Bí mât ngự y - Kỳ 3: Chữa bệnh cho cung tần mỹ nữ

24/08/2015 05:56 GMT+7

Mặc dù những trang châu bản và cả sách Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ chép việc chữa bệnh cho cung tần mỹ nữ khá hiếm, nhưng vẫn có một vài thông tin hé lộ bí mật này.

Mặc dù những trang châu bản và cả sách Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ chép việc chữa bệnh cho cung tần mỹ nữ khá hiếm, nhưng vẫn có một vài thông tin hé lộ bí mật này.

Thẻ bài bằng ngà voi của các quan dùng để vào cung hiện được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế - Ảnh: L.C.Doanh
Phải có bài ngà
Giống như vào cung bắt mạch, khám bệnh cho vua, việc vào cung khám bệnh cho các cung tần mỹ nữ cũng được quy định nghiêm ngặt. Sách Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ chép vào năm Minh Mạng thứ 19 (1838), nhà vua đã chuẩn y lời tâu, cho phép y chính Thái y viện là Đặng Văn Giảng và Trần Duy Huân, đều là người cẩn hậu, cấp cho bài ngà (thẻ bài bằng ngà voi) để vào cung xem mạch (cho vua hay người trong cung bị ốm).
Đến năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), nhà vua lại ban sắc yêu cầu Thái y viện kén chọn người giỏi trong viện để cử hai người vào cung xem mạch và cho trực hầu. Theo đó, Thái y viện đã chọn y chính Hoàng Đức Hạ và y phó Nguyễn Văn Đường, đều là người am hiểu mạch lý, tuổi lại lão thành. Hai người được nhà vua cấp cho bài ngà để vào cung xem mạch. Ngoài những ngự y có bài ngà ra cũng có một vài trường hợp cá biệt, lúc cấp bách được cho vào cung bắt mạch cho cung tần, mỹ nữ, tuy nhiên các trường hợp này hi hữu và thường sau khi vào bắt mạch, chẩn bệnh phải lập tức tấu trình rõ ràng.
Châu bản triều Nguyễn có lưu một bản tấu ghi ngày 17 tháng 10 năm Minh Mạng thứ 14 (1833) do quan ngự y Phạm Văn Thông tấu lên. Bản tấu ghi: “Thần là Phạm Văn Thông kính cẩn xin tâu về việc như sau: Vào đêm ngày 16 tháng nay, vào lúc canh năm 8 khắc, có tiếp Nội thần Nguyễn Bá Đằng phụng mang Vương mệnh bài cùng với Môn bài truyền bảo người giữ cửa Nghi môn, Nội giám Nguyễn Yến, Dương Đình Cẩn phụng mệnh mở cửa này, lúc đó có Dương Đình Cẩn tại đây, người canh giữ chỉ có Nguyễn Bá Đằng. Nguyễn Yến đã dẫn thái y Võ Doãn Tuấn mang nha bài vào cửa trên, đến ngôi nhà nhỏ để bắt mạch cho Mỹ nhân Nguyễn Gia thị, xong việc liền trở ra ngay, thần nghĩ rằng cửa cấm rất nghiêm ngặt, bạo gan xin cứ thành thực tâu bày. Thần là Phạm Văn Thông ký”. Dưới bản tấu có thêm dòng xác nhận: Ngày 18 tháng nay, Nội thần là Thân Văn Quyền, Hà Tông Quyền phụng chỉ đã biết rồi. Kính tuân đấy.
Khi các cung nữ, thái giám bị bệnh nặng sẽ được đưa ra điều trị, an dưỡng ở Bình An đường, một bệnh xá của triều đình nằm bên ngoài Hoàng thành, phía đông bắc cửa Hòa Bình (nay thuộc đường Đặng Thái Thân, P.Thuận Hòa, TP.Huế). Sách Đại Nam thực lục cho biết vào năm Minh Mạng thứ 4 (1823), nhà vua đã truyền chỉ cho xây dựng Bình An đường ở phía tả Hoàng thành. Đến năm Tự Đức thứ 11 (1857), Bình An đường được di chuyển đến phía bắc Hoàng thành.
Trong bài Những kiến trúc trong hoàng cung Huế, tạp chí Những người bạn Cố đô Huế, tập 15/1928 (bản dịch của Nhà xuất bản Thuận Hóa, năm 2004), A.Laborde đã ghi chép: “Bình An đường ngôi nhà mà các bà trong Nội cung khi hấp hối đều được khẩn trương chuyển ra đó. Chỉ có vua và các bà hoàng thái hậu mới có quyền chết trong hoàng cung”.
Th.S, lương y Phan Tấn Tô cho biết thêm, dưới thời nhà Nguyễn, những người không thuộc hoàng thân quốc thích nếu không may bị chết trong cung, thi thể sẽ được bó chiếu đưa qua tường thành để ra bên ngoài, chứ không được đưa ra các cửa Hoàng thành. Bởi vậy Bình An đường còn có chức năng dùng cho những cung nữ, thái giám bị bệnh nặng ra đây để khỏi phải chết ở trong cung.
Khám bệnh cho cung nữ các vua đời trước
Trong khi việc vào cung bắt mạch, khám bệnh cho cung tần, mỹ nữ đương triều phải tuân thủ quy tắc nghiêm ngặt thì việc khám bệnh cho các cung tần, mỹ nữ của các vị vua đời trước (tiên đế) có phần cởi mở, dễ dãi hơn. Theo đó, các cung tần, mỹ nữ phục vụ trong các lăng vua, các điện thờ được nhà vua ra giao cho Thái y viện cắt cử người đến khám và chữa bệnh thường xuyên. Thuốc thang dùng để chữa bệnh cho cung nữ ở các nơi này được lấy từ kho của nhà nước.
Sách Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ chép, năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) nhà vua có dụ rằng: “Lần này các cung tần, cung nhân, thị nữ của tiên triều ra ở phụng trực ở Hiếu lăng (lăng vua Minh Mạng) số ấy cũng nhiều. Cho Thái y viện phái thuộc viên trong viện y chính hoặc y phó 3 người, đem thuốc nhà nước, thường xuyên cung ứng điều trị”.
Vua Tự Đức khi vừa lên ngôi năm thứ nhất (1847) cũng đã ban dụ cho Thái y viện cắt cử 4 người mang thuốc của nhà nước đến công trình xây dựng sơn lăng để chữa cho quan binh và thợ thuyền xây dựng lăng, đồng thời cũng dụ rằng: “Lần này các cung tần tiên triều (triều vua Thiệu Trị) đến phụng trực ở Xương Lăng (tên hiệu lăng vua Thiệu Trị) số ấy cũng nhiều. Vậy cho Thái y viện chọn thuộc viện y chính hoặc y phó 3 người đem thuốc của nhà nước ra đấy thường xuyên cung ứng và điều trị”. Nhà vua cũng ban sắc rằng: “Lần này các phi tần, tài nhân, cung nhân, cung nga phụng trực ở cung Bạo Định, cho Thái y viện cắt cử 2 y chính hoặc y phó 2 người, cùng với y sinh ngoại khoa 1 người mang thuốc nhà nước đến để cung ứng chữa trị”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.