Bi kịch dân kiện quan đòi đầm

19/02/2012 03:19 GMT+7

Dồn hết tâm sức của cả gia đình vào làm đầm ở Tiên Lãng, để rồi cuối cùng, ông Lê Đình Thảo (SN 1955) đã ra đi tức tưởi sau vụ kiện không thành.

Năm 1989, ông Thảo được giao 70 ha đất ở bãi Gảnh Chè, ven sông Văn Úc, xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Ông Thảo huy động nhân công, vay tiền đắp đê, cải tạo bãi sình lầy thành đầm nuôi tôm, cua, trên bờ thả gà, lợn.

Năm 1992, UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định giao 70 ha đầm cho ông Thảo với thời hạn 12 năm. Gia đình ông tiếp tục đổ công sức, tiền bạc vào cải tạo khu đầm, ông từng được tặng nhiều bằng khen, giấy khen biểu dương mô hình làm kinh tế giỏi.

Khi việc nuôi trồng thủy sản đi vào ổn định thì ngày 31.12.2004, UBND huyện Tiên Lãng ra Quyết định số 1588 thu hồi đầm của ông Thảo. Theo đó, ông phải bàn giao toàn bộ 70 ha đầm cho UBND xã Tiên Thắng mà không được bồi thường. Ông Thảo khiếu nại nhưng chính quyền bác đơn, ông nộp đơn khởi kiện quyết định của Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng ra TAND huyện này vào tháng 1.2007.

Nhưng tại bản án hành chính sơ thẩm ngày 22.3.2007, TAND huyện đã tuyên bác đơn của ông Thảo. Ông Thảo kháng cáo. Ngày 15.5.2007, TAND TP.Hải Phòng xử phúc thẩm tuyên y án, bác đơn kháng cáo của ông Thảo.


Con trai ông Thảo chỉ vào khu đầm trước đây gia đình đã từng cải tạo, khi hết hạn, huyện Tiên Lãng cưỡng chế thu hồi, hiện nay xã Tiên Thắng đã cho các hộ khác thuê - Ảnh: Thiên Bình

Viện trưởng Viện KSND tối cao cũng... thua

Không bỏ cuộc, người nông dân dành cả đời cải tạo đầm đã làm đơn khiếu nại gửi lên Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng Viện KSND tối cao xin xem xét lại vụ kiện theo thủ tục giám đốc thẩm.

Sau khi nhận được đơn và hồ sơ án của ông Thảo, ngày 24.8.2007, Viện trưởng Viện KSND tối cao ra quyết định kháng nghị, đề nghị Tòa hành chính TAND tối cao tuyên hủy bản án phúc thẩm của TAND TP.Hải Phòng và bản án sơ thẩm của TAND huyện Tiên Lãng, để xét xử lại vụ án từ đầu. Trong quyết định kháng nghị, Viện KSND tối cao đã đưa ra những căn cứ pháp lý: Khi bị thu hồi đất, ông Thảo thuộc diện được đền bù theo khoản 2 điều 39 luật Đất đai 2003; Căn cứ thứ 2, thời hạn giao đất nuôi trồng thủy sản là 20 năm, nếu giao đất trước ngày 15.10.1993 thì thời hạn giao đất được tính từ ngày 15.10.1993, với thời hạn 20 năm. Như vậy, khu đầm của ông Thảo đến 15.10.2013 mới hết thời hạn.

Ngày 16.12.2007, Tòa hành chính TAND tối cao mở phiên tòa theo trình tự giám đốc thẩm, ra quyết định không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao.

Ông Thảo lại tiếp tục gửi đơn khiếu nại, ngày 31.1.2008, Viện trưởng Viện KSND tối cao một lần nữa ra kháng nghị, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hủy quyết định giám đốc thẩm trong phiên tòa ngày 16.12.2007 và các bản án của TAND TP.Hải Phòng, TAND huyện Tiên Lãng để xét xử lại từ đầu.

Ngày 3.4.2008, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao mở phiên tòa giám đốc thẩm lần thứ 2, nhưng kết quả vẫn như phiên xử trước: bác kháng nghị của Viện KSND tối cao.

Căn cứ mà TAND tối cao tuyên bác kháng nghị của Viện KSND tối cao là: Nhà nước chỉ quy định bồi thường khi thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh… trường hợp thu hồi đất của ông Thảo không phải nhằm mục đích này nên không được bồi thường; về thời hạn 12 năm hay 20 năm, TAND tối cao cho rằng năm 1992, UBND huyện Tiên Lãng giao đất 12 năm là đúng pháp luật.

Sau khi cấp tòa cao nhất tuyên bác kháng nghị của Viện KSND tối cao, tháng 5.2008, UBND huyện Tiên Lãng đã cưỡng chế thu hồi đất của ông Thảo. Vì quá uất ức và thất vọng, sức khỏe ông Thảo ngày một yếu, ngày 30.7.2009, ông Thảo đã qua đời ở tuổi 54.

“Trước khi bố tôi mất, bố tôi dặn lại chúng tôi, các con phải làm đúng pháp luật, để kiến nghị các cấp, làm cho các cấp các ngành hiểu đúng, trả lại hoặc bồi thường cho khu đầm mà gia đình mình đã đổ cả mồ hôi, máu và nước mắt để làm nên”, ông Phạm Văn Đoàn, con rể của ông Thảo tâm sự với Thanh Niên như vậy.

Thiên Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.