Bị cáo Tất Thành Cang hầu tòa trong vụ án thứ 2

10/10/2022 08:15 GMT+7

Sáng 10.10, TAND TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Tất Thành Cang và 9 đồng phạm liên quan vụ bán rẻ dự án, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 735 tỉ đồng.

Hơn 7 giờ ngày 10.10, bị cáo Tất Thành Cang (cựu Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020) và 9 đồng phạm bị dẫn giải đến TAND TP.HCM để xét xử sơ thẩm liên quan vụ án bán rẻ 2 dự án Phước Kiển (H.Nhà Bè, TP.HCM) và Ven Sông (Q.7) gây thiệt hại của Nhà nước hơn 735 tỉ đồng.

Ông Tất Thành Cang và đồng phạm đã bán rẻ đất ra sao?

Phiên xét xử dự kiến diễn ra từ ngày 10 - 14.10. Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa là Chánh tòa hình sự TAND TP.HCM Phạm Lương Toản. Đại diện Viện KSND TP.HCM, gồm 3 kiểm sát viên: ông Ngô Phạm Việt, bà Trần Thị Liên và ông Võ Đức Trí.

Bị cáo Tất Thành Cang tại tòa sáng 10.10

NHẬT THỊNH

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, có 19 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Bên cạnh đó, tòa triệu tập Công ty Quốc Cường Gia Lai, Công ty Tân Thuận, Văn phòng Thành ủy TP.HCM và 4 cá nhân khác.

Tòa còn triệu tập người định giá thuộc Hội đồng định giá tài sản thường xuyên trong tố tụng hình sự TP.HCM; các giám định viên thuộc Chi cục tài chính doanh nghiệp - Sở Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính.

Theo cáo trạng, Công ty Tân Thuận (100% vốn nhà nước, thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM) là chủ đầu tư 2 dự án khu dân cư Phước Kiển và khu dân cư Ven Sông.

Trong năm 2017, Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai 32 ha đất dự án Phước Kiển với giá 1,29 triệu đồng/m2, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 202,6 tỉ đồng; chuyển nhượng dự án Khu IV - khu dân cư Ven Sông thiệt hại cho Nhà nước hơn 532,4 tỉ đồng. Tổng thiệt hại hơn 735 tỉ đồng.

Cáo trạng xác định, 10 bị cáo những động cơ, mục đích khác nhau đã cố ý thực hiện các thủ tục chuyển nhượng dự án này trái quy định của pháp luật, không thẩm định giá, đấu giá.

Bị cáo Tất Thành Cang tại phiên tòa phúc thẩm Sadeco hồi tháng 6.2022

NHẬT THỊNH

Theo đó, bị cáo Trần Công Thiện có vai trò chủ mưu, xuyên suốt các hành vi phạm tội. Đối với bị cáo Tất Thành Cang, cáo trạng nêu, trong thời gian từ ngày 5.2.2016 - 7.1.2019, bị cáo Cang với vai trò Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM được giao quản lý tài sản của Đảng bộ TP.HCM, phụ trách Văn phòng Thành ủy. Bị cáo Cang có bút phê “đồng ý” vào Tờ trình số 1206 ngày 25.5.2015 của Văn phòng Thành ủy về việc xin chủ trương cho Công ty Tân Thuận chuyển nhượng 32 ha đất dự án khu dân cư Phước Kiển (1,29 triệu đồng/m2) mà không báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy quyết định.

Đây là vụ án thứ 2 mà TAND TP.HCM đưa ra xét xử đối với bị cáo Tất Thành Cang. Tháng 1.2022, liên quan sai phạm xảy ra tại IPC (100% vốn nhà nước), Công ty CP phát triển nam Sài Gòn - Sadeco (công ty con của IPC) gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 669,6 tỉ đồng, TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo Tất Thành Cang bị 10 năm tù cũng về tội danh này. Đến tháng 6.2022, TAND cấp cao tại TP.HCM giảm án cho bị cáo Tất Thành Cang còn 8 năm 6 tháng tù.

10 bị cáo bị truy tố về tội “vi phạm về quy định quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” theo khoản 3 Điều 219 Bộ Luật Hình sự, hiện hành với khung hình phạt từ 10 - 20 năm tù.

Gồm: 6 bị cáo thuộc Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận (viết tắt là Công ty Tân Thuận): Trần Công Thiện (cựu Tổng giám đốc), Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐTV), Trần Tấn Hải (cựu Phó tổng giám đốc), Nguyễn Thị Ngọc Bích (cựu kế toán trưởng), Nguyễn Hoàng Việt (cựu kiểm soát viên), Nguyễn Xuân Tùng (cựu Trưởng phòng Kinh doanh tổng hợp).

4 bị cáo còn lại là: Tất Thành Cang, cựu Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM; Phạm Văn Thông và Phan Thanh Tân, cùng là cựu Phó chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM; Huỳnh Phước Long, cựu Trưởng phòng Quản lý đầu tư kinh doanh vốn, Văn phòng Thành ủy TP.HCM.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.