Mỗi giáo viên phải tự đánh giá xếp loại thi đua viên chức theo hàng loạt tiêu chí. Sau đó, tổ chuyên môn tiến hành đánh giá và cuối cùng là hội đồng thi đua của nhà trường họp bình xét cuối năm học.
Nhiều câu chuyện bi hài nảy sinh từ chính kết quả thi đua được hội đồng liên tịch nhà trường thông qua: lời khiếu kiện, tiếng xầm xì, tranh cãi manh nha, rồi "vạch lá tìm sâu" bắt lỗi nhằm hạ điểm thi đua của đối phương làm ảnh hưởng đến sự đoàn kết trong tập thể sư phạm.
Cách giáo viên phản ứng với kết quả xếp loại thi đua là hệ quả tất yếu của nhiều bất cập vẫn đang tồn tại trong nhà trường phổ thông.
Đăng ký thi đua kiểu "cầm chừng"
Thứ nhất, chỉ tiêu thi đua bị "khống chế" khiến nhà giáo mất dần động lực phấn đấu. Cụ thể, Thông tư 35 của Bộ GD-ĐT về thi đua khen thưởng trong nhà trường phổ thông đưa ra quy định: tỷ lệ giáo viên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở không vượt quá 15% số cá nhân đạt lao động tiên tiến.
Từ khi Thông tư 35 có hiệu lực, số lượng giáo viên cuối năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở ngày càng ít ỏi. "Khe cửa hẹp" ấy buộc người thầy phải cạnh tranh căng thẳng để an yên nắm giữ chắc "vé" vượt qua vòng đánh giá xếp loại.
Ngoại trừ một số thành tích nổi bật liên quan đến việc thi giáo viên giỏi, bồi dưỡng học sinh giỏi hoặc các giải thưởng hoạt động văn nghệ, thể thao, khoa học kỹ thuật… giúp giáo viên cạnh tranh vào tốp đầu để đạt danh hiệu mơ ước thì hầu hết cuộc ganh đua không ít lần gieo tiếng thở dài trong đội ngũ nhà giáo.
Bên cạnh đó, một khi đã xác định đăng ký danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở vào đầu năm, giáo viên buộc phải phấn đấu không ngừng nghỉ cho cả một năm học dài, chỉn chu từ hồ sơ sổ sách, chất lượng giảng dạy, dẫn đầu phong trào, viết sáng kiến cải tiến kỹ thuật… Thế nhưng, chỉ cần sai sót đâu đó hoặc thua cuộc khi cạnh tranh thành tích thì mọi nỗ lực và công sức xem như "đổ sông đổ biển".
Vì thế, không ít nhà giáo đăng ký thi đua kiểu "cầm chừng", tức chỉ tiêu danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở bao nhiêu thì chỉ cần chừng ấy giáo viên đăng ký là đủ. Giáo viên đỡ nhọc công cạnh tranh, hội đồng xét thi đua đỡ mất sức phân xử rồi chịu tiếng "bên trọng, bên khinh".
Thiệt thòi cho giáo viên làm công tác chủ nhiệm
Thứ hai, chỉ tiêu về số lượng, chất lượng của học sinh quyết định phần lớn kết quả thi đua của người thầy, điều này có thể được xem là không công bằng đối với thầy cô làm công tác chủ nhiệm.
Lâu nay, chúng ta vẫn căn cứ vào hiệu quả duy trì số lượng học sinh, chất lượng học lực và hạnh kiểm của lớp chủ nhiệm để cân đo đong đếm về hiệu quả giáo dục. Nhiều thầy cô kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm lớp luôn chịu phần thiệt thòi hơn hẳn so với giáo viên bộ môn. Bởi lẽ cả năm phấn đấu miệt mài nhưng chỉ cần lớp có học sinh bỏ học, tỷ lệ khá giỏi thấp so với mặt bằng chung hay lớp xếp vị trí thấp trong thi đua toàn trường là biến thành điểm trừ, gây bất lợi cho giáo viên trong cuộc ganh đua thành tích.
Nhiều nhà giáo nỗ lực miệt mài để hoàn thành tốt nhất hồ sơ sổ sách, đổi mới phương pháp giảng dạy, tham gia hội giảng và sinh hoạt chuyên đề. Tuy nhiên, nếu lớp chủ nhiệm có học sinh bỏ học, lớp chủ nhiệm có tỷ lệ thi lại trong hè cao, lớp chủ nhiệm vi phạm nội quy nghiêm trọng thì giáo viên sẽ bị cắt thi đua, hạ danh hiệu. Vì vậy, không ít giáo viên dần dần mất hẳn động lực phấn đấu, lơ là công tác, nguội lạnh ngọn lửa nhiệt huyết.
Thứ ba, hội đồng thi đua nhà trường đã thật sự công tâm, khách quan và dân chủ khi "cầm cân nảy mực" đánh giá danh hiệu giáo viên mỗi dịp cuối năm học hay không?
Đội ngũ cốt cán trong trường học một khi đã đăng ký danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở lại ngồi ghế nóng xét danh hiệu. Như vậy, "khe cửa hẹp" ấy có nhường chỗ cho giáo viên bình thường đạt nhiều thành tích hay không?
Chưa kể, nhiều hội đồng thi đua cơ sở vẫn còn nể nang nhau và đánh giá giáo viên theo kiểu "nhìn mặt đặt danh hiệu thi đua" cộng hưởng với tỷ lệ danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở bị siết chặt số lượng theo Thông tư 35 của Bộ GD-ĐT. Thực tế này có thể dẫn đến nguy cơ triệt tiêu hoàn toàn động lực phấn đấu và nhiệt huyết cống hiến của giáo viên.
Cần công khai, dân chủ trong quy trình đánh giá, xếp loại giáo viên
Thi đua nhằm sản sinh nguồn năng lượng tích cực thúc đẩy mỗi người chuyển động, đổi mới, sáng tạo không ngừng nghỉ trong nghề nghiệp cá nhân. Chính vì vậy, để công tác thi đua hiệu quả và thực chất, cần tạo ra bầu không khí thi đua dân chủ, cởi mở, khách quan và công bằng trong hội đồng sư phạm nhà trường.
Một bảng xếp loại chỉn chu cùng với những thang điểm cụ thể để đánh giá toàn diện hiệu quả hoạt động của nhà giáo là điều kiện cần để người thầy yên tâm công tác, phấn đấu.
Đặc biệt, hãy cởi trói nhà giáo khỏi áp lực chỉ tiêu về số lượng, chất lượng hai mặt của học sinh khiến giáo viên chủ nhiệm bị cột chặt vào thành tích lớp, từ đây bệnh thành tích đã nảy sinh và ngày càng khó trị tận gốc.
Bên cạnh đó, điều kiện đủ để trả lại bầu không khí thi đua hào hứng, vui tươi và phấn khởi trong nhà trường phổ thông chính là quy trình đánh giá, xếp loại giáo viên cần công khai và dân chủ hơn trong từng khâu: đề cử, biểu quyết và bỏ phiếu kín. Điều này đòi hỏi cái tâm sáng trong, mẫu mực của từng cá nhân tham gia hội đồng thi đua nhà trường.
Bình luận (0)