Bị cắt sóng vì mua nhầm điện thoại 4G giả

09/11/2024 06:00 GMT+7

Trước thời điểm tắt sóng 2G hồi giữa tháng 10 vừa qua, nhiều người nhanh chóng chuyển đổi sang điện thoại 4G, nhưng đã có không ít nạn nhân bị lừa mua điện thoại 4G giả mạo và đến nay mới phát hiện ra.

Bỗng dưng bị… tắt sóng

Những ngày đầu tháng 11, ông B.H.A (46 tuổi, ngụ xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn, TP.HCM) bất ngờ khi chiếc điện thoại phụ của mình, loại có phím bấm không còn gọi được nữa. Ông chia sẻ: "Đáng nói là tôi đã đổi điện thoại phụ của mình vào tháng 9, trước thời hạn tắt sóng 2G nhưng lúc đó tôi lại mua hàng qua mạng, giá chỉ vài trăm ngàn đồng. Khi mua về vẫn sử dụng được nhưng đến nay thì đã "ngủm" hoàn toàn".

Đây không phải trường hợp cá biệt, nhiều nạn nhân mua nhầm điện thoại giả lập 4G đã bắt đầu "lộ diện" sau thời hạn chính thức tắt sóng 2G. Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Việt Hoàng, Tổng giám đốc Công ty HMD Global khu vực Đông Dương, sở hữu thương hiệu điện thoại Nokia, cho biết: "Bộ phận nghiên cứu thị trường của công ty cũng đã báo cáo có nhiều trường hợp khách hàng đến phản ánh tình trạng bất ngờ bị tắt sóng.

Sau khi kiểm tra, bộ phận kỹ thuật phát hiện đây là những điện thoại giả lập 4G nhưng thực chất vẫn sử dụng công nghệ 2G. Có lẽ khi nhà mạng tắt sóng 2G, loại điện thoại này cũng không hoạt động được nữa và bắt đầu có nhiều người nhận ra mình mua nhầm hàng giả trước đó".

Bị cắt sóng vì mua nhầm điện thoại 4G giả- Ảnh 1.

Nhiều người phát hiện mua nhầm điện thoại 4G giả sau khi mạng 2G chính thức tắt sóng

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), lợi dụng chính sách cắt sóng 2G và nhu cầu đổi điện thoại từ 2G sang 4G của một bộ phận người dân, trong đó đa số là người cao tuổi có nhu cầu sử dụng máy 4G có phím bấm, một số đối tượng đã lừa đảo người dân mua máy 2G nhưng "đội lốt" 4G với giá 400.000 - 500.0000 đồng/máy. Cụ thể, đối với hình thức trên, các đối tượng sử dụng mạng xã hội hoặc thông qua bán trực tiếp để tiếp cận, lừa đảo bán điện thoại giả 4G cho người dùng. Không chỉ vậy, một số đối tượng còn rao bán những loại smartphone 3G đã qua sửa chữa với lời rao "3G hay 4G đều xài thoải mái" với giá chưa đến 1 triệu đồng. Dòng điện thoại "fake" sóng 4G thường được làm giả từ tên máy, nhãn hiệu cho đến số IMEI và sử dụng phần mềm để giả mạo sóng 4G trên màn hình. Khi cắm SIM vào, máy hiển thị ký hiệu 4G hoặc LTE, nhưng thực tế người dùng chỉ có thể truy cập mạng 2G và sẽ trở nên vô dụng nếu các nhà mạng tắt sóng.

Một chuyên gia phòng chống lừa đảo trực tuyến chia sẻ: "Sau khi bán sản phẩm, các đối tượng sẽ xóa tài khoản bán hàng hoặc chặn tài khoản của người mua trên mạng xã hội. Trong thời điểm trước tháng 9.2024, không ít người dùng ham rẻ, thiếu kiến thức đã đặt mua điện thoại của các đối tượng lừa đảo, đến hôm nay khi các nhà mạng chính thức tắt sóng 2G thì nhiều người mới ngỡ ngàng nhận ra mua nhầm hàng giả".

Trả lời phỏng vấn của Thanh Niên, đại diện truyền thông hệ thống Thế Giới Di Động chia sẻ trước lúc cắt sóng thì tùy thời điểm, nhu cầu đổi điện thoại 4G tăng từ 2 - 10 lần, còn sau khi hoàn tất cắt sóng (ngày 15.10) thì nhu cầu thị trường trở lại ổn định. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng dự báo thị trường sẽ có đợt biến động do nhiều người bất ngờ bị cắt sóng vì mua nhầm hàng giả sẽ phải đổi điện thoại thêm một lần nữa. Ông Nguyễn Việt Hoàng cũng nhận định: "Các nhà mạng đã thông báo tắt sóng 2G từ sau ngày 15.10 nhưng có lẽ thực hiện theo từng giai đoạn, có thể vì như vậy nên những trường hợp mua nhầm điện thoại 4G giả đến nay mới dần xuất hiện nhiều hơn. Về phía Công ty HMD, chúng tôi đã nhập hàng theo dự báo nhu cầu thị trường, thời điểm quý 3/2024 đã bị thiếu hụt điện thoại 4G loại phím bấm, có lúc không còn hàng để bán nhưng hiện nay chúng tôi đã nhập thêm hàng và đảm bảo cung ứng đầy đủ cho thị trường".

Lừa đảo dụ dỗ đầu tư khắp nơi

Không chỉ bán điện thoại giả, các đối tượng xấu thường xuyên sử dụng mạng xã hội để ăn theo các diễn biến nhu cầu trên thị trường để dễ thao túng tâm lý và lừa đảo. Báo cáo từ kênh Chongluadao.vn cho thấy thời gian gần đây liên tiếp nhận được phản ánh của người dân về các trường hợp dụ dỗ lừa đảo đầu tư sinh lợi.

Bị cắt sóng vì mua nhầm điện thoại 4G giả- Ảnh 2.

Các hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến hiện nay

ẢNH: CHONGLUADAO.VN

Một nạn nhân tên B.H.L (21 tuổi), số điện thoại 0765499xxx kể: "Vào đầu tháng 10, tôi và nhiều người được một đồng nghiệp giới thiệu tải về một app (ứng dụng) thuộc Công ty TNHH công nghệ R., có mã số thuế là: 0110797xxx, trụ sở tại Hà Nội. Theo lời đồng nghiệp đó, khi nạp tiền vào mua gói đầu tư hàng linh kiện điện tử sẽ sinh lời hằng ngày với tỷ lệ từ

0,2 - 2,2% theo gói từ 500.000 đồng đến 500 triệu đồng. Sau đó tôi cùng những người khác đều nghe theo, tải app và cũng nạp tiền. Sau những lần đầu chúng tôi nạp vài triệu nó cũng sinh lời thật như lời đồng nghiệp đó kể. Đến hạn chúng tôi vẫn rút cả vốn lẫn lãi. Sau đó chúng tôi tin tưởng và nạp thêm nhiều tiền hơn, hằng ngày công ty đó càng ra nhiều gói để đầu tư với lợi nhuận cao hơn. Và đến tối 1.11 thì app này đã bị sập, không còn truy cập được nữa. Tôi và đồng nghiệp rất sốc vì có những người vay nóng mượn tiền khắp nơi".

Một nạn nhân khác có số điện thoại 09xxx20 cũng báo cáo tình trạng lừa đảo đầu tư gian hàng ảo của trang web centrall-group. Cụ thể: "Sau khi nhắn tin làm quen với một người tên T.T.M trên Facebook được 2 ngày, tôi được bạn ấy khoe và giới thiệu việc làm thêm gian hàng online ảo trên mạng. Ngày đầu tiên bạn ấy nhờ tôi làm giúp nhiệm vụ với tài khoản và đăng nhập của bạn đó, ngày thứ ba thì T.T.M mời tôi tham gia với mục đích tăng thêm thưởng hoa hồng làm nhiệm vụ của người giới thiệu và mục đích kiếm tiền sau này 2 đứa đến với nhau. Sau khi tôi tham gia thì ngày đầu tiên với gói 5 triệu nạp và rút về được.

Nhưng ngay sau khi rút thì được mời chào nâng cấp lên mức 2 trùng với dịp thưởng tri ân và giá cao hơn, hoa hồng thu về cũng cao hơn. Ác mộng xảy ra vào ngày hôm sau, không thể rút tiền về nếu chưa hoàn thành 80/80 đơn hàng (nhiệm vụ). Khi làm tới đơn thứ mười mấy thì hệ thống tự động đóng băng tài khoản và không thể làm thêm, yêu cầu phải nạp thêm tiền với mức tăng cao hơn. Khi tới đơn số 77/80 thì tôi lại bị khóa tài khoản.

Điều đáng nói là mỗi lần hệ thống thông báo nạp thêm tiền thì lại cung cấp một số tài khoản của doanh nghiệp khác. Tôi và người bạn tên T.T.M lại tiếp tục cùng nhau nạp thêm để với hy vọng sau khi hoàn thành thì có thể rút về. Nhưng sau khi hoàn thành hết 80 nhiệm vụ và thực hiện lệnh rút tiền về thì không nhận được tiền, và được yêu cầu thanh toán 60 triệu đồng để hoàn thành thuế thu nhập cá nhân. Sau khi tôi cắn răng nộp thêm 60 triệu "tiền thuế" thì lại được thông báo là phải nộp thêm 41 triệu để làm phí chuyển đổi từ USD sang VND. Đến lúc này tôi không thể rút lại lệnh rút tiền, không thể khấu trừ trực tiếp vào tài khoản, tôi biết mình đã bị lừa".

Có thể thấy, đủ các chiêu lừa đảo biến hóa khôn lường vẫn đang bủa vây cuộc sống của người dân. Và dù cảnh báo, cảnh giác thì đâu đó vẫn có người sập bẫy, mất tiền.

Thanh tra Bộ TT-TT vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP viễn thông tin học VN về hành vi thực hiện cuộc gọi rác. Cụ thể, trong tháng 7.2024, công ty này đã thực hiện nhiều cuộc gọi rác với mục đích bôi nhọ, quấy rối, đòi nợ. Số tiền phạt là 70 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ 2 tháng theo quy định.

Trước đó, Thanh tra Bộ TT-TT cũng ra quyết định xử phạt 2 doanh nghiệp vì các hành vi sai phạm như: Phát tán tin nhắn rác; gửi tin nhắn, gọi điện quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong danh sách không quảng cáo. Bên cạnh việc bị phạt tiền, 2 doanh nghiệp này cũng bị đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ thông qua 4 tên định danh trong thời gian 2 tháng và 3 tháng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.