Những nguồn tin lan truyền trên mạng có đặc điểm chung: đều gọi tên của loài hoa 400 năm nở một lần là Mahameru Pushpam hay hoa Arya Pu. Tuy nhiên, không chỉ một loài hoa, những nguồn này lại cho thấy ít nhất là 3 loài hoa với hình ảnh khác nhau, thậm chí có nguồn còn gọi chúng là hoa chùa (pagoda flower). Chúng ta lần lượt tìm hiểu xem những loài hoa này có thật hay không.
Trước hết là một loài hoa trắng có hình dạng tháp, phần đáy lớn rồi nhỏ dần lên, được gọi là hoa Mahameru Pushpam hay hoa Arya Pu (Poo). Căn cứ vào hình ảnh, có thể khẳng định rằng đây là loài hoa có thật, song chẳng phải là loài hoa hiếm ở dãy núi Himalaya, và cũng không có tên là Mahameru Pushpam. Tên khoa học chính xác của loài hoa này là Protea cynaroides, một loài thực vật có hoa lớn nhất trong chi thảo đường (protea), thuộc họ quắn hoa (proteaceae); còn tên tiếng Anh của chúng là protea, king protea, giant protea, king sugar bush hay honeypot; người Trung Quốc gọi là Đế vương hoa (帝王花)…
Protea cynaroides là quốc hoa của Nam Phi, phân bố khắp nơi ở vùng tây nam và phía nam Nam Phi. Ngoài ra người ta còn thấy chúng ở Úc, Nam Mỹ, Ấn Độ, Nam Á và châu Đại Dương… Loài này nở hoa quanh năm, tập trung vào các tháng mùa hè chứ không phải 400 năm mới nở một lần. Thoạt nhìn, ta thấy nhiều cánh hoa kết hợp thành một đóa Protea cynaroides, song thực chất những cánh này chính là lá bắc, bao quanh cụm hoa thật sự bên trong; những lá bắc có màu từ trắng, hồng cho tới đỏ.
Thông tin giả thứ hai là đưa ra hình ảnh của loài hoa Saguaro rồi khẳng định rằng đây là loài hoa hiếm, rất may mắn để thấy chúng. Thật ra, Saguaro là một loài xương rồng, có tên khoa học là Carnegiea gigantean, hoa nở hằng năm vào tháng 5-6 chứ không phải 400 năm mới nở. Loài hoa "Saguaro" là biểu tượng của bang Arizona, nước Mỹ.
Nguồn tin thứ ba giới thiệu hình ảnh một loài hoa và cho rằng đây là hoa Mahameru, song không phải vậy. Đây là hoa Salvia Hot Lips, có tên khoa học là Salvia microphylla 'Hot Lips' thuộc họ hoa môi (lamiaceae). Loài này phân bố ở vùng đông nam Arizona và một số nơi ở Mexico. Cái tên microphylla của loài hoa này xuất phát từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là "lá nhỏ". Ở Mexico người ta gọi chúng là mirto de montes, hay "cây mia núi" (myrtle of the mountains).
Thứ tư là nguồn tin cho thấy hình ảnh một loài hoa và cũng gọi chúng là hoa Mahameru, đồng thời tặng thêm tên khác là pagoda flower (hoa chùa). Nguồn tin này đã thêu dệt những điều phi lý, vì trên thực tế đó chính là cây Rheum nobile, một loài thực vật có hoa trong họ rau răm (polygonaceae). Loài này còn những tên khác là Sikkim rhubarb hay noble rhubarb, người Trung Quốc gọi là tháp hoàng (塔黄)… Đây là loài cây thân thảo cao khoảng 1-2m, có nguồn gốc ở dãy núi Himalaya, phân bố từ Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ cho tới Nepal, Bhutan, Tây Tạng và Myanmar… Xin lưu ý, còn một chi tiết sai khác: Rheum nobile không phải là hoa chùa.
Vậy thế nào là "hoa chùa"?
Hoa chùa (pagoda flower) có tên khoa học là Clerodendrum paniculatum, một loài thuộc chi Clerodendrum, họ Lamiaceae. Chúng có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Á và Papuasia (miền nam Trung Quốc bao gồm Đài Loan, Đông Dương, Bangladesh, Sri Lanka…) và những nơi khác thuộc châu Á. Sở dĩ loài này có tên là hoa chùa vì có hình dạng hoa giống như kim tự tháp hoặc giống như một ngôi chùa Nhật Bản. Người Trung Quốc gọi loài hoa này là viên chùy đại thanh (圆锥大青), còn người Việt Nam gọi là ngọc nữ đỏ, màu đỏ hay xích đồng nam.
Tóm lại, những nguồn tin lan truyền trên mạng xã hội cho biết loài hoa 400 nở một lần là sai sự thật. Ngoài ra, cũng chẳng có loài hoa nào gọi là Mahameru Pushpam hay Arya Pu (Poo). Chỉ có loài ngọc nữ đỏ (clerodendrum paniculatum) mới là hoa chùa thật sự, còn những loài khác được gọi cùng tên đều là cách gọi sai, nhầm lẫn. Một số trang mạng nước ngoài cũng đã báo động về những nguồn tin thất thiệt này.
Bình luận (0)