Bị kêu hoàn thuế chậm, Bộ Tài chính có động thái mới

28/10/2024 19:30 GMT+7

Theo Bộ Tài chính, thực hiện hoàn thuế như quy định hiện nay thì quy trình, thủ tục và sự phối hợp giữa cục thuế với chi cục thuế trong xử lý hoàn thuế có thể mất nhiều thời gian hơn.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi vừa trả lời phỏng vấn về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Chứng khoán; luật Kế toán; luật Kiểm toán độc lập; luật Ngân sách nhà nước; luật Quản lý, sử dụng tài sản công; luật Quản lý thuế; luật Dự trữ quốc gia (dự án 1 luật sửa 7 luật).

Bị kêu hoàn thuế chậm, Bộ Tài chính có động thái mới- Ảnh 1.

Chậm trễ hoàn thuế cho doanh nghiệp đã và vẫn đang là vấn đề nhức nhối, chưa thực sự được giải quyết thỏa đáng

ẢNH: NGỌC THẮNG

Liên quan tới đề xuất sửa quy định về thẩm quyền quyết định hoàn thuế trong luật Quản lý thuế sửa đổi (đề xuất bổ sung thêm đối tượng quyết định hoàn thuế là chi cục trưởng chi cục thuế và Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn thuộc Tổng cục Thuế - PV), ông Chi cho biết: theo luật Quản lý thuế hiện hành, chỉ có cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có thẩm quyền xem xét, quyết định hoàn thuế.

Nhưng thực tế, việc thu thuế, xử lý hồ sơ thuế được thực hiện không chỉ ở cục thuế mà ở cả các chi cục thuế.

“Nếu thực hiện hoàn thuế như quy định hiện nay thì quy trình, thủ tục và phối hợp giữa cục thuế với chi cục thuế trong xử lý hoàn thuế có thể mất nhiều thời gian hơn. Khi phân cấp cho các chi cục thuế và chi cục trưởng chi cục thuế có thẩm quyền xem xét, hoàn thuế đối với những hồ sơ thuế mà chính mình được giao quản lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian xem xét hoàn thuế, nâng cao trách nhiệm của cấp quản lý thuế trực tiếp người nộp thuế”, ông Chi phân tích.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, nhận thấy khi thực hiện phân cấp, phân quyền như vậy sẽ phát sinh các thách thức, Bộ Tài chính phải tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện tại các cục thuế, chi cục thuế, đồng thời nâng cao năng lực, trình độ cho các cán bộ thuế ở các chi cục để thực hiện đúng các quy định của pháp luật, tránh rủi ro phát sinh hoặc trục lợi trong quá trình hoàn thuế. Nội dung này đã được đề xuất trong dự thảo sửa luật Quản lý thuế.

"Điều này cũng đúng với trường hợp Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn có thẩm quyền hoàn thuế; doanh nghiệp lớn, người nộp thuế khi thực hiện các thủ tục liên quan đến hoàn thuế chỉ cần làm việc với Cục Thuế doanh nghiệp lớn, góp phần rút ngắn thời gian hoàn thuế, giảm bớt thủ tục hành chính", ông Chi nói.

Cách làm hiện tại khiến chi cục thuế và cục thuế đùn đẩy trách nhiệm

Trước đó, trong hồ sơ dự án 1 luật sửa 7 luật mà Bộ Tài chính gửi sang Bộ Tư pháp xin ý kiến thẩm định, Bộ Tài chính cũng thuyết minh, làm rõ nhiều nội dung liên quan sửa đổi, bổ sung luật Quản lý thuế, điển hình là sửa đổi quy định về thẩm quyền quyết định hoàn thuế.

Bộ Tài chính nêu rõ, theo quy định tại điều 72 luật Quản lý thuế, cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế đối với các trường hợp được hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Trong khi đó, tại khoản 1 điều 76 luật Quản lý thuế quy định về thẩm quyền quyết định hoàn thuế như sau: "Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cục trưởng cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư quyết định việc hoàn thuế đối với trường hợp hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế".

Như vậy, khoản 1 điều 76 luật Quản lý thuế chỉ có quy định cục trưởng cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có thẩm quyền quyết định hoàn thuế đối với trường hợp hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Căn cứ Quyết định số 15/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung khoản 1 điều 3 Quyết định số 41/2018/QĐ- TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế; Quyết định số 1968/QĐ-BTC quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thuế doanh nghiệp lớn thì Cục Thuế doanh nghiệp lớn là cơ quan quản lý thuế trực tiếp đối với các doanh nghiệp được Bộ Tài chính phân công quản lý.

Do Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn không có thẩm quyền quyết định hoàn thuế đối với trường hợp hoàn thuế theo pháp luật thuế nên một số tập đoàn, tổng công ty lớn mặc dù đã được Bộ Tài chính phân công cho Cục Thuế doanh nghiệp lớn quản lý nhưng khi phát sinh hoàn thuế giá trị gia tăng lại phải chuyển về cho các cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế.

"Quy định về thẩm quyền quyết định hoàn thuế nêu trên chưa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, dẫn đến việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế chậm và tác động đến hoạt động hoàn thuế, người nộp thuế, các tổ chức, cá nhân có liên quan", Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Đối với người nộp thuế do chi cục thuế trực tiếp quản lý, hồ sơ hoàn do chi cục thuế tiếp nhận nhưng chi cục trưởng chi cục thuế lại không có thẩm quyền quyết định hoàn thuế.

Theo quy định tại điểm a khoản 2 điều 2 luật Quản lý thu, cơ quan thuế bao gồm Tổng cục Thuế, cục thuế, chi cục thuế, chi cục thuế khu vực.

Căn cứ quy định hiện hành, thực tế hiện nay, cục thuế có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hoàn thuế thuộc trường hợp hoàn thuế theo pháp luật thuế, trừ hoàn thuế dự án đầu tư, hoàn thuế khi chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động; đồng thời trừ cục thuế tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai.

Đây là các địa bàn có số lượng doanh nghiệp hoàn thuế lớn, cục thuế giao chi cục thuế tiếp nhận và giải quyết một phần công việc, sau đó chuyển toàn bộ hồ sơ cho cục thuế giải quyết và ban hành quyết định hoàn thuế theo thẩm quyền của luật Quản lý thuế, do chỉ có cục trưởng cục thuế mới có thẩm quyền quyết định hoàn thuế.

Theo Bộ Tài chính, thực hiện quy định này dẫn đến phát sinh vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện. Cụ thể, thời gian giải quyết hồ sơ hoàn thường kéo dài và có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa chi cục thuế và cục thuế.

Nguyên nhân là do người nộp thuế không thuộc cục thuế quản lý nhưng cục trưởng cục thuế lại phải quyết định hoàn thuế. Từ đó, cục thuế phải yêu cầu chi cục thuế giải trình, cung cấp, làm rõ đầy đủ, thông tin, tài liệu nhằm tránh rủi ro cho công chức tại cục thuế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.