Chiều đó, cả xóm được dịp xôn xao khi thấy hơn 10 chiến sĩ công an ập vào nhà Dũng để khám và bắt người.
Lát sau, người ta thấy Dũng được giải đi. Phía sau Dũng là người mẹ có đôi mắt mệt mỏi đứng thẫn thờ. Đây là cái ngày chị đã mong chờ từ lâu, vậy mà, đến khi nó diễn ra, người mẹ ấy vẫn còn nguyên sự bàng hoàng, xa xót…
Thân cò lặn lội nuôi con
Chị Hoa, mẹ Dũng vốn là gái quê vào thành phố lập nghiệp. Thời con gái, chị lập gia đình với một người cùng thôn rồi sinh đứa con trai đầu lòng.
Cuộc hôn nhân sớm kết thúc khi người chồng tối ngày cờ bạc, đánh đập chị. Bỏ lại tất cả ở quê, chị Hoa bồng con trai hãy còn bé bỏng vào thành phố mưu sinh. Chị làm đủ nghề, từ mua bán cá mắm tới cho vay nhỏ lẻ… cốt để lo cho mình và con trai có cái ăn, cái mặc.
tin liên quan
Bức thư cuối cùng của người mẹ ung thư không hóa trị để giữ conNhững tâm sự của thiếu úy 25 tuổi Đậu Thị Huyền Trâm thai phụ ung thư giai đoạn cuối nhưng kiên quyết không hóa trị, trong những ngày cuối cùng trên cuộc đời, khiến người đọc không thể cầm nước mắt.
Trong quá trình làm ăn, chị gặp người đàn ông thứ hai trong cuộc đời, đem lòng yêu và xây dựng tổ ấm với người này. Đứa con trai thứ 2 của chị ra đời, nhỏ hơn đứa lớn 5 tuổi. Chị Hoa những tưởng, hạnh phúc đã được định hình dưới nếp nhà nhỏ có tiếng cười, nói của hai đứa con kháu khỉnh, với người chồng mà chị hết mực yêu thương.
Người chồng mới này của chị, ít nhất không cờ bạc, không đánh đập vợ con như người trước. Anh có vẻ ngoài khá điển trai và ít nói, chỉ đi làm rồi về nhà chăm sóc gia đình. Mọi chuyện yên ổn cho đến khi anh thổ lộ với vợ mong muốn được về Bắc thăm gia đình một chuyến. Anh muốn đi một mình trước rồi chuyến sau mới dẫn vợ con về. Chị Hoa đồng ý và gom góp tiền bạc cho chồng đi xa.
Thế nhưng, chuyến đi của anh dài hơn dự tính rất nhiều lần. Sau nhiều tháng trông đợi, chị nghe thông tin anh về quê gặp lại tình yêu đầu đời và ở lại luôn với người đó. Chị Hoa bấm bụng yêu cầu anh vào giải quyết mọi việc, giấy tờ ly hôn và phân chia tài sản rạch ròi. Một mình chị ôm hai đứa con trai nuôi nấng, anh chấp nhận ra đi tay trắng để không còn dính líu gì.
Nhớ lại quãng thời gian nuôi con trong cơ cực, chị Hoa nghẹn ngào trải lòng: “Tôi đã không tiếc gì thân mình, chạy chợ mỗi ngày dù nắng dù mưa để nuôi tụi nó. Tối đến, có mệt đến mấy tôi cũng chở mấy đứa nhỏ đi học thêm đàng hoàng. Cũng ăn, cũng học như người ta mà sao tụi nó trở thành thế này…”.
Cả hai đứa con trai của chị lớn lên đều quậy phá, nghiện ngập, riêng đứa con trai út còn sa đà vào đường dây mua bán ma tuý.
Làm ơn, cho con tôi đi tù với!
Nuôi 2 đứa con học hết cấp 3 thì không có đứa nào… học lên tiếp đại học hay cao đẳng, trung cấp. Đứa lớn dù sức trai dài rộng cũng chỉ thích nằm thõng thượt ở nhà để mẹ nuôi và ăn chơi. Đứa nhỏ thì bắt đầu đua đòi theo bạn xấu, xăm trổ đầy mình rồi đi đánh nhau đủ kiểu.
Chị Hoa cứ nghĩ, lỗi là do mình vì đã không cho chúng được một gia đình đúng nghĩa, không giữ được người cha để ở bên chúng lúc tuổi dậy thì nổi loạn. Nghĩ vậy nên con có hư đến đâu, chị vẫn tha thứ và bao che, chiều chuộng.
Nhưng rồi, việc gì đến cũng đến. Đồ đạc giá trị trong nhà lần lượt đội nón ra đi. Chiếc xe máy của chị cũng được đưa đến tiệm cầm đồ không biết bao nhiêu lần. Đến khi bí quá, chị buông luôn, không chuộc xe về nữa. Mua lại cái xe cà tàng để đi làm kiếm cơm mà chị cũng không dám để trong nhà, phải gửi hàng xóm ở đầu đường rồi đi bộ về.
Hy vọng về cuộc sống tươi đẹp lại dấy lên lần nữa khi cả hai cậu ấm của chị lần lượt đòi lấy vợ sớm vì bạn gái đã có bầu. Chị nghĩ, có vợ có con, tự khắc chúng sẽ tu chí làm ăn.
Thế nhưng, sau khi cưới vợ cho con, chị lại phải tiếp tục nuôi cả hai đứa con dâu và hai đứa cháu. Nồi nào vung nấy, cả hai con dâu chị cũng thuộc hàng ăn chơi, lười lao động. Tệ hơn nữa, thằng con trai út ngày càng dấn sâu vào nghiện ngập.
Hết cách, chị nhiều lần lên công an phường van xin công an tới bắt con mình, cho nó “được” đi tù, để cách ly đám bạn xấu và có thể cai nghiện trong tù luôn. Sau một thời gian theo dõi, lực lượng công an đã đến khám nhà và bắt giữ Dũng để điều tra về một đường dây mua bán ma tuý đá.
Khẽ đưa tay chùi nước mắt, chị Hoa chia sẻ: “Có lẽ, tôi đã sai trong cách nuôi dạy con. Cứ nghĩ đến việc bù đắp về vật chất cho chúng, rằng đến ngày chúng sẽ hiểu và thương mình sẽ không xa đâu. Tôi đã quên mất, việc dạy dỗ chúng làm người lương thiện, tử tế như thế nào… Tôi đã quá chủ quan khi nghĩ chúng sẽ lo ăn học vì thấy mẹ bươn chải khổ cực ra sao. Giờ thì muộn rồi. Mà muộn còn hơn không. Ít nhất, nó đi tù thì còn có cơ hội được sống, được trở về để chí thú làm ăn. Đứa con thứ hai của nó mới được có mấy ngày tuổi…”.
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Bình luận (0)