Antoine de Saint-Exupéry (1900-1944) là nhà thơ, nhà văn nổi tiếng thế giới, là phi công và anh hùng dân tộc Pháp. Ngày 31.7.1944, trong chuyến công tác chuẩn bị cho quân đồng minh đổ bộ lên vùng Provence, Saint-Exupéry điều khiển chiếc Lightning P38 cất cánh từ Borgo (Haute-Corse) và mãi mãi không bao giờ trở lại.
Trong hơn nửa thế kỷ, đã xuất hiện nhiều giả thuyết về sự ra đi của tác giả Hoàng tử bé. Saint-Exupéry đã mất nhưng trong hoàn cảnh nào: chiến đấu, tai nạn hay tự tử? Nhiều người Pháp đề nghị chính phủ thôi điều tra để tác giả Hoàng tử bé được yên nghỉ và để hình ảnh của ông vẫn mãi đẹp trong lòng người hâm mộ.
Thế nhưng những mảnh vỡ của một chiếc máy bay Messerschmitt quốc tịch Đức tìm thấy ngoài khơi Marseille đã hướng cuộc điều tra sang phía nước Đức. Khi Lino von Gartzen - người sáng lập Hội Tìm kiếm máy bay mất tích trong chiến tranh - tiếp xúc với Horst Rippert, cựu phi công của chiếc Messerschmitt, người đàn ông 88 tuổi này tuyên bố: "Các ông có thể ngưng tìm kiếm, chính tôi đã bắn rơi Saint-Exupéry".
Đóng quân tại miền đông nam nước Pháp hai tuần trước khi quân đồng minh đổ bộ lên vùng Provence, trong khi bay về cứ điểm, Horst Rippert nhận ra một chiếc Lightning P-38 đang bay dưới ông 3.000m về hướng Marseille. "Tôi đã theo dõi chiếc máy bay ấy. Tôi nhủ thầm nếu mày không cuốn xéo, tao sẽ nã đạn. Tôi đã bắn và bắn trúng. Chiếc máy bay chìm thẳng trong nước. Viên phi công, tôi không thấy anh ta. Sau này, tôi mới biết đó là Saint-Exupéry".
Kết quả đợt điều tra được Luc Vanrell và nhà báo Jacques Pradel thể hiện trong tác phẩm Saint-Exupéry, l’ultime secret (Saint-Exupéry, bí mật cuối cùng) do Nhà xuất bản Rocher phát hành ngày 20.3.2008.
Giờ đây, những người yêu mến Saint-Exupéry có thể yên lòng vì thần tượng của họ đã hi sinh cho tổ quốc trong cuộc chiến chống phát xít Đức. Và chắc họ cũng cảm thông với Horst Rippert, người đã "luôn luôn hi vọng chiếc máy bay bị bắn rơi không phải là của Saint-Exupéry", vì "thời trẻ, chúng tôi đã đọc tất cả các tác phẩm của ông và chúng tôi yêu mến vô cùng những quyển sách đó”.
Công Khanh - Tuổi Trẻ
Bình luận (0)