(TNO) Thủ tướng Úc Tony Abbott đang hứng chịu cơn bão dư luận sau đề nghị phong tước hiệp sĩ cho Hoàng thân Anh Philip, tức phu quân của nữ hoàng Elizabeth II.
Phát biểu trong ngày Quốc khánh Úc 26.1, ông Abbott cho rằng Hoàng thân Philip sau những “phục vụ và cống hiến” xứng đáng được tôn vinh. Về động cơ, ông Abbott không có vẻ gì quá đáng khi tôn vinh Hoàng thân Anh, nhưng lại vấp phải chỉ trích vì cách ông làm.
Hoàng thân Philip bên cạnh nữ hoàng Elizabeth II - Ảnh: Reuters
|
Báo chí nước ngoài như BBC, Irish Independent, CNN... dùng cụm từ “knightmare” để nói về vụ Thủ tướng Úc đề nghị phong tước hiệp sĩ cho Hoàng thân Philip. Họ chơi chữ khi kết hợp giữa “knight” (hiệp sĩ) và “nightmare” (cơn ác mộng).
BBC dẫn một bài xã luận trên Australia Day với tiêu đề: “Ông Thủ tướng đang nghĩ gì vậy?” để nói về những dấu hỏi quanh việc phong tước hiệp sĩ của ông Abbott.
Bài viết mô tả Hoàng thân Philip “không chỉ là biểu tượng vượt thời gian mà còn vượt biên giới”, là một người “được dân Anh tung hô qua các hành động la hét và những phát biểu vạ miệng”.
Hoàng thân Philip năm nay 93 tuổi, nổi tiếng là người ăn nói hào sảng. Tính cách này cũng dẫn đến việc ông hay bị bắt lỗi trong khâu phát biểu. Hôm 26.1, tờ The Independent (Anh) giật dòng tít: “Hoàng thân Philip được phong tước Hiệp sĩ tại Úc: Hãy chúc mừng bằng cách đọc lại những phát biểu gây sốc nhất của ông”.
Đối với người Úc nói riêng, việc đề nghị phong tước của ông Tony Abbott mắc phải một vấn đề khác: Thái độ chính trị.
"Với quyết định kỳ lạ trong việc đề cao một thành viên của chế độ quân chủ Anh, ông Abbott đã tạo điều kiện để bản thân nhận lấy sắc chỉ châm biếm của hoàng gia”, trích bài viết trên Australian.
Ông Tony Abbott đối mặt dư luận - Ảnh: Reuters
|
Trong cuộc khảo sát được chốt vào ngày 26.1 của tờ Sydney Morning Herald, có tới 93% độc giả cho rằng việc phong tước hiệp sĩ cho Hoàng thân Prince đã “đưa nước Úc trở lại thế kỷ 18”.
Nhiều người Úc phản đối hành động của ông Abbott vì cho rằng nó làm liên tưởng tới những năm tháng nước này còn là thuộc địa của Anh.
Trên Twitter, ông trùm truyền thông Rupert Murdoch cũng không đồng ý với việc làm của Tony Abbott. “Việc phong tước của Abbott là một trò đùa xấu hổ”, Daily Mail trích dòng trạng thái của ông Murdoch hôm 27.1. Cần biết rằng, Murdoch là người đã ủng hộ ông Abbott trong đợt bầu cử liên bang gần đây nhất.
Vụ việc lần này càng khiến ông Abbott cảm thấy áp lực hơn trước dư luận và các đảng đối lập trong cách ăn nói, hành động. Tháng 11 năm ngoái trong lúc tham gia Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), ông Abbott cũng nhận nhiều yêu cầu phải “nói chuyện” với Tổng thống Nga Vladimir Putin thế nào cho phải phép, xung quanh vụ máy bay MH17 làm chết 38 người Úc.
Bình luận (0)