Đề nghị cả Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời?
Bệnh nhân được nhắc đến là chị N.T.L (39 tuổi, trú H.Gio Linh, Quảng Trị). Theo người nhà nạn nhân, sáng 3.12, chị L. đi xe máy và bị tai nạn giao thông, đập mặt xuống đường. Chị L. được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị, cho đi chụp cắt lợp, chụp cộng hưởng từ. Do kết quả không có vấn đề gì nên sau đó chị L. được chuyển lên khoa Răng hàm mặt để xử lý các thương tích trên mặt.
Tại đây, chị L. được tiêm một mũi thuốc ngừa uốn ván.
“Người nhà hy vọng sau mũi tiêm người bệnh được yên tâm nghỉ dưỡng hồi phục sức khỏe. Nhưng 3 phút khi bác sĩ rút kim tiêm thì bệnh nhân có triệu chứng nôn hộc máu và lịm dần đi nên người nhà cùng các bác sĩ chuyển đến phòng cấp cứu.... Sau cấp (cấp cứu - PV) họ còn cho lọc thận”, thông tin viết trên mạng xã hội Facebook.
|
Cũng theo thông tin trên, đến ngày 6.12, bệnh nhân được chuyển vào Bệnh viện T.Ư Huế, nhưng 1 ngày sau thì được đưa về nhà, và tử vong. Thông tin đăng tải trên Facebook mong muốn giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị và Bộ trưởng Bộ Y tế phải có câu trả lời cho gia đình về cái chết của chị L.
PV Thanh Niên đã liên hệ với người viết status trên, được biết người này là cháu bên chồng của bệnh nhân L. Người này cũng cho biết những dòng trên viết lúc vừa mất người thân, trong trạng thái bức xúc, và không ngờ trở thành “bão mạng” như vậy.
Liên lạc với ông N.V.C (68 tuổi, cha ruột của bệnh nhân L.), ông C. cho biết gia đình vừa lo xong việc ma chay cho chị L. và còn rất bức xúc trước cái chết của người thân. “Những gì đã nói thì đứa cháu đã viết lên Facebook rồi. Nhưng tôi có thêm một thắc mắc nữa là tôi chưa bao giờ nghe có việc bị tai nạn giao thông mà phải chạy máu, lọc thận cả…”, ông C. nói.
Bệnh viện nói chị L. tử vong vì chấn thương sọ não
Trao đổi với PV Thanh Niên sáng 11.12, bác sĩ Trương Xuân Nhuận, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị, xác nhận bệnh viện có điều trị cho bệnh nhân L. nhưng đáng tiếc là bệnh nhân đã không qua khỏi.
Tuy nhiên, ông Nhuận tỏ ra bất ngờ bởi theo ông, lãnh đạo bệnh viện đã giải thích cặn kẽ với người nhà và sau khi bệnh nhân tử vong, bệnh viện cũng tổ chức đoàn đi viếng, thăm hỏi.
Theo bác sĩ Nhuận, chị L. nhập viện ngày 3.12 với vết thương ở mặt, qua sơ cứu, chụp chiếu sọ não, do chưa thấy tổn thương nào nên được chuyển lên khoa Răng hàm mặt. Tại đây các bác sĩ đã tiêm 1 liều dự phòng huyết thanh kháng uốn ván (SAT) cho bệnh nhân và 10 phút sau, bệnh nhân bị choáng, huyết áp tụt xuống 40/20, có thời điểm bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở…
|
“Sau sơ cứu tại khoa, bệnh viện đã thực hiện quy trình “Báo động đỏ”, huy động được đầy đủ các bác sĩ tim mạch, hồi sức cấp cứu chống độc…để cứu tính mạng bệnh nhân. Khoảng hơn 1 giờ đồng hồ sau thì huyết áp bệnh nhân đã được kiểm soát, tim đập trở lại bình thường…Coi như công tác xử lý sốc phản vệ của chúng tôi đã thành công”, bác sĩ Nhuận nói.
Tuy nhiên, sau đó, bệnh nhân L. vẫn không thoát hôn mê, nên ngày 4.12, bệnh viện tiếp tục cho chụp cắt lớp lần 2, phát hiện có tụ máu dưới màng cứng, bán cầu phải và chảy máu dưới nhện, phù não lan tỏa 2 bán cầu nên chẩn đoán bệnh nhân bị chấn thương sọ não nặng.
|
Đến ngày 6.12, chị L. được chuyển đi Bệnh việnT .Ư Huế. Theo hồ sơ bệnh án của Bệnh viện T.Ư Huế (bệnh án do bác sĩ Nhuận cung cấp - PV), Bệnh viện T.Ư Huế cũng nhận định chị L. ngưng tuần hoàn hô hấp, chấn thương sọ não nặng và cũng không có chỉ định phẫu thuật mà chỉ điều trị hồi sức tích cực nội khoa. Sau đó ngày 7.12, chị L. qua đời khi đưa về nhà.
Trả lời câu hỏi về việc tiêm huyết thanh kháng uốn ván, bác sĩ Nhuận cho biết đối với loại chấn thương ngoài da, có vết bẩn đều phải tiêm huyết thanh dự phòng chống uốn ván. “Bất cứ loại thuốc nào cũng có khả năng gây sốc chứ không riêng gì huyết thanh dự phòng chống uốn ván… Sốc là sự cố ngoài ý chí của bác sĩ, phần nhiều do cơ địa của bệnh nhân và vấn đề ở đây là chúng tôi đã giải quyết kịp thời sự cố sốc phản vệ, cứu sống nạn nhân tại thời điểm đó”, bác sĩ Nhuận cho biết.
|
Trả lời thắc mắc về việc lọc thận cho bệnh nhân L. sau sự cố sốc phản vệ, bác sĩ Nhuận cho biết việc này là do quá trình sốc thuốc bệnh nhân L. bị ngưng tim, thiếu oxy… sản sinh ra những chất độc, sản phẩm trong cơ thể, cần phải lọc máu, lọc thận liên tục chứ không phải là chạy thận để lọc huyết thanh SAT vì lượng huyết thanh này cho vào cơ thể chị L. rất nhỏ.
Trao đổi về thông tin chụp cắt lớp lần thứ 2 mới phát hiện tụ máu, bác sĩ Lê Văn Lâm, Trưởng khoa hồi sức chống độc Bệnh viện đa khoa Quảng Trị giải thích chấn thương sọ não có từng giai đoạn. Có loại cấp tính (3 ngày đầu), có loại bán cấp tính (1 tuần) có loại mãn tính (2 - 3 tháng) sau sự cố mới xuất hiện.
“Nên ngày trước chụp không phát hiện mà hôm sau chụp mới phát hiện là điều bình thường. Còn việc chúng tôi cũng như các bác sĩ Bệnh viện T.Ư Huế không có chỉ định mổ cho ca này là vì mổ sẽ không có lợi mà chỉ làm tăng nguy cơ tổn thương nhiều hơn”, bác sĩ Lâm nói.
Bình luận (0)