Toát mồ hôi vì kết quả siêu âm
Chị Quyên (40 tuổi, quê Bến Tre) kể câu chuyện xảy ra cách nay hơn 4 năm mà chị vẫn nhớ như in: “Hồi đó, tui có những dấu hiệu đang mang thai như sốt nhẹ, trễ kinh... nên đi khám, siêu âm ở một bệnh viện (BV) của tỉnh. Trong 3 tuần tui siêu âm đến 3, 4 lần. Lần nào bác sĩ (BS) cũng bảo chưa có tim thai”. Lần cuối cùng, một BS siêu âm xong bảo chị Quyên thai sống mà không có tim thai là nguy hiểm và đề nghị chi hơn 400.000 đồng mua thuốc đặt để bỏ thai. “Tui từng này tuổi rồi mong đứng, mong ngồi một đứa con, nghe BS nói thế tôi như rơi xuống địa ngục”, chị Quyên nói và chỉ vào bé gái khoảng 4 tuổi, tinh nghịch: “Tối hôm đó, tui bao xe đi thẳng lên BV Từ Dũ (TP.HCM) khám, BS ở đây bảo có thai rồi, cứ yên tâm về nhà dưỡng thai. Nghe vậy, tui như được sống lại. Nếu tui tin lời BS ở tỉnh đặt thuốc thì giờ đâu nghe được tiếng nói, tiếng cười của con”.
Cách đây 1 tháng, BS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm y khoa Medic, tiếp một khách nữ dẫn theo một cháu bé 10 tuổi đến thăm. Vị khách nhắc lại câu chuyện xảy ra 10 năm trước, khi đó chị mang thai và đi khám thai định kỳ, kết quả siêu âm kết luận thai nhi đầu có nước, giãn não thất (không giữ được, nếu sinh sẽ bị dị tật). Trường hợp của chị là trường hợp khó nên BV sản gửi sang Medic nhờ siêu âm chẩn đoán lại. Sau khi siêu âm, BS tại Medic hội chẩn kết luận thai bình thường. Chưa yên tâm, chị còn đi siêu âm nhiều nơi khác thì chỗ nói có, chỗ nói không. Tuy hoang mang, nhưng chị quyết tâm giữ đứa bé lại và sau đó sinh con gái khỏe mạnh.
BS Hải nói: “Kết luận của BS liên quan đến sinh mạng của một con người. Vì vậy, tôi thường dặn các học trò của mình phải cẩn thận, phải sợ những tai họa do mình gây nên, phải biết hội chẩn, cùng xem xét, lắng nghe ý kiến của các BS khác để có kết luận chính xác”.
|
Bệnh nhân nam có “tử cung bình thường” !
Theo một số BS, “hài” nhất là khi kết quả siêu âm nhầm lẫn giữa nam và nữ dẫn đến những kết luận dở khóc, dở cười.
BS Đào Ngọc Trường, chuyên về siêu âm của Phòng khám đa khoa tư nhân Thái Hòa (Bình Dương) kể, ông từng thấy những kết quả siêu âm của bệnh nhân nữ ghi “tuyến tiền liệt bình thường” hay của nam ghi “tử cung bình thường”. Nguyên nhân, theo BS Trường, khi siêu âm, BS kết luận nói “bình thường hết đó em”, cô y tá nghe nhập dữ liệu vào máy, kết quả cứ thế in ra mà “quên” kiểm tra giới tính. Ngoài ra, theo BS Trường, tuy luật cấm, nhưng nhiều sản phụ cũng rất quan tâm tìm hiểu xem thai nhi là nam hay nữ và kết quả siêu âm so với thực tế nhiều khi tréo ngoe, dẫn đến trường hợp có người nhà sản phụ tìm bác sĩ siêu âm "đòi" con trai cho bằng được (!?).
Còn BS Nguyễn Hoàng Tuấn, BV phụ sản Từ Dũ, cho biết, có trường hợp túi thai 6 tuần, BS siêu âm bảo là có tim thai, 2 tuần sau sản phụ đến BV siêu âm lại thì không thấy tim thai, làm sản phụ thắc mắc: “Tại sao hôm trước BS nói có tim thai, hôm nay lại bảo không có?”. BS Tuấn phân tích: “Thường túi thai 6 tuần rất khó nghe được tim thai, độ dao động của màn hình không đọc được chính xác. Còn thai trên 8 tuần không có tim thai thì túi thai móp méo, thai không phát triển được và phải bỏ. Kết luận vội vàng có tim thai rồi phải bỏ thai sẽ dẫn đến cú sốc cho sản phụ”.
Rất cần hội chẩn
Theo BS Hải, trong siêu âm, vai trò của BS là then chốt, kinh nghiệm, trình độ quyết định kết quả; máy siêu âm là vũ khí đóng góp vào việc kết quả chẩn đoán rất rõ ràng.
Trao đổi với PV Thanh Niên, BS Nguyễn Hoàng Tuấn đúc kết: siêu âm phát hiện 80% bệnh và độ chính xác, tin tưởng khoảng chừng 80 - 90%, nên khi thấy có dấu hiệu bất thường, các BS cần phải phối hợp với các yếu tố khác, làm các xét nghiệm khác trước khi kết luận.
Ngày nay, siêu âm 3 chiều, 4 chiều cho kết quả rất chính xác, chẩn đoán không khó khăn như siêu âm 2 chiều. Trường hợp phức tạp dùng cộng hưởng từ. Tuy nhiên, BS Hải vẫn cho rằng, việc hội chẩn là cần thiết để hạn chế những sai sót đáng tiếc. Ngoài ra, trong phòng mổ cũng nên có máy quay để ghi lại hình ảnh cuộc mổ. “Đây vừa là chứng cứ pháp lý, vừa để minh bạch hoạt động điều trị của BS, tránh những hiểu lầm đáng tiếc”, BS Hải nói.
Vụ việc Siêu âm song thai, sinh ra chỉ một bé đăng trên Thanh Niên những ngày qua đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc. Loạn siêu âm Hiện nay, siêu âm rất được nhiều bệnh nhân lựa chọn, trong đó có nhiều thai phụ. Tâm lý ai cũng mong mỏi được thấy con mình phát triển thế nào, khỏe mạnh không, trai hay gái... Vì vậy, các phòng khám có siêu âm mọc lên như nấm, ăn nên làm ra. Tuy nhiên, không phải bác sĩ siêu âm nào cũng giỏi trong việc đọc kết quả, do đó dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc. Ngành y tế cần xem xét lại việc đào tạo bác sĩ siêu âm cũng như cấp phép siêu âm. Nguyễn Ngọc Tú (Nguyễn Thị Nhỏ, Q.6, TP.HCM) Sớm chấn chỉnh lại các dịch vụ siêu âm Vụ một thai phụ ở Gia Lai bỏ đi thai nhi đã 7 tháng vì siêu âm cho rằng bé bị dị tật, nhưng khi bỏ đi mới hay bé phát triển bình thường, chưa lắng xuống thì nay đến vụ việc này. Đó là những hậu quả vô cùng đáng tiếc do siêu âm sai gây nên. Mà tình trạng siêu âm sai hiện nay khá phổ biến, phần do máy móc dở, phần quan trọng là do chuyên môn yếu kém. Đề nghị ngành y tế sớm rà soát, chấn chỉnh lại vấn đề này. Lương tâm, trách nhiệm người thầy thuốc Qua vụ việc này lại đặt ra vấn đề là trách nhiệm và lương tâm người thầy thuốc ở đâu? Chỉ vì nghe sản phụ nói 2 thai thì siêu âm sơ sài rồi ghi “2 thai”, rồi điền thêm vài số đo của thai nhi nữa để... lấy tiền. Hiện nay, khi siêu âm, không ít bác sĩ thường hỏi tiền sử bệnh và các chẩn đoán trước đó, lấy các thông tin này cộng với suy nghĩ cảm tính của mình, thế là cho kết quả. Việc này rất phổ biến. Do vậy, người bệnh cần tỉnh táo trước kết quả siêu âm. Nguyễn Văn Phúc (Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM) |
Siêu âm là do máy móc thực hiện, mà máy móc trục trặc là chuyện thường tình, và máy cũng không thể đúng 100%. Do đó, tốt nhất, bệnh nhân đừng quá tin vào máy móc. Võ Văn Vũ Linh (Q.Bình Tân, TP.HCM) Đây là cú sốc rất lớn của người nhà sản phụ, bệnh viện nơi xảy ra vụ việc ngoài tìm hiểu sự thật cần có hướng thăm hỏi, động viên tinh thần gia đình, nhất là sản phụ Hiên để tránh cú sốc nặng sau sinh... Nguyễn Ngọc Giao (Chánh Hưng, Bình Hưng, Bình Chánh, TP.HCM) Người nhà sản phụ nên tố cáo vụ việc đến cơ quan công an để cơ quan này vào cuộc điều tra xem liệu con họ có bị trộm hay không? Huỳnh Duy Thịnh (sinh viên Đại học Ngoại ngữ- Tin học TP.HCM) |
Lê Nga
>> Vụ siêu âm song thai, sinh ra chỉ một bé: Bác sĩ đỡ sinh nhận sai sót
>> Siêu âm song thai, nhận có một con !
>> Chuyện hi hữu: 10 lần siêu âm song thai, chỉ một bé ra đời
>> Bác sĩ bị tố siêu âm nhầm bệnh
Bình luận (0)