Khai gì, ghi nấy!
Vào vai người tìm việc đang cần giấy chứng nhận sức khỏe (GCNSK), tôi đến Trung tâm Y tế quận Hải Châu (Đà Nẵng). Tại bàn hướng dẫn, tôi được nhân viên chỉ sang phòng dịch vụ. Cô nhân viên y tế ngồi tại bàn hướng dẫn sau khi bảo tôi ghi họ tên, dán ảnh vào GCNSK hỏi: “Cao bao nhiêu, nặng bao nhiêu?” dù gần đó có cân và thước đo. Do lâu ngày không cân, đo nên tôi leo lên cân và đứng lại gần thước đo y tế để đo. Vẫn với vẻ thờ ơ, cô này hỏi: “Sao?”. Tôi khai cân nặng và chiều cao, có sai lệch một chút so với kết quả, nhưng cũng không ai buồn thắc mắc mà ghi nhanh vào GCNSK đúng như lời tôi khai. Tiếp, lại hỏi: “Có bị cận gì không?”, tôi bị cận nhẹ nhưng lại lắc đầu, cô lập tức ghi vào giấy: mắt 10/10.
Một thanh niên khám cùng lúc với tôi lại khai mình bị cận, lúc này nhân viên y tế mới đưa cho một cái bảng che mắt, bảo đọc chữ kiểm tra mức độ cận. Gọi là kiểm tra nhưng anh này khai mình cận bao nhiêu độ thì cô y tá ghi chừng đó vào giấy khám sức khỏe, không căn cứ vào kết quả vừa kiểm tra.
Xong, tôi được hướng dẫn tiếp tục lên cầu thang đến tầng 2 khám tiếp. Tại đây, tôi và vài người nữa chờ đợi để đóng tiền khám sức khỏe cho thu ngân, 25.000 đồng cho một lần khám. Đóng tiền xong, mang phiếu sang một căn phòng bên cạnh, hai bác sĩ vừa khám, vừa trò chuyện với mấy người bạn ngồi cạnh. Việc khám hết sức đơn giản. Các bác sĩ hỏi tôi bị bệnh gì không, tôi nói không. Bác sĩ áp ống nghe sơ sài, và kết quả là sức khỏe của tôi hoàn toàn tốt. GCNSK ghi: nói thường tai phải: 5m, tai trái: 5m; nói thầm tai phải: 0,5m, tai trái 0,5m. Tai mũi họng: bình thường. Răng hàm mặt 90%. Khám nội: tim mạch, hô hấp, tiêu hóa dạ dày, tiết niệu, hệ vận động, da liễu... tất tần tật đều bình thường, dù thực tế tôi có mắc một số bệnh như khớp, dạ dày, huyết áp thấp...
Những người khác cũng đều qua một quy trình khám tương tự và kết quả đều... rất tốt. Thực sự nếu muốn cũng khó có thể phát hiện bệnh tật gì với kiểu khám qua loa như vậy.
Không chỉ tại Trung tâm Y tế quận Hải Châu mà một số trung tâm khác cũng một kiểu khám như thế. Vẫn tự khai bệnh, rồi bác sĩ kiểm tra qua loa và ghi vào GCNSK, kết quả tốt hay không là... tùy thuộc vào người đi khám!
|
Tất cả đều “bt”
Để tìm hiểu cặn kẽ hơn về việc khám sức khỏe này, tôi tìm đến các bệnh viện tuyến trên. Tại Bệnh viện C Đà Nẵng (trực thuộc Bộ Y tế), tôi mang theo 2 GCNSK đến đăng ký khám bệnh đi xin việc. Cũng với mức phí 25.000 đồng/lần khám, nhưng biên lai thu lệ phí khám sức khỏe của tôi có kèm thêm một mảnh giấy đánh máy sẵn “Hướng dẫn đi khám sức khỏe”. Giấy hướng dẫn rõ: tầng 5 khám tai - mũi -họng, mắt, răng hàm mặt; tầng trệt phòng khám số 2 (khám nội); giữ biên lai thu tiền để đóng dấu văn thư...
Theo hướng dẫn, tôi cầm giấy chứng nhận lên tầng 5, đến phòng khám tai - mũi - họng. Cô y tá đứng trước phòng thấy tôi cầm GCNSK thì nhận lấy mang vào phòng cho bác sĩ. Vị bác sĩ ngồi trong phòng thậm chí không nhìn ra xem tôi thế nào và ra làm sao đã ghi vài chữ vào đấy và đóng dấu. Cô y tá mang ra, trong đó tôi đọc được: tai trái, phải nói thường là 5m và nói thầm là 0,5m; và mục tai-mũi-họng ghi rõ 2 chữ “bt” (bình thường - PV) cùng chữ ký và họ tên của bác sĩ khám.
Phòng khám răng - hàm - mặt cũng không khác gì phòng đầu tiên, cô bác sĩ tên D. cũng hỏi tôi răng - hàm - mặt có bị gì không? Tôi lắc đầu và cô ghi vào “bt” và ký tên đóng dấu, không cần liếc xem răng - hàm - mặt tôi có bị thế nào hay không. Ở phòng khám mắt, bác sĩ T. ký tên vào tờ chứng nhận, vừa ký vừa hỏi tôi mắt có mang kính không, thấy bác sĩ đã ký nên tôi vờ ấp úng. Vậy là bác sĩ này đưa ngay giấy cho cô y tá trong phòng, cô này bắt tôi ngồi vào ghế cầm bảng đọc. Mắt tôi kém nên chỉ đọc rõ được dòng thứ 8. Dòng thứ 9, 10 tôi phải nhìn cả 2 mắt ra để nhớ chữ, sau đó che mắt lại đọc, nhưng những chữ cuối cùng thì không nhớ nổi. Cô y tá biết là mắt tôi kém, và chính là người ghi vào giấy chứng nhận mắt 9/10 chứ không phải bác sĩ T. Phần khám nội cũng chẳng khác gì. Bác sĩ cũng chỉ áp ống nghe vào ngực trái tôi độ 2 giây, rồi ghi vào kết quả tôi từ hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, dạ dày đến hệ vận động, da liễu, phụ khoa, tâm thần thần kinh... tất cả đều “bt”. Quả là... cao siêu.
Dù việc khám sức khỏe từ tuyến y tế quận huyện, đến tỉnh, thành hay T.Ư đều thể hiện rõ sự qua loa, đại khái giống nhau; nhưng oái ăm thay, gần như tất cả các đơn xin việc đều đính kèm giấy khám sức khỏe này mới gọi là đúng thủ tục...
Diệu Hiền
Bình luận (0)