Bị chó cắn, người đàn ông tử vong vì bệnh dại

Minh Phong
Minh Phong
23/06/2024 15:58 GMT+7

Bị chó lạ cắn, ông T. chủ quan không đi khám và chữa bệnh. Sau khoảng 2 tháng, nạn nhân tử vong, nguyên nhân được xác định do mắc bệnh dại.

Ngày 23.6, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương cho biết, qua điều tra dịch tễ, trung tâm xác định bệnh nhân V.V.T (49 tuổi, trú tại thôn Tân Trường, xã Lê Lợi, TP.Chí Linh, Hải Dương) tử vong do mắc bệnh dại khi bị chó cắn.

Người nhà của bệnh nhân T. cho hay, khoảng 2 tháng trước, ông T. ra mở cổng thấy có con chó lạ đi vào nhà. Khi con chó của gia đình ông T. sủa, con chó lạ giật mình và lao vào cắn lòng bàn tay trái của ông T.

Gia đình và nhân viên y tế thôn đã nhắc nhở, khuyến cáo ông T. đi tiêm phòng bệnh dại nhưng ông này chủ quan không tiêm.

Bị chó cắn, người đàn ông tử vong vì bệnh dại - Ảnh 1.

Do chủ quan khi bị chó cắn vào tay mà không tiêm phòng bệnh dại, ông T. đã tử vong

ẢNH MINH HỌA

Đến chiều 16.6, ông T. có biểu hiện tê cánh tay trái. Ngày 17.6, cánh tay trái ông T. tê nhiều hơn kèm buồn nôn, người mệt mỏi, chán ăn, nên đã đi khám tại Phòng khám đa khoa Côn Sơn.

Ngày 18.6, ông T. cùng vợ lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khám và điều trị theo dõi mắc bệnh dại. Ngày 19.6, ông T. được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và được chẩn đoán mắc dại. Đến sáng 20.6, ông T. tử vong.

Thống kê sơ bộ, tại tỉnh Hải Dương, từ năm 2016 đến nay có 6 trường hợp tử vong vì bệnh dại. Trong đó TP.Chí Linh có tới 4 ca, 2 ca còn lại thuộc huyện Bình Giang và Kim Thành. Đến hết tháng 5 có trên 600 người đến CDC tỉnh Hải Dương và một số điểm tiêm vắc xin dịch vụ tiêm phòng dại do chó, mèo cắn.

Lãnh đạo CDC tỉnh Hải Dương cho hay, bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra. Bệnh chủ yếu lây truyền từ chó, mèo bị nhiễm bệnh cắn, cào người gây tổn thương da, niêm mạc hoặc khi động vật liếm vào da, niêm mạc đang bị tổn thương.

Hiện chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu với người nhiễm virus dại đã phát bệnh. Khi người nhiễm virus dại đã xuất hiện triệu chứng thì người bệnh đều bị tử vong.

Khi đã bị nhiễm virus dại, chỉ có 1 cách điều trị dự phòng là thực hiện các biện pháp xử lý tại vết thương nhằm loại bỏ bớt virus dại và ngay sau đó phải tiêm vắc xin phòng dại hoặc kết hợp với tiêm huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.