Chào bạn. Dại là bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm với khả năng gần như 100% khi phát cơn dại. Thời gian ủ bệnh dại ở người thường từ 1-3 tháng, thậm chí một vài năm sau khi bị động vật mang virus dại cắn, cào hoặc liếm vào vết thương hở.
Sau khi phơi nhiễm virus dại, nếu không tiêm vắc xin kịp thời người bệnh sẽ có triệu chứng đau đầu, sốt, mệt mỏi, đau tại vết cắn. Khi virus xâm nhập sâu vào não bộ (thể viêm màng não), người bệnh có biểu hiện mất ngủ, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió, mắt long sòng sọc, tăng tiết nước bọt, hạ huyết áp, không thể uống hay nuốt được và tử vong chỉ sau 1 tuần từ ngày phát bệnh.
Ở thể bại liệt, người bệnh dại bị tê liệt toàn bộ cơ thể, rối loạn tiểu và đại tiện, liệt tay, chân và tử vong ngay nếu liệt lan đến cơ hô hấp. Khi phát dại, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, bất lực và đau đớn cho đến lúc tử vong.
Vắc xin dại vừa là phương pháp dự phòng vừa là phương pháp điều trị dại duy nhất hiện nay |
Ảnh: Nguyên An |
Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó ngay sau khi bị chó, mèo cắn, cào hoặc liếm vào vết thương hở, người dân cần rửa ngay vết thương dưới vòi nước chảy kết hợp với xà phòng liên tục trong 15 phút. Sau đó, rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn i-ốt hoặc Povidone-Iodine, tuyệt đối không cố gắng nặn máu.
Dù chỉ là vết cắn nhẹ hoặc vết trầy xước, người dân đều cần phòng ngừa bệnh dại bằng biện pháp tiêm vắc xin, tuyệt đối không nên chủ quan với căn bệnh chết người này.
BS.CKI Bạch Thị ChínhGiám đốc Y khoa, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC
Bình luận (0)