Bí mật bất ngờ về 3 chiếc ngai vàng của vương triều Nguyễn

01/08/2021 12:16 GMT+7

Hiện nay, trong số ngai vàng của vương triều Nguyễn chỉ còn tồn tại 3 chiếc ở cố đô Huế với nhiều bí mật khác nhau.

Nói đến ngai vàng của vương triều Nguyễn, có nhiều người thắc mắc không biết chúng được làm bằng chất liệu gì, thậm chí có người còn nghĩ được làm bằng vàng ròng. Thực ra ngai vàng chỉ là biểu tượng cho quyền lực cao nhất của một vương triều, còn về chất liệu thực tế nói chung thì kể cả ở Trung Hoa, chúng đều được làm bằng gỗ quý, riêng ở Việt Nam còn được sơn son thếp vàng.
Hiện nay tại Huế, ngai vàng của vương triều Nguyễn còn lưu giữ và bảo tồn 3 chiếc, trong đó một chiếc ở điện Thái Hòa, một chiếc đang được lưu giữ ở Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, một ở Triệu Miếu (theo Nguyễn Phúc Tộc thế phả đang được thờ ở Triệu Miếu). Đặc biệt chiếc ngai ở điện Thái Hòa hiện đã được công nhận là bảo vật quốc gia.

Chiếc ngai vàng đang được lưu giữ ở Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế

Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh

Về kiểu dáng và trang trí của 3 ngai vàng, nhìn chung về cơ bản là giống nhau, như ở trên là lưng ngai và tay ngai, hai bên tay ngai được trang trí hai đầu rồng đưa ra phía trước; ở dưới là đế ngồi với bề mặt là hình chữ nhật, tại bốn chân ngai và diềm trước sau đều có mặt hổ phù.
Điểm khác nhau cho thấy ở phần lưng ngai, như chiếc ngai ở điện Thái Hòa là miếng gỗ hình chữ nhật có chạm rồng, rồi được viền liên kết với phía dưới lưng ngai là một diềm chạm lộng hình dây lá cúc hóa dơi, hai bên tay ngai để trống. Còn 2 chiếc ngai kia thì khá giống nhau, như trên lưng ngai là hình tượng mặt trời, phía dưới là hai chữ thọ, hai bên là hai rồng trong tư thế đạp mây. Nhìn chung chiếc ngai ở điện Thái Hòa đơn giản hơn 2 chiếc ngai còn lại.
Điều khó hiểu ở đây, điện Thái Hòa là nơi thiết triều và cũng là nơi tiếp sứ giả các nước, nhưng chiếc ngai ở đây lại không có hình mặt trời, trong khi 2 ngai kia đều tỏ rõ hoàng đế còn tương ứng với mặt trời. Tiếp đến về kích thước thì chiếc ngai ở điện Thái Hòa có chiều cao và chiều rộng lớn hơn 2 ngai kia. Vì vậy, vấn đề đặt ra cho 2 chiếc ngai kia là liệu có phải đây là của hoàng thái tử hay hoàng đế còn trẻ tuổi hay không thì vẫn cần phải có thời gian nghiên cứu tiếp.
Còn chiếc ngai ở Triệu Miếu, một số ý kiến cho rằng đó là ngai thờ, nhưng cũng có khá nhiều người đã dựa vào một bức tranh (có lẽ được vẽ lại từ một tấm ảnh chụp) về vua Duy Tân đang ngự tọa, nên đã cho rằng ngai đó không phải là ngai thờ.

Chiếc ngai ở điện Thái Hòa khá bất ngờ lại không có hình mặt trời

Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh

Chiếc ngai ở Triệu Miếu, một số ý kiến cho rằng đó là ngai thờ

Ảnh: T.L

Được biết, Triệu Tổ Miếu (còn gọi là Triệu Miếu) là một trong năm miếu thờ quan trọng của triều Nguyễn nằm ở phía đông nam của kinh thành Huế, được xây dựng vào năm Gia Long thứ 3 (1804). Miếu được xây trong một khuôn viên hình chữ nhật, bên trong điện chính đặt án thờ Triệu Tổ Tĩnh hoàng đế và hoàng hậu. Năm 1989, do Thái Miếu xuống cấp nặng nên Triệu Miếu trở thành nơi thờ chung cho 9 chúa Nguyễn.
Ngai vàng là biểu tượng quyền lực của triều đại, vì vậy mà chiếc ngai của vương triều Nguyễn luôn do các nghệ nhân tài giỏi bậc nhất thời ấy thiết kế, hội đủ các yếu tố tốt lành dành cho hoàng đế và cả triều đình. Vì vậy mà xung quanh những bí ẩn 3 chiếc ngai vàng của vương triều Nguyễn vẫn đang được thế hệ hậu sinh nghiên cứu, tiếp tục khám phá những... bí ẩn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.