Vụ ông già 77 tuổi tự sát ở Hy Lạp đã trở thành chuyện chung của cả nước và bộc lộ tình cảnh khó khăn của người dân trong khủng hoảng tài chính và chính sách thắt lưng buộc bụng. Nó đồng thời cũng cho thấy cho dù lối thoát khỏi khủng hoảng đã được chỉ ra và Hy Lạp không thể bị EU bỏ rơi, quá trình này vẫn còn rất khó khăn và kéo dài. Cái giá mà Athens còn phải trả vẫn rất đắt.
Sự tuyệt vọng đã đẩy ông già về hưu được giấu tên đến quyết định tự kết liễu công khai ngay giữa đường phố. Tuyệt vọng vì nợ nần đến mức không thể trả nổi và tuyệt vọng vì không tin tương lai rồi sẽ tốt đẹp hơn. Bi kịch riêng trong bối cảnh hiện tại lại được gắn vào số phận chung của cả Hy Lạp. Một đất nước phải viện đến trợ giúp tài chính của bên ngoài để tránh vỡ nợ như Hy Lạp thì làm sao có đủ khả năng và tiềm lực để ngăn chặn bi kịch kia trở thành số phận của một bộ phận nhất định trong dân chúng. Một đất nước phải thi hành chính sách tiết kiệm ngặt nghèo, thắt lưng buộc bụng tối đa, cắt giảm phúc lợi xã hội, không tăng lương để đổi lấy cứu trợ như Hy Lạp thì làm sao có thể giải thoát những người dân lâm vào thảm cảnh.
Mỗi con người có số phận riêng và tự chịu trách nhiệm với cuộc đời mình. Nhưng con người là bộ phận của xã hội và nhà nước có trách nhiệm đối với cuộc sống của họ. Bi kịch riêng có thể có tác động cảnh tỉnh trách nhiệm của nhà nước và xã hội đối với số phận riêng của mọi thành viên.
Thảo Nguyên
Bình luận (0)