Liều mạng sống để làm phim
Đó là cụm từ mà tờ The New York Times đã dùng để mô tả sự nguy hiểm đối với công việc sáng tác điện ảnh của nữ đạo diễn Sonia Nassary Cole ngay trên đất nước bà. Lời cảnh báo đã được đưa ra từ vài tuần trước khi khởi quay, khi Taliban phát hiện nơi ở của nữ diễn viên chính và cắt cụt cả hai chân cô. Không tìm được người thay thế trong một phim công khai phê phán Taliban, Cole quyết định tự đóng vai này.
Đạo diễn Sonia Nassary Cole, 45 tuổi, mang 2 quốc tịch Afghanistan và Mỹ, đã rời khỏi Afghanistan vào năm 1979. Hiện bà sống tại Los Angeles và điều hành quỹ từ thiện Afghanistan World Foundation nhằm hỗ trợ người tị nạn và phụ nữ. Khi còn nhỏ, bà từng viết thư cho Tổng thống Ronald Reagan với tư cách là một người tị nạn vị thành niên và đã được tổng thống mời đến Nhà Trắng. |
Bộ phim kể về một gia đình ở Kabul sống trong những ngày sau khi chế độ Taliban sụp đổ. Họ mở một nhà hàng lấy tên là Góc Thơ, nơi có một sân khấu nhỏ và một micro để văn nghệ sĩ đến đọc thơ, hát và nói lên tiếng nói của mình. Nhưng họ nhanh chóng nhận ra Taliban chưa đi khỏi hẳn và họ phải trả giá đắt: Taliban đã bắt cóc và ám sát những thành viên trong gia đình.
Sự đe dọa hiện hữu cả trong phim lẫn ngoài đời thực. Trước khi phim hoàn tất phần quay, một vụ nổ bom đã làm vỡ tan cửa kính phòng khách sạn của nữ đạo diễn. Bà cũng đã nhận được những cú điện thoại đe dọa. Người quay phim đã bỏ ngang bộ phim. “Tôi biết bà rất buồn” - Keith Smith, quay phim nói - “Nhưng tôi cảm thấy cái chết đang gần kề”. Cole không tiết lộ số tiền làm phim, tuy nhiên bà đã phải bán những tài sản cá nhân của mình.
Một Afghanistan xa lạ
Với tựa đề Phim về Afghanistan cho thấy cảnh hôn nhau, phụ nữ chửi thề, bài viết trên trang web của NDTV (một hãng truyền thông tư nhân lớn ở Ấn Độ) viết: “Bộ phim lấy bối cảnh là cuộc sống Kabul hiện tại và thậm chí quay ở đây, nhưng nhiều người Afghanistan đã xem phim nói rằng họ không nhận ra xã hội mà họ đang sống”.
Đạo diễn Sonia Nassary Cole đóng vai chính trong Tulip đen, phim hiếm hoi được quay ở Afghanistan - Ảnh: The New York Times |
Bài viết cho rằng, một vài yếu tố kịch tính nhất trong bộ phim là những điều chưa bao giờ người ta nhìn thấy ở Afghanistan, như cảnh hôn nhau nơi công cộng, những người khác phái đụng chạm nhau và phụ nữ chửi thề. Nhưng cũng không phải mọi người đều thấy không thỏa mãn. “Nó rất hay” - Idris Ludin, một nha sĩ nói - “Nếu bạn phải xem một phim về Afghanistan, hãy xem nó”.
Về thông tin Taliban đã cắt cả 2 chân của nữ diễn viên mà bà Cole nói tên là Zarifa Johon, bà Cole, trong cuộc trả lời phỏng vấn sau lễ ra mắt, khẳng định câu chuyện trên là có thật. Bà cho biết Zarifa đã đóng phim ở Pakistan nhưng không nổi tiếng ở Afghanistan. Bà đã phát hiện ra cô tại tiền sảnh một khách sạn ở Kabul vào năm 2008. Nhưng ngay trước khi bộ phim được đưa vào sản xuất vào tháng 8.2009, cô biến mất. “Cô ấy gọi điện cho tôi vào bảo: Bà sẽ không bao giờ đoán được điều gì đã xảy ra đâu, Taliban đã cắt chân tôi”. Cole nói rằng Taliban từng giận dữ vì một bộ phim của Pakistan có diễn viên này tham gia. Bà đã không còn gặp cô diễn viên này nữa, bởi cô từng xin bà hãy để cô một mình, vì sự an toàn của cô.
Tulip đen là phim duy nhất sản xuất ở Afghanistan trong năm nay và có thể sẽ dự giải Oscar năm tới ở hạng mục Phim nước ngoài. Trước kia Afghanistan từng sản xuất một số phim, nhưng khi Taliban cầm quyền họ đã cấm phim ảnh, phá hủy các rạp hát. Từ năm 2001, sau khi chế độ Taliban sụp đổ, hoạt động điện ảnh đã dần trở lại trên đất nước này.
Phạm Thu Nga
Bình luận (0)