Thế giới người mẫu đen tối (kỳ 2)

Bị lợi dụng khi muốn nổi tiếng

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
22/06/2023 06:00 GMT+7

Mặc dù người mẫu thúc đẩy ngành công nghiệp thời trang toàn cầu trị giá 2,5 nghìn tỉ USD phát triển nhưng họ vẫn phải vật lộn để tồn tại ở New York.

Không giống như các công ty tìm kiếm tài năng ở Hollywood, được cấp phép, được quản lý và nhận mức hoa hồng tối đa là 10%, các công ty người mẫu như NEXT, Wilhelmina được coi như các đại lý và được hưởng một khoản thanh toán riêng theo Luật lao động của từng tiểu bang.

Các công ty quản lý người mẫu thường sử dụng "giấy ủy quyền", có thể thay mặt họ chấp nhận các khoản thanh toán một cách hợp pháp và khấu trừ các chi phí như tiền thuê nhà (thường rất cao) nhưng không đạt tiêu chuẩn và cũng không có nghĩa vụ phải trình bày chi tiết trong bảng kê kế toán.

Đôi bên đều lợi dụng nhau - Ảnh 1.

Hậu trường show thời trang Paris Fashion Week 2022

VOGUE

Tệ hơn nữa, các công ty người mẫu hàng đầu thường lùng sục các trại tị nạn và phòng khám rối loạn ăn uống để tìm kiếm những gương mặt mới, sử dụng các hợp đồng nhiều năm, tự động gia hạn hợp đồng. Kết quả là, ngay cả những người mẫu làm việc thường xuyên cũng thấy mắc nợ công ty quản lý của họ, khiến họ dễ bị những kẻ săn mồi như Harvey Weinstein và Jeffrey Epstein - hai "ông trùm" gắn bó mật thiết với thế giới thời trang. Weinstein bị kết án tội hiếp dâm, trong khi Epstein quá cố đã ngồi tù 13 tháng vì gạ gẫm quan hệ tình dục với một bé gái mới 14 tuổi.

Cựu người mẫu Sara Ziff, người đã thành lập Liên minh Người mẫu vào năm 2012, cho biết: "Ngành công nghiệp người mẫu thực sự có một số trường hợp đã trở thành buôn người - buôn bán lao động và buôn bán tình dục. Sự thiếu minh bạch, mất cân bằng quyền lực, tính dễ bị tổn thương của những phụ nữ nhập cư chủ yếu là trẻ tuổi trở thành miếng mồi ngon để bóc lột".

Sau một thập kỷ vận động, Sara Ziff đang trên đà mở ra sự thay đổi có ý nghĩa trong ngành công nghiệp người mẫu. Vào ngày 8.6.2023, Thượng viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Công nhân thời trang, đạo luật này sẽ đóng lỗ hổng pháp lý, buộc các công ty quản lý không thể trốn tránh trách nhiệm giải trình. Dự luật sẽ thiết lập nghĩa vụ ủy thác cho các cơ quan hành động vì lợi ích tốt nhất cho giới người mẫu, cung cấp cho họ bản sao hợp đồng và bảo vệ sức khỏe cũng như sự an toàn bằng cách thiết lập chính sách không khoan nhượng đối với hành vi lạm dụng.

Quốc hội đã không bỏ phiếu về dự luật trước khi phiên họp lập pháp kết thúc vào ngày 9.6. Nhưng với sự ủng hộ của lưỡng đảng đối với dự luật và những người nổi tiếng ủng hộ như Beverly Johnson và Helena Christensen, Sara Ziff vẫn hy vọng rằng nó sẽ được thông qua khi Quốc hội dự kiến sẽ họp lại sau tháng này.

Cho đến nay, 3 công ty quản lý tài năng lớn của Hollywood là WME, CAA và UTA đứng ngoài cuộc, không ủng hộ cũng không chống lại dự luật mặc dù tất cả đều có bộ phận người mẫu. Ziff cho biết: "Tôi rất muốn WME, CAA và UTA ủng hộ dự luật".

Mặc dù Hollywood đã có những nỗ lực đáng kể để làm trong sạch sau chiến dịch #MeToo vào năm 2017, nhưng ngành công nghiệp người mẫu vẫn chậm thay đổi.

Thành công trong nghề người mẫu thường đóng vai trò là cửa ngõ dẫn đến diễn xuất. Brad Pitt, Channing Tatum, Charlize Theron đều bắt đầu sự nghiệp với tư cách là người mẫu. Nhưng có những điểm khác biệt lớn giữa hai ngành, đó là các diễn viên được liên kết thông qua SAG-AFTRA (Nghiệp đoàn diễn viên Mỹ) nên có các biện pháp bảo vệ an toàn trên phim trường. Trớ trêu thay, tình trạng trung chuyển của thế giới người mẫu đến Hollywood lại tạo ra môi trường chín muồi đầy kẽ hở cho việc lạm dụng. Nhiều nhân vật quyền lực của Hollywood bị hạ gục bởi những cáo buộc về hành vi sai trái tình dục, bao gồm Weinstein, Bill Cosby, Brett Ratner… bị cáo buộc là con mồi của những người mẫu với hy vọng thực hiện quá trình chuyển đổi từ người mẫu thành diễn viên.

Ambra Gutierrez là một trong những người mẫu như vậy với hy vọng lấn sân sang lĩnh vực diễn xuất. Cô mới 22 tuổi và hầu như không nói được tiếng Anh khi từ Ý đến New York.

Một ngày nọ vào năm 2015, người đại diện đã gửi email cho cô để thông báo rằng anh ta đã đặt cho Ambra một buổi "tuyển diễn viên định kỳ" tại Weinstein Co. "Tôi đến văn phòng và về cơ bản đã bị hành hung trong vòng hơn ba giờ", cô kể.

Đôi bên đều lợi dụng nhau - Ảnh 2.

Cựu người mẫu Sara Ziff

SALON

Câu chuyện của Ambra cuối cùng đã trở thành chứng cứ phơi bày tội lỗi của Weinstein qua bài viết của Ronan Farrow trên tờ The New Yorker. Weinstein phủ nhận việc từng tham gia vào bất kỳ hành vi tình dục trái phép nào. Ambra Gutierrez lưu ý rằng những người mẫu như cô thấy mình ngay lập tức thành quả bóng khi họ bắt đầu vào nguồn máy kinh doanh béo bở này.

"Công ty sắp đặt họ ở trong căn hộ dành cho người mẫu. Họ trả tiền vé máy bay. Công ty không bao giờ tiết lộ người mẫu có giá bao nhiêu. Họ trả tiền cho thị thực của bạn. Vì vậy, khi bạn đến với họ là đang mắc nợ 15.000 USD", Ambra cho biết.

Việc lên tiếng về chuyện bị lạm dụng tình dục thường gặp phản đối. Gutierrez nói cô bị Victoria's Secret, một thương hiệu mà cô làm người mẫu, đưa vào danh sách đen sau khi những lời cáo buộc Weinstein của cô được đưa ra ánh sáng, gọi công ty là "đạo đức giả" vì tuyên bố là một thương hiệu trao quyền cho phụ nữ trong khi lại cắt đứt mối quan hệ với cô. Người đại diện Victoria's Secret từ chối bình luận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.