Bị đuổi khỏi quán vì ngồi xe lăn: Phản ứng sao nếu bị phân biệt đối xử?

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
15/01/2024 19:02 GMT+7

Cộng đồng mạng xã hội đang xôn xao về bài viết của anh V.M.L - chủ tài khoản Facebook có gần 150.000 lượt theo dõi, về câu chuyện 'bị đuổi khỏi quán phở vì ngồi xe lăn'.

Theo nội dung bài viết, trưa 11.1, anh V.M.L (khuyết tật, ngồi xe lăn) cùng bạn gái đến một quán phở tại TP.Hà Nội. Tuy nhiên đến quán thì bị từ chối do "không có nhân viên để khiêng" lên bậc tam cấp. Sau đó, "đến một quán phở gà quen, hai đứa cũng vào ăn như bình thường. Chỗ ngồi bé, nên L. hơi chen vào chỗ bà chủ ngồi bán hàng ăn. Bà đứng phắt dậy, mắng nhân viên "Ai nhận cái ngữ này vào đây ăn?", nhân viên bảo "Anh ấy hay ăn ở đây, bình thường vẫn ngồi thế này". Bà càng được đà "không bán được, đã thế thì tôi đứng…", trích bài viết.

Bà chủ quán phở gà phủ nhận nội dung mà anh V.M.L viết, trong khi đó anh V.M.L khẳng định lời lẽ của bà chủ lớn tuổi rất "gay gắt", "đăng bài viết và xác định không bóc phốt ai nên không quay video lại làm chứng" đồng thời "sẽ chịu mọi trách nhiệm pháp luật với những thông tin mình đưa ra"…

Xôn xao chuyện 'bị đuổi khỏi quán vì ngồi xe lăn': Bà chủ quán phở nói gì?

Câu chuyện này nhận được nhiều sự quan tâm, bài viết của anh V.M.L thu hút tới gần 100.000 lượt tương tác. Nhiều người đang "tấn công" các tài khoản của anh V.M.L, cho rằng thông tin chưa xác định thật - giả, "content" bẩn, "câu view", "phân biệt vùng miền"...

Ở đây, bài viết này không luận bàn nội dung bài viết của anh V.M.L về mức độ chính xác hay không chính xác, mà chỉ đề cập đến các ý kiến đặt ra tình trạng bị "phân biệt đối xử" với người khuyết tật trong xã hội. Vậy thì, đặt trong giả định bị "phân biệt đối xử", liệu người khuyết tật nên có phản ứng gì?

Bị đuổi khỏi quán vì ngồi xe lăn: Phản ứng sao nếu bị phân biệt đối xử?- Ảnh 1.

Bài viết của anh V.M.L trên trang mạng xã hội

CHỤP MÀN HÌNH

Góp ý tích cực để giải quyết gốc rễ vấn đề

Chia sẻ với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Cử, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển năng lực người khuyết tật (Trung tâm DRD), cho biết hiện, thông thường người khuyết tật khi gặp phải tình trạng bị phân biệt đối xử thì thường có xu hướng im lặng, chấp nhận không dám lên tiếng hoặc sẽ lên tiếng rất tiêu cực, do xúc cảm mặc cảm, tự ti.

Xem nhanh 12h: Xôn xao vụ ‘bị đuổi khỏi quán vì ngồi xe lăn

Ông Cử dẫn lại chia sẻ của một giảng viên tham gia khóa đào tạo hỗ trợ sinh viên khuyết tật do Trung tâm DRD tổ chức, trước đây đã từng nghĩ người khiếm thị không đi học được vì không đọc được chữ, nhưng sau khi được giải thích, cung cấp thông tin, thầy đã hiểu người khiếm thị vẫn học được với sự hỗ trợ của ứng dụng công nghệ và điều chỉnh phương pháp đào tạo. Từ đó thầy cùng nhà trường triển khai nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên khuyết tật học tập tại trường.

"Tôi cũng là người khuyết tật. Có lần tôi cùng con mình vào quán cà phê thì bảo vệ liền chỉ qua một quán khác vì nói quán đó nước rẻ hơn. Thật ra anh bảo vệ này không có ý gì, xuất phát từ ý tốt, nhưng là hình thức phân biệt đối xử ngầm, tức là nghĩ người khuyết tật thì nghèo khó, không có tiền. Tuy nhiên, thay vì phản ứng tiêu cực, tôi giải thích với anh bảo vệ này rằng tôi cũng đi làm việc, có lương, nên chi trả được. Những lần sau đó, tôi vào quán thì anh bảo vệ cũng chào hỏi bình thường", ông Cử nói.

Bị đuổi khỏi quán vì ngồi xe lăn: Phản ứng sao nếu bị phân biệt đối xử?- Ảnh 2.

Kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật là hành vi bị nghiêm cấm

NHẬT THỊNH

Ông Cử nhận định về bản chất, vị giảng viên hay người bảo vệ này không hề có ý phân biệt mà chỉ là vì thầy chưa hiểu rõ vấn đề nên suy nghĩ, hành động đôi khi mang tính chủ quan, phân biệt đối xử "ngầm". Nhưng nếu được giải thích, cung cấp đủ thông tin thì chắc chắn góc nhìn của họ sẽ cởi mở hơn.

Do đó, theo ông Cử, khi người khuyết tật gặp phải thái độ hoặc hành vi mang tính kỳ thị, phân biệt đối xử trong cuộc sống, điều cần thiết nhất là nên góp ý trực tiếp, giải thích về khó khăn và bất tiện của bản thân. Việc góp ý tích cực mang tính xây dựng sẽ giúp sự việc được giải quyết từ gốc rễ của vấn đề, đồng thời nâng cao nhận thức của xã hội về người khuyết tật.

Xem nhanh 12h: Xôn xao vụ ‘bị đuổi khỏi quán vì ngồi xe lăn

"Đương nhiên có những trường hợp, người khuyết tật đã giải thích nhưng sự việc vẫn không được giải quyết, tạo ra rào cản trong việc hòa nhập xã hội. Trong trường hợp này, người khuyết tật nên thu thập bằng chứng (ghi âm, quay clip, nhờ người làm chứng...) đối với thái độ, hành vi mang tính phân biệt đối xử. Người khuyết tật có thể liên hệ với chính quyền địa phương hoặc các tổ chức của người khuyết tật, văn phòng trợ giúp pháp lý, báo chí để được hỗ trợ. Tuy nhiên, người khuyết tật cần đảm bảo tính chính xác của thông tin và đặt mình vào hoàn cảnh của người không khuyết tật để có sự thấu cảm trước khi đưa ra quyết định", ông Cử nói.

Phó giám đốc Trung tâm DRD cho rằng, trong suốt 18 năm đồng hành với người khuyết tật, ông nhận thấy đã có những chuyển biến tích cực trong góc nhìn của xã hội đối với người khuyết tật. Đây là kết quả từ sự nỗ lực của từng cá nhân người khuyết tật, các tổ chức vì người khuyết tật và các chính sách liên quan. Do đó, ông Cử tin, mỗi người khuyết tật đều ý thức giúp mọi người nâng cao nhận thức về vấn đề khuyết tật, từ đó xây dựng một xã hội không có sự phân biệt đối xử.

Kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật là hành vi bị nghiêm cấm

Căn cứ các quy định tại luật Người khuyết tật năm 2010, hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật (xa lánh, từ chối, ngược đãi, phỉ báng, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó) là hành vi bị nghiêm cấm.

Về mức xử phạt, căn cứ theo điểm a, khoản 1, Điều 9 Nghị định 144/2013/NĐ-CP thì hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.