng trong chuỗi phân phối bán lẻ xăng dầu. Thực tế thời gian qua, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kinh doanh trong tâm thế bị "ép" vì luôn trong tình trạng nếu đóng cửa thì bị phạt, mà mở bán cũng không đành vì càng bán càng lỗ. Các thương nhân đầu mối và các khâu trung gian được hưởng chi phí định mức cố định trong công thức tính giá xăng dầu, nhưng chiết khẩu cho cửa hàng bán lẻ thì 0 đồng. Việc này dẫn tới khi thị trường có biến động, đầu mối và khâu trung gian đã "cắt" hết hoa hồng, chèn ép nhà bán lẻ thời gian dài.

Đặc biệt, thương nhân phân phối, cũng sở hữu cửa hàng bán lẻ, được nhập hàng từ nhiều nguồn, được "đá" trên 2 sân bán buôn và bán lẻ. Trong khi doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy hàng từ một đầu mối nên bị thua thiệt. Thậm chí, trao đổi với Thanh Niên, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại một tỉnh miền Tây cho hay, có những lúc thị trường khan hàng, doanh nghiệp phải trả thêm tiền cho các đầu mối để được lấy hàng. Đây là "luật ngầm" mới xuất hiện khoảng từ cuối năm 2021 đến nay.

Giảm bớt trung gian 

Từ đó, các doanh nghiệp kiến nghị cần có mức chiết khấu cố định cho doanh nghiệp bán lẻ được quy định trong luật. Thứ 2, doanh nghiệp bán lẻ có quyền lấy hàng từ 2 - 3 nguồn. Ngoài ra, cần giảm bớt số thương nhân phân phối và cho phép doanh nghiệp bán lẻ trực tiếp lấy xăng dầu từ các đầu mối để giảm chi phí các tầng nấc trung gian, gây lỗ lã cho nhà bán lẻ, thiệt hại cho người tiêu dùng.

Theo các doanh nghiệp, hiện nay thị trường xăng dầu có khoảng 17.000 cửa hàng. Trong đó, hệ thống cửa hàng bán lẻ của hai doanh nghiệp nhà nước chiếm thị phần lớn chỉ có gần 3.000 cửa hàng. Do đó, với vai trò của các cửa hàng tư nhân cung ứng cho toàn thị trường ngày càng lớn nên cần sửa đổi quy định để làm rõ vai trò của họ. 

Ông Lê Văn Báu, chủ doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM cho rằng, nếu dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu như nội dung của Bộ Công thương biên soạn thì đó là "tai họa đối với nhà bán lẻ xăng dầu". Ông Lê Văn Báu nhấn mạnh: "Các doanh nghiệp chỉ có 2 nguyện vọng chính đáng. Đó là quy định mức chiết khấu cố định 5% cho nhà bán lẻ, nhà bán buôn phải tuân thủ và 1 đại lý có thể mua hàng từ 2 nhà cung cấp trở lên để xóa bỏ sự kinh doanh độc quyền như hiện nay".

Sáng 1.2, trao đổi với Thanh Niên, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng Ban pháp chế VCCI, người chủ trì buổi gặp gỡ các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội, nhận định: "Đây là vấn đề nóng và bức xúc của cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu, không phải là câu chuyện của một vài doanh nghiệp nữa".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.