Bí mật mẹ và con gái

07/03/2015 05:48 GMT+7

Mẹ vừa “đồng lõa”, lo lắng chăm sóc cho con gái lại vừa có sự áp đặt, kiểm soát con; con gái vừa muốn giống mẹ, lại vừa không muốn thua kém mẹ.

Mẹ vừa “đồng lõa”, lo lắng chăm sóc cho con gái lại vừa có sự áp đặt, kiểm soát con; con gái vừa muốn giống mẹ, lại vừa không muốn thua kém mẹ.
 
Bạn trẻ dự tọa đàm Mẹ và con gái - Ảnh: Như LịchBạn trẻ dự tọa đàm Mẹ và con gái - Ảnh: Như Lịch
Mối quan hệ thú vị giữa mẹ và con gái đã được mổ xẻ trong buổi nói chuyện chuyên đề cùng tên diễn ra tại Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM ngày 6.3, với sự chủ trì của PGS-TS Vũ Lê Chuyên (Phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân TP.HCM) và TS Nguyễn Thị Bích Hồng (Trưởng bộ môn Tâm lý học và giáo dục ứng dụng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM).
Rắc rối cả khi… giống nhau
Theo TS Nguyễn Thị Bích Hồng, người mẹ có những ảnh hưởng sâu sắc đến con gái về hình dáng, thể chất và tính cách. Nói cách khác, mẹ là chân dung tương lai của đứa con. Trong mắt con gái, mẹ là hình mẫu người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Hơn nữa, do cùng “phận nữ nhi” nên mẹ và con gái dễ có sự đồng cảm, chia sẻ với nhau. Cũng theo TS Bích Hồng, mối quan hệ này có khi đem lại sự… rắc rối. Trong đó, không ít người mẹ có xu hướng đồng hóa, áp đặt và kỳ vọng quá cao vào đứa con.
Bên cạnh đó, mẹ và con gái có những khác biệt về tuổi tác và vai trò, về quan điểm sống… nên dẫn đến một số phiền toái, bất bình lẫn nhau.
Vậy khi con gái mang vẻ bên ngoài giống mẹ, liệu mối quan hệ có êm đềm hơn? “Có nhiều trường hợp sự phức tạp nảy sinh từ đây. Con gái một mặt vừa muốn giống mẹ, một mặt không muốn là bản sao của mẹ, cho dù mẹ xinh đẹp, giỏi giang cỡ nào. Thay vào đó, các em muốn là chính mình và tự khẳng định bản thân. Các em chịu nhiều áp lực, lúc nào cũng bị so sánh với mẹ nên không muốn thua kém mẹ, theo kiểu hậu sinh khả úy”, TS Bích Hồng nhận xét.
PGS-TS Vũ Lê Chuyên cho rằng, mối quan hệ này giữa mẹ và con gái có sự thay đổi qua các giai đoạn. Lúc nhỏ, bé gái lúc nào cũng bám lấy mẹ. Lúc con mới dậy thì có những biến chuyển trong cơ thể gây sợ hãi, nên vẫn lệ thuộc mẹ. Khi bước vào tuổi vị thành niên thì bắt đầu có những phản kháng, muốn thoát ly gia đình. Đến khi làm mẹ, có con mới cảm nhận, thấu hiểu những nỗi lo toan trước đây của mẹ. Dù vậy, nhìn chung giữa mẹ và con gái thường có sự “đồng lõa” với nhau.
Lúng túng về giáo dục giới tính
Trước câu hỏi: “Bây giờ học sinh lớp mấy là có bồ?”, rất nhiều bà mẹ có mặt lên tiếng: “Khoảng lớp 4, lớp 5!”.
Nhiều phụ huynh còn đang loay hoay chưa biết xử lý ra sao với tình huống con gái chát chít, thậm chí để hình đôi trên Facebook.
Bà Châu Ngọc Tường Vi (Q.3, TP.HCM) nêu tiếp băn khoăn: “Tôi có một đứa con gái tuổi dậy thì, đang học lớp 7. Tôi và cháu thân tình như hai người bạn, nhưng cũng có những lúc tôi rất lúng túng, nhất là trong việc giáo dục giới tính cho con”. Bà Tường Vi cho biết, đến nay bà vẫn còn nợ câu trả lời đối với những câu hỏi “nhạy cảm” của con, chẳng hạn: Làm sao để tinh trùng của ba gặp trứng của mẹ? Tại sao phải sử dụng bao cao su? Ai sử dụng bao cao su?...
PGS-TS Vũ Lê Chuyên khẳng định: “Giáo dục giới tính cho con là một quá trình, có lớp lang chứ không phải đợi đến lúc con dậy thì mới nói. Nếu mình không chỉ cho con thì tự nó sẽ đi tìm qua bạn bè, internet. Mà điều chúng ta lo sợ không phải nó biết mà là biết bậy”. Theo ông Chuyên, phụ huynh nên giải thích sớm cho con em mình về những mối quan hệ huyết thống, sau đó tùy thời điểm thích hợp mà định hướng về đối tượng (yêu đương) cho con.
Một trong những đề tài thú vị khác cũng được nhiều người tham dự sôi nổi bàn luận là có nên trao quyền chăm sóc con gái cho các ông bố không? Bà Nguyễn Thị Mai (Q.Tân Phú) nêu kinh nghiệm: “Mình không nên cướp hết quyền mà làm sao để ông chồng không tự ái hờn giận nói: “Bà dạy con luôn đi!”. Mình phải tạo điều kiện cho con tiếp xúc, hỏi ý kiến bố trong một số vấn đề, để ông ấy không có cảm giác bị tách biệt”.
Đại diện nam giới, PGS-TS Vũ Lê Chuyên nhìn nhận: “Giữa người mẹ và con gái có sợi dây liên hệ hết sức mạnh mẽ, có những bí mật mà người bố không thể nào có được!”.
Ý kiến:
Tôi từng nghĩ mẹ “phát xít”
Khi mới lớn, nhiều lúc tôi ghét mẹ lắm, cứ nghĩ mẹ “phát xít” áp đặt, kiểm soát tôi đủ điều. Sau này đi học xa, tôi mới hiểu tất cả những điều mẹ làm cho tôi đều xuất phát từ tình thương của mẹ.
Thùy Linh
(Cựu sinh viên Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM)
Không may mắn khi thiếu mẹ
Tôi không may mắn có được sự bảo bọc, chăm sóc của mẹ như nhiều bạn gái khác. Mẹ bỏ đi biền biệt từ lúc tôi còn rất nhỏ... Nhiều lúc thèm được mẹ la mắng hay dẫn đi khám các bệnh liên quan đến con gái mà không được.
Hoài Hương
(Nhân viên bán hàng Q.Tân Bình, TP.HCM)
Mẹ dạy tôi lạc quan
Mẹ dạy tôi hãy luôn nhìn cuộc đời bằng ánh mắt lạc quan, tươi sáng. Đó là điều quý báu tôi học được từ mẹ mình và sẽ dạy lại cho con của tôi.
(Một cô gái trẻ dự tọa đàm)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.