Thời gian gần đây, CSGT cả nước xử lý nghiêm nồng độ cồn trong nhiều đợt cao điểm liên tiếp nhau. Các tổ xử phạt nồng độ cồn của Cục CSGT và các địa phương làm việc hiệu quả được đánh giá đã góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
Tại TP.HCM, các bãi xe vi phạm bị quá tải vì số xe bị tạm giữ khi vi phạm nồng độ cồn quá nhiều. Số bằng lái (GPLX) mà CSGT tạm giữ cũng tăng theo; trong đó, nhiều xe, bằng lái người vi phạm bỏ luôn không đến nhận lại gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo đảm PCCC.
Vì sao người vi phạm nồng độ cồn bỏ xe, bỏ bằng lái?
Lãnh đạo một đội CSGT tại TP.HCM cho biết, mức phạt vi phạm nồng độ cồn hiện nay cao nhất lên tới 7 triệu đồng với người đi xe máy và 35 triệu đồng với người lái ô tô. Thời gian tước bằng lái với vi phạm nồng độ cồn là từ 11 - 23 tháng và tạm giữ xe tối đa 7 ngày.
Theo vị lãnh đạo này, việc tạm giữ xe khi phát hiện vi phạm nồng độ cồn là để bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông tại thời điểm có nồng độ cồn trong cơ thể, hai nữa là để người vi phạm đến đóng phạt, nhận xe về.
Bỏ luôn xe vì lỗi vi phạm nồng độ cồn, sẽ bị phạt thế nào?
"Nhiều người vi phạm đi xe máy bỏ luôn xe, bỏ bằng lái vì tính thấy mức phạt cao hơn giá trị chiếc xe và đồng thời chấp nhận mua xe khác và chạy xe không có bằng lái suốt thời gian về sau. Bên cạnh đó, một số người bị CSGT phạt tước bằng lái bỏ bằng đã cho rằng có thể xin cấp lại hoặc thi lại bằng lái khác thì đỡ tốn hơn tiền phạt", CSGT chia sẻ.
Theo tìm hiểu của PV, trên thị trường xe máy cũ, một chiếc xe máy tầm trung cũ có giá khoảng 7- 10 triệu đồng. Tại một số nơi bán các dòng cũ hơn, chỉ cần từ 4 - 7 triệu đồng là người dân có thể nhận cà vẹt và chiếc xe về chạy, nơi bán không hỗ trợ sang tên đổi chủ theo quy định.
Bỏ xe, bỏ bằng lái là "thoát nạn"?
Lãnh đạo một đội CSGT khác cho hay, vi phạm nồng độ cồn cũng như các lỗi vi phạm khác bị tước bằng, giam xe... các thông tin đã được nhập lên hệ thống liên thông giữa CSGT và Sở GTVT - đơn vị đang phụ trách cấp bằng lái.
"Ví dụ anh A. bị phạt 7 triệu, tước bằng lái 23 tháng, tạm giam xe 7 ngày vì nồng độ cồn vượt 0,4 mg/lít khí thở nhưng bỏ bằng lái, bỏ xe mà đi đăng ký cấp lại bằng lái thì cơ quan chức năng sẽ không giải quyết. Thậm chí, hết thời hạn 23 tháng nếu anh A. chưa đóng phạt, hệ thống vẫn lưu thông tin nên không xin cấp lại hay thi lại bằng lái được", CSGT giải thích.
Bên cạnh đó, khoản 15 Điều 3 của Thông tư 58 quy định: tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự, an toàn giao thông mà không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông thì chưa giải quyết đăng ký xe. Sau khi chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông thì được giải quyết đăng ký xe theo quy định.
Như vậy, nếu bạn vi phạm giao thông bị lập biên bản mà chưa đi đóng phạt thì bạn sẽ không được giải quyết thủ tục khi đi đăng ký xe.
CSGT mặc thường phục xử lý vi phạm, có được kiểm tra nồng độ cồn
Bình luận (0)