Bị khống chế đưa vào bệnh viện tâm thần

04/10/2011 01:28 GMT+7

Dắt xe ra cửa chuẩn bị đi làm, người đàn ông bị 4 thanh niên lạ mặt xuất hiện, áp tải đưa lên xe trực chỉ Bệnh viện (BV) Tâm thần…

Nhận được điện thoại kêu cứu của ông M.V.T (68 tuổi, ngụ Q.1, TP.HCM) về việc bỗng dưng bị bắt đưa vào BV Tâm thần TP, cả Công ty Công nghệ mới (Ecotec), nơi ông T. đang làm việc hết sức bất ngờ vì lâu nay không ai thấy ông T. biểu hiện bệnh tâm thần. Ngay sau đó, Giám đốc Ecotec trực tiếp vào BV để can thiệp, định bảo lãnh cho ông T. ra, nhưng không được, vì quy định: chỉ có người nào đưa bệnh nhân (BN) vào viện ký giấy đồng ý nhận người thân về, thì BV mới cho BN ra.

''Chúng tôi chỉ đạo BS khám, kiểm tra, và nhận thấy trường hợp ông T. chưa có sự kích động có thể gây nguy hiểm gì cho ông và người thân, nên ngày hôm sau BV có gọi người nhà đưa ông về. Thế nhưng, người nhà bảo chưa thu xếp được - BS Trịnh Tất Thắng, Giám đốc BV Tâm thần TP.HCM

Đang đi làm thì bị áp tải lên taxi

Nhận được thông tin, ngày 1.10, PV Thanh Niên đi cùng những người làm việc chung công ty với ông T. vào BV Tâm thần. Theo lời ông T. kể với các đồng nghiệp, vụ việc xảy ra như sau:

Ngày 29.9, khi ông vừa dắt xe ra cửa đi làm thì có 4 thanh niên lạ mặt xuất hiện, và hỏi: “Bác có phải bác T. không?”. Khi ông vừa trả lời: “Ừ, tôi đây. Có việc gì không?”, thì lập tức 4 thanh niên khống chế, áp tải đưa ông lên xe taxi, chở thẳng vào BV Tâm thần TP. Khi đến trước cửa BV, ông T. chỉ kịp gọi một cuộc điện thoại báo cho đồng nghiệp biết sự việc và nhờ giúp đỡ, rồi sau đó bị đưa vào cùng các BN tâm thần khác và bị giữ luôn ở đó.

Cũng theo ông T., khi bị đưa vào BV, vợ ông bảo ông bị bệnh tâm thần, còn ông thì bảo mình không bệnh, nhưng bác sĩ (BS) vẫn đưa ông hai viên thuốc bảo uống. “Tôi không uống, họ lấy thuốc lại và cho người trói tôi, chích thuốc mà chẳng biết thuốc gì. Sau đó, cứ ngày hai lần, họ lại bắt uống thuốc”, ông T. kể.

Sáng 3.10, chúng tôi quay trở lại BV Tâm thần, ông T. vẫn bị “nhốt” ở khu A cùng các BN khác. Chứng kiến cảnh ông T. phải “nằm viện” với vài chục BN tâm thần, chúng tôi không khỏi ái ngại. Nếu người không bệnh bị "nhốt" kiểu này cũng dễ… điên. Lúc chúng tôi đến, ông T. đang nói chuyện với ông D. (một đồng nghiệp vào thăm ông). Nói chuyện rất từ tốn, nhỏ nhẹ, ông T. cho biết, ông không có một người thân nào khác ngoài vợ và các con. Ông D. khẳng định: “Ông T. là người rất giỏi, tỉnh táo, nên đang được hai công ty, tại Q.1 mời làm cố vấn chuyên môn. Ông ấy mà tâm thần gì”.

Tương tự, ông N.P.Đ (Công ty Ecotec) cũng tỏ ra khó hiểu: “Tôi khẳng định ông T. bình thường, không hề có biểu hiện bệnh tâm thần. Trước đây ông T. là giảng viên trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, gần đây ông được mời làm chuyên viên cho Công ty Ecotec. Ông rất giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực ngoại thương. Hiện ông đang làm việc ở bộ phận triển khai dự án về trồng lúa, dạy nghề, thương mại”.

Ông N.V.T - cố vấn Công ty Ecotec, bức xúc: “Khi Ban giám đốc công ty chúng tôi vào gặp Ban giám đốc BV Tâm thần, thì chính bác sĩ Giám đốc cũng nói ông T. không bệnh tâm thần, và nói sẽ cho ông T. về...”.


Ông T. (áo trắng, ngồi) đang ở BV Tâm thần TP - Ảnh: L.Nga

Cần có quy định rõ ràng

Tiếp xúc với chúng tôi, BS Trịnh Tất Thắng - Giám đốc BV Tâm thần TP, cho biết sau khi ông T. được người thân đưa vào BV ngày 29.9, vì cho rằng ông có những biểu hiện bệnh tâm thần, thì một số đồng nghiệp của ông có vào và nói ông T. không bị bệnh, mà có những chuyện liên quan đến gia đình. “Chúng tôi chỉ đạo BS khám, kiểm tra, và nhận thấy trường hợp ông T. chưa có sự kích động có thể gây nguy hiểm gì cho ông và người thân, nên ngày hôm sau BV có gọi người nhà đưa ông về. Thế nhưng, người nhà bảo chưa thu xếp được”, BS Thắng nói.

Vậy, nếu một ai đó bị người thân áp tải đưa vào yêu cầu cho nhập viện nhằm mưu đồ gì đó thì BV cũng tiếp nhận và cho họ nhập viện hay sao?

Bác sĩ Trịnh Tất Thắng: Với những trường hợp bình thường, khi khám, nhận thấy không có bệnh, BS sẽ cho về, hoặc chỉ cần điều trị ngoại trú; một số trường hợp cần nhập viện theo dõi, điều trị. Nhưng, không như một số bệnh khác xét nghiệm, chụp chiếu có thể cho kết quả bệnh rõ ràng, bệnh tâm thần có nhiều trường hợp rất khó xác định ngay. Nhiều ca bệnh rất kín kẽ, thường ngày họ vẫn làm việc, giao tiếp bình thường; và 90% người có bệnh tâm thần luôn phản đối, cho rằng mình không bệnh khi có yêu cầu nhập viện. Ngoài ra, hiện nay còn có những trường hợp rất phức tạp - có trường hợp giả vờ bệnh tâm thần; hoặc bị người thân đưa vào BV, cung cấp thông tin cho BV sai sự thật, cả hai là nhằm mục đích riêng nào đó, thì sẽ gây nhiều khó khăn cho BS, cần thời gian theo dõi, xác định bệnh hay không.

Với trường hợp bị người thân áp tải đưa vào viện, nhưng sau đó xác định họ không có bệnh, hoặc không cần nhập viện, như trường hợp của ông T., thì cũng phải đợi người đã đưa họ vào viện ký nhận về. Nhưng, nếu người thân lấy lý do gì đó mà chậm trễ hoặc không đến ký bảo lãnh thì sao?

BS Trịnh Tất Thắng: Đây là điều lâu nay những người làm chuyên môn chúng tôi cần có luật quy định rõ ràng, BS hay người nhà BN quyết định chính cho BN về trong trường hợp này? Bởi, nếu BV cho về mà không có mặt, ký nhận của người đưa vào, lỡ có chuyện gì đó thì người nhà sẽ đổ lỗi cho BV. Cũng có những trường hợp, khi BV xác định không có bệnh mà người đưa BN vào viện không đến bảo lãnh về thì BV phải làm việc với địa phương, hay ngành LĐ-TB-XH để đưa BN ra khỏi BV.

Lỗ hổng pháp luật hết sức nguy hiểm!

Trao đổi với Thanh Niên, Luật sư Nguyễn Văn Đức - Công ty Luật TNHH MTV Biển Đông, phân tích: “Hiện nay, ở VN cũng như các nước trên thế giới, một người vào BV tâm thần có thể thuộc một trong ba dạng sau: nhập viện tự nguyện; nhập viện theo yêu cầu của người khác (thường được gọi là người thứ ba, ngoài BN và pháp luật); nhập viện bắt buộc theo yêu cầu của cơ quan tố tụng. Trường hợp của ông T. nói trên, rơi vào dạng thứ hai.

Ở các nước u, Mỹ, pháp luật quy định rất chặt chẽ về trường hợp người nhập viện theo yêu cầu của người khác. Người yêu cầu người khác vào BV phải có quan hệ rõ ràng với BN, sẵn sàng chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật nếu yêu cầu của họ bị phát hiện là có ý đồ xấu, phi y tế. Ngay cả BS được giao nhiệm vụ tiếp nhận BN cũng phải xác định có cần thiết nhập viện hay không theo quy định chuyên môn nghiệp vụ. Khi ký giấy cho họ nhập viện, BS phải chịu trách nhiệm liên đới về việc điều trị của mình.

Ở nước ta, tại điều 12, Luật Khám chữa bệnh có quy định về quyền được từ chối chữa bệnh và ra khỏi cơ sở khám bệnh chữa bệnh. Tuy nhiên, quy định này còn chung chung, chưa có hướng dẫn cụ thể. Cho nên, một khi xảy ra tranh chấp giữa người đưa BN vào viện với những người thân thích còn lại, cơ sở y tế bị mắc “kẹt”. Trường hợp người ký đưa vào không đồng ý cho ra thì người bị đưa vào BV không thể ra được, kể cả họ được xác định không bị bệnh tâm thần. Đây là một kẽ hở của pháp luật hết sức nguy hiểm, một số đối tượng xấu có thể lợi dụng điều này để đưa người vào BV tâm thần, với ý đồ tước đoạt quyền tự do, xâm phạm đến quyền nhân thân của họ. Ở ta đã từng xảy ra những trường hợp như vậy, và hậu quả pháp lý để lại cũng hết sức nặng nề, nên theo tôi, đã đến lúc cần xây dựng luật về sức khỏe tâm thần quy định cụ thể, chặt chẽ vấn đề này”.

Lê Nga - Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.