Theo Viện kiểm sát (VKS), CNS là doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM, TIE là DN trực thuộc Sở Công thương có 70% vốn của CNS; do vậy phải tuân theo các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại DN.
Tuy nhiên, các cá nhân liên quan tại CNS, TIE đã đề xuất, quyết định và thực hiện quy trình chi tiền ở quỹ khen thưởng tại CNS và thoái vốn tại TIE không thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, gây thất thoát tài sản nhà nước là tiền của Công ty CNS với hơn 22 tỉ đồng (quỹ khen thưởng hơn 17,3 tỉ đồng, thoái vốn tại TIE hơn 4,6 tỉ đồng).
Đối với hành vi vi phạm gây thất thoát quỹ khen thưởng hơn 17,3 tỉ đồng, VKS nêu, lãnh đạo CNS thống nhất về việc sử dụng nguồn tiền từ quỹ khen thưởng của CNS để phục vụ đối ngoại, ngoại giao, tri ân với đơn vị, cá nhân ngoài CNS vào các dịp lễ, tết. Tuy nhiên, các bị cáo không thực hiện theo quy định của luật Kế toán, khi tất cả các bộ hồ sơ chi thưởng đều không có danh sách cá nhân được khen thưởng ký nhận cụ thể và không nêu rõ thành tích hỗ trợ, đóng góp cho CNS để được khen thưởng theo tiêu chí, điều kiện quy định, gây thất thoát hơn 17,3 tỉ đồng của CNS. Trong khi đó, thực tế nguồn tiền lại chi cho người đề xuất/bộ phận đề xuất.
Ông Chu Tiến Dũng bị đề nghị 7-8 năm tù vì gây thất thoát hàng chục tỉ
Đối với vi phạm trong việc thoái 70% vốn của CNS tại TIE, theo VKS, thông qua 2 lần thoái vốn CNS tại TIE vào ngày 21.3.2016 và ngày 27.12.2016, 6 bị cáo tại CNS và TIE đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của UBND TP.HCM. Cụ thể, trước thời điểm thoái vốn, cựu Chủ tịch HĐTV CNS Nguyễn Hoành Hoa và 5 bị cáo liên quan biết rõ tại thời điểm kết thúc năm tài chính 2015, TIE có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, nên CNS sẽ được quyền hưởng phần lợi tức phát sinh, với tư cách cổ đông sở hữu 70% vốn góp tại TIE. Tuy nhiên, các bị cáo không điều chỉnh thời điểm, phương án thoái vốn để CNS nhận được cổ tức năm 2015 từ TIE, tương ứng với tỷ lệ cổ phiếu đã bán ra, gây thất thoát cho CNS hơn 4,6 tỉ đồng.
ĐỀ NGHỊ CÁC MỨC ÁN
VKS đánh giá, bị cáo Chu Tiến Dũng là chủ mưu, xuyên suốt toàn bộ các hành vi phạm tội. Là Tổng giám đốc CNS tại thời điểm xảy ra hành vi phạm tội, nên bị cáo Dũng phải chịu trách nhiệm chính trong việc xảy ra thất thoát hơn 17,3 tỉ đồng từ quỹ khen thưởng tại CNS, và là đồng phạm giúp sức tích cực cho bị cáo Nguyễn Hoành Hoa trong việc thất thoát hơn 4,6 tỉ đồng khi thoái vốn của CNS tại TIE.
Bị cáo Hoa chịu trách nhiệm chính với sai phạm thất thoát hơn 4,6 tỉ đồng. Cựu Kế toán trưởng CNS Đỗ Văn Ngà có vai trò đồng phạm giúp sức tích cực với Chu Tiến Dũng và Nguyễn Hoành Hoa. Cựu Chánh văn phòng CNS Nguyễn Hoàng Anh vì ký 4 tờ trình đề xuất, duyệt 44 phiếu chi (ký thay tổng giám đốc), liên đới gây thất thoát quỹ khen thưởng hơn 11,7 tỉ đồng, vì vậy bị cáo này cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi phạm tội của mình…
Tuy nhiên, VKS cũng nêu hậu quả vụ án đã được khắc phục toàn bộ, các bị cáo phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác. Quá trình điều tra, truy tố, Chu Tiến Dũng và đồng phạm tích cực hợp tác với cơ quan tố tụng trong việc giải quyết vụ án; và tại phiên tòa, các bị cáo đều thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội. Do vậy, VKS đề nghị HĐXX áp dụng các tình tiết giảm nhẹ để giảm một phần trách nhiệm cho các bị cáo.
Từ đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Chu Tiến Dũng từ 7 - 8 năm tù, Đỗ Văn Ngà từ 6 - 7 năm tù, Nguyễn Hoành Hoa và Nguyễn Hoàng Anh từ 3 - 4 năm tù. 6 bị cáo còn lại trong vụ án được VKS đề nghị từ 15 - 36 tháng tù treo.
Bình luận (0)