Bị can 75 tuổi bị truy tố 'giết người' tại ngoại sau 3 lần lãnh án

Ngân Nga
Ngân Nga
Ngân Nga
09/02/2023 10:59 GMT+7

Vũ Viết Giắng, 75 tuổi, đã 3 lần bị phạt tù và đang bị truy tố tội giết người do gây thương tích cho ông Nguyễn Khánh Quý, 87 tuổi, nhưng vẫn được cho tại ngoại. Nhiều ý kiến cho rằng, bị truy tố tội giết người trong tình huống này mà được tại ngoại, là không đúng luật.

Bốn lần bị truy tố ở 4 vụ án khác nhau

Hôm 1.2, Viện KSND tỉnh Khánh Hòa đã hoàn tất cáo trạng, truy tố bị can Vũ Viết Giắng ra TAND tỉnh Khánh Hòa về tội giết người.

Giắng và ông Quý gần nhà nhau (cùng ngụ H.Diên Khánh, Khánh Hòa) mâu thuẫn với nhau từ trước. Giữa năm 2019, ông Quý sang nhà con gái (ở gần nhà Giắng) để trông coi nhà. Thấy ông Quý đang cầm cây rựa và cây kéo trong sân nhà, thì Giắng đi qua gây sự và yêu cầu bồi thường tài sản, vì cho rằng con ông Quý đã đập phá trước đó.

Cả hai bên giằng co từ trong sân ra trước cổng nhà. Giắng chụp tay trái đang cầm kéo của ông Quý, đẩy mạnh về phía ông này làm mũi kéo đâm nhiều nhát vào vùng cổ, trán, cằm, vai trái của ông Quý.

Người nhà của ông Giắng liền chạy đến can ngăn và đưa ông Quý đi cấp cứu. Theo kết luận giám định pháp y về thương tích, ông Quý bị thương tật 17%.

Giắng bị truy tố về tội giết người, có tính chất côn đồ, theo điểm n khoản 1 Điều 123 bộ luật Hình sự (có khung hình phạt tù từ 12 - 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình). Bị can Giắng bị áp dụng tình tiết tăng nặng "tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm", "phạm tội đối với người đủ 70 tuổi trở lên". Đây là vụ án thứ 4 mà Giắng bị xử lý hình sự.

Bị can 75 tuổi bị truy tố 'giết người' tại ngoại sau 3 lần lãnh án - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Khánh Quý, 87 tuổi, bị hại của vụ án

NVCC

Ngoài vụ án này, trước đó Giắng từng 3 lần bị tòa án kết án từ 9 - 18 tháng tù cùng về tội "cố ý gây thương tích", ở 3 vụ án khác nhau (2 vụ bị hại là ông Quý). Trong đó, có tới 2 vụ mà Giắng từng bị phạt tù vì gây thương tích cho ông Quý. Cụ thể hồi năm 2012, Giắng gây thương tích cho ông Quý 4% nên 2013 bị TAND H.Diên Khánh phạt 9 tháng tù.

Đầu năm 2018, Giắng lại đến nhà ông Quý, yêu cầu bồi thường cái tủ mà Giắng cho rằng trước đây con ông Quý làm hư hỏng. Giữa 2 bên xảy ra mâu thuẫn nên giằng co qua lại. Giắng dùng sức giật mạnh làm ông Quý ngã xuống nền nhà dẫn đến gãy kín xương sường 6 bên trái, gây thương tích 3%.

Do đó cuối năm 2021, Giắng bị TAND tỉnh Khánh Hòa phạt 1 năm tù. Hôm 10.1, Giắng chấp hành xong hình phạt tù và được thả ra ngoài.

Trên 70 tuổi được cho tại ngoại?

Trong thời gian chờ toà đưa vụ án có dấu hiệu giết người ra xét xử mà ông Quý là bị hại, lo sợ ảnh hưởng đến an toàn, ông Quý đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng yêu cầu bắt tạm giam đối với Giắng, không cho tại ngoại.

Tuy nhiên, hôm 20.1, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa cho rằng, Giắng, 75 tuổi, căn cứ vào Nghị quyết 01 năm 2007 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao (hướng dẫn áp dụng một số quy định của bộ luật Hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt), người từ 70 tuổi trở lên là người già yếu.

"Sau khi chấp hành xong hình phạt tù, Giắng không có biểu hiện tiếp tục phạm tội hoặc có hành vi trả thù bị hại và người thân thích của bị hại", Cơ quan CSĐT nêu.

Từ đó, Cơ quan CSĐT cho rằng: "Chưa có căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 119 bộ luật Tố tụng hình sự áp dụng biện pháp tạm giam đối với Giắng, mà áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú".

Nhiều lần phạm tội với bị hại, vẫn được cho tại ngoại - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Khánh Quý, 87 tuổi, bị hại của vụ án, mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc để pháp luật được thực thi

NVCC

Áp dụng luật cũ đã bị bãi bỏ

Trao đổi với Thanh Niên, luật sư - TS Nguyễn Hữu Thế Trạch (Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV An Pha Na, Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, theo khoản 2 Điều 123 bộ luật Tố tụng hình sự, bị can bị cấm đi khỏi nơi cư trú phải làm giấy cam đoan: không đe dọa, khống chế, trả thù bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này...

Tuy nhiên, năm 2018, ông Vũ Viết Giắng đã có hành vi "cố ý gây thương tích" đối với ông Nguyễn Khánh Quý. Thế nhưng năm 2019, ông Giắng tiếp tục có dấu hiệu phạm tội giết người đối với chính ông Quý. Bị can đang bị xem xét về hành vi giết người, có tính chất côn đồ, với tình tiết tăng nặng "tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm". Như vậy, bị can đã vi phạm quy định trên.

Cũng theo luật sư Thế Trạch, Cơ quan CSĐT áp dụng Nghị quyết số 01 năm 2007, xác định Giắng là "người già yếu" là không đúng quy định của pháp luật. Bởi lẽ, tiểu mục 4.1 Mục 4 Nghị quyết số 01 năm 2007, chỉ hướng dẫn đối với trường hợp "người quá già yếu", chứ không hướng dẫn đối với trường hợp "người già yếu".

Trong khi khoản 4 Điều 119 bộ luật Tố tụng hình sự và các tội phạm quy định trong bộ luật Hình sự đều là "người già yếu". Đồng thời, Nghị quyết số 01 năm 2007 hướng dẫn bộ luật Hình sự 1999, đã bị bãi bỏ theo Quyết định số 355 của TAND tối cao (quyết định về việc công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ thuộc lĩnh vực của TAND tối cao).

"Theo tôi, Cơ quan CSĐT áp dụng Nghị quyết số 01 đã hết hiệu lực là vi phạm pháp luật. Với những phân tích như trên, căn cứ Điều 119, Điều 123, Điều 125 bộ luật Tố tụng hình sự, bị can Giắng phải bị thay đổi biện pháp ngăn chặn từ cấm đi khỏi nơi cư trú, sang tạm giam", luật sư Trạch phân tích.

TAND tỉnh Khánh Hòa đang xem xét

Luật sư - TS Nguyễn Thị Kim Vinh (nguyên Thẩm phán TAND tối cao) bổ sung, do hồ sơ vụ án đã chuyển qua tòa án tỉnh nên căn cứ Điều 113 và Điều 119 bộ luật Tố tụng hình sự, Chánh án (hoặc Phó chánh án được phân công phụ trách) phải ban hành quyết định tạm giam đối với Giắng.

"Có như thế mới đúng quy đinh pháp luật và ngăn ngừa nguy cơ bị can tiếp tục thực hiện hành vi xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của bị hại, trong khi chờ tòa án đưa vụ án ra xét xử", luật sư Kim Vinh nêu.

Về vấn đề này, trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo TAND tỉnh Khánh Hòa cho biết đã nhận được đơn của ông Quý, hiện đang xem xét và sẽ trả lời thông tin sau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.