Bị bỏ tù oan vì thơ

23/06/2006 23:50 GMT+7

Hơn 13 năm qua, ông giáo làng Nguyễn Đình Phương, trú tại khối Mai Hắc Đế (thị trấn Nam Đàn, Nghệ An) "vác" đơn mòn mỏi gõ cửa các cơ quan chức năng đòi công lý sau khi bị bắt đi tù oan vì sáng tác một bài thơ châm biếm.

Gặp chuyện bất bình... làm thơ

Ông Nguyễn Đình Phương nguyên là bộ đội xuất ngũ trở về quê dạy học. Ông hay làm thơ và những bài thơ đả kích nạn nhũng nhiễu, hành dân của một số cán bộ địa phương. Thơ ông dễ nhớ, dễ thuộc nên chỉ cần lọt ra ngoài thì bọn trẻ con có thể truyền khẩu nhau thành đồng dao.

Hai năm 1991-1993, hai xã giáp ranh Nam Tân và Nam Thượng (Nam Đàn) xảy ra tranh chấp đất đai. Việc tranh giành đất đai sản xuất, chăn nuôi có lúc đã lên đến đỉnh điểm. Để giải quyết vấn đề trên, lãnh đạo huyện Nam Đàn đưa ra "sáng kiến" đóng cột mốc, phân chia ranh giới giữa hai xã. Tuy nhiên, một số người dân cho rằng: Hai xã chỉ cách nhau cái "dậu mồng tơi" thì tội chi lại đóng cột mốc ngăn cách phân chia ranh giới, làm thế hóa ra lại tạo thêm tâm lý chia rẽ! Trước tình thế khá căng thẳng này, ông giáo Phương đã thể hiện trách nhiệm của một công dân hai lần làm đơn kiến nghị lên cấp trên cho rằng việc đóng cột mốc là không nên vì như thế rất khó để yên dân, nhưng rốt cục thì huyện vẫn tiến hành đóng cột mốc. Dân dè bỉu gọi đó "cột ngốc". Tức cảnh ông làm bài thơ châm có tựa "Cột mốc" hay là "Cột ngốc" vỏn vẹn 10 câu như sau:

Cột mốc cắm ở đường biên,
Phân chia ranh giới, nối liền quốc gia.
"Cột ngốc" của huyện nhà ta,
Chia đôi Tân, Thượng như là khối u.
"Cá rán dân biếu mèo mù",
Chỉ đạo kiểu ấy đáng "tù mọt gông".
Vì sao Tân - Thượng bất đồng?
Cần chi cột mốc nằm không giữa trời.
Đau lòng Tân - Thượng mình ơi,
Nhổ ngay "cột ngốc" vạn đời vui chung.

Bài thơ ra đời, nhiều người đồng tình rồi truyền khẩu đọc. Thế nhưng, tác giả "Cột mốc" hay là "Cột ngốc" ấy đâu hay biết đó chính là cái cớ để một số cán bộ huyện Nam Đàn quy cho cái tội: "hô hào, kích động một bộ phận quần chúng cản trở quyết định đóng cột mốc ở địa giới Tân - Thượng" của UBND huyện".

115 ngày tù oan

Sáng 26/7/1993, ông giáo Phương xuống TP Vinh làm việc với Sở Giáo dục, ghé vào hiệu sao chụp một số giấy tờ liên quan. Khoảng 15 phút sau, có 2 chiến sĩ công an (CA) TP Vinh vào kiểm tra giấy phép kinh doanh của chủ hiệu, sau đó khám cặp ông Phương và phát hiện có bài thơ "Cột mốc" hay là "Cột ngốc". Lập tức những tài liệu của ông bị niêm phong và CA yêu cầu ông giáo Phương về trụ sở CA TP Vinh làm việc. Tại đây, chiếc xe U-oát do CA Nam Đàn chờ sẵn "mời" ông lên về huyện. Với tang chứng là bài thơ "Cột mốc" hay là "Cột ngốc" được đựng trong cặp, lãnh đạo huyện Nam Đàn cho rằng ông Phương là người đứng ra tổ chức lực lượng đi ngược lại đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước!

Để có cơ sở khép tội ông giáo Phương, các cơ quan chức năng huyện Nam Đàn đã mang bài thơ "Cột mốc" hay là "Cột ngốc" lên Sở Văn hóa - Thông tin (VHTT) tỉnh Nghệ An để "giám định". Và "Hội đồng giám định" đã đưa ra 7 nội dung đánh giá theo khuynh hướng tích cực và tiêu cực. Trong đó, bình về mặt tiêu cực, bản giám định nhận xét: "Bài thơ bộc lộ nội dung hô hào, cổ động, kích động người nghe; tác phẩm có ý thức châm biếm, đả kích, coi thường, cản trở lại tổ chức và cá nhân có chủ trương đóng cột mốc đường biên". Ngày 27/7/1993, ông Phương bị bắt tạm giữ, rồi tạm giam vì tội danh: "Lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích Nhà nước, xã hội hoặc của công dân theo điều 205a, BLHS". Quá trình điều tra kết thúc, ông Phương bị truy tố ra tòa với bản cáo trạng quy kết: "Cột ngốc ở đây ý Phương muốn nói là phải thay đổi bộ máy lãnh đạo huyện vì huyện có chủ trương đóng cột mốc, gây ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước, lòng tin của nhân dân".

Sau 115 ngày bị giam giữ, khi Viện KSND huyện chuyển hồ sơ sang TAND huyện Nam Đàn để xét xử thì "soi" mãi không thấy tội, tòa đã ra quyết định cho ông Phương ra tù. Hôm đó đúng vào Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/1993! Và ngày 28/12, TAND huyện ra quyết định đình chỉ vụ án.

Lệnh tạm giữ, cáo trạng kết tội và quyết định đình chỉ vụ án đối với ông Phương của Công an, Viện KSND, Tòa án huyện Nam Đàn - (ảnh: K.H)

Ra tù, vẫn chưa hết oan

Sau khi bắt oan người không có tội, Viện KSND huyện Nam Đàn lại có công văn gửi UBND huyện đề nghị có hình thức xử lý nghiêm về hành chính đối với ông Phương. Công văn này đã khiến ông Phương bị triệu tập họp kiểm thảo với số lượng gần 30 lần với mục đích khai trừ ông ra khỏi Đảng. Nhưng cuối cùng, ông Phương được tha bổng mà không phải chịu bất cứ một hình thức kỷ luật nào. Tháng 8/1994, lãnh đạo huyện đành phải chấp nhận phục hồi sinh hoạt Đảng và ông được trở về dạy học.

Để đòi lại danh dự cho mình, ông Phương đã làm đơn gửi đến Huyện ủy, Viện KSND, TAND, CA Nam Đàn và Viện KSND tỉnh Nghệ An yêu cầu bồi thường danh dự và minh oan. Nhưng đáp lại, vẫn là sự im lặng khó hiểu. Năm ngoái, tìm đến Sở VHTT tỉnh để "chất vấn" người giám định bài thơ châm thì trớ trêu thay, "hội đồng giám định" bài thơ 12 năm trước không phải là Sở VHTT. Ngày 7/11/2005, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Nghệ An Hồ Hữu Thới khẳng định bằng văn bản gửi cho ông Phương: "Bài thơ "Cột mốc" hay là "Cột ngốc" viết ngày 26/3/1993 chưa được in, đăng ở sách báo nào. Theo luật xuất bản là chưa được thừa nhận, vì thơ thuộc tính trào phúng nên dễ bị hiểu sai khi truyền miệng tự do. Việc đưa ra 7 quan điểm đánh giá của Sở VHTT Nghệ An về bài thơ "Cột mốc" hay là "Cột ngốc" là hoàn toàn dựng đặt. Sở VHTT chưa bao giờ kết luận như thế".

"Tôi đã xuống Viện KSND tỉnh, họ nói việc xin lỗi và bồi thường danh dự cho tôi theo tinh thần Nghị quyết 338 là đúng. Nhưng bảo tôi phải đến Viện KSND huyện đòi lại hồ sơ gốc thì mới có cơ sở. Tôi đến Viện KSND huyện thì họ bảo hồ sơ không còn ? Trời ơi ! Thế thì khác chi thách đố tôi. Có lẽ tôi phải làm đơn khởi kiện Viện KSND huyện Nam Đàn ra tòa" - ông Phương nói trong tiếng thở dài lẫn thất vọng.

Khánh Hoan - Bình Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.