(TNO) Lá trầu là đầu câu chuyện, là biểu tượng của hôn nhân, là thói quen khó bỏ của nhiều cư dân châu Á. Nhưng rất nhiều người ăn trầu lại không biết rằng đó là cái phi thuyền chở thẳng họ ra… nghĩa trang.
Cau hỗ trợ phòng the?
BBC đưa tin hiện khoảng 10% cư dân thế giới có thói quen ăn trầu. Không chỉ là biểu tượng của tình yêu, của hôn nhân, ở nhiều nơi, người ta còn cho rằng trầu cau là thứ chữa trị hiệu quả chứng khó tiêu cũng như… liệt dương.
Trầu cau đóng vai trò quan trọng trong tập tục văn hóa ở nhiều nước châu Á - Ảnh: Hạ Huy
Chả biết thực hư tới đâu nhưng xét ở khía cạnh giúp tỉnh táo thì cau có hiệu quả rất rõ. Bên cạnh nicotine, cồn và caffeine thì quả cau được cho là một trong những thứ chứa chất kích thích hiệu quả. Nó giúp người ta tỉnh táo có khi còn ép phê hơn cả cà phê. Cảm giác âm ấp trong người khi nhai cau là một lý do khác khiến nhiều người nhai nó như một thói quen khó bỏ.
Không chỉ có phụ nữ, ở một số nơi trên thế giới như Ấn Độ, đàn ông cũng ăn trầu, phổ biến là những người làm các công việc dễ gây buồn ngủ như lái xe đường dài, đánh bắt cá hay các công nhân xây dựng. Thậm chí trẻ con cũng bắt chước người lớn nhai trầu.
Hậu quả vô cùng to lớn.
Kẹo cao su kiểu Đài Loan
|
Cách thức ăn trầu ở mỗi nơi mỗi khác nhưng phổ biến nhất vẫn là nhai cau chung với vôi, lá trầu, thuốc rê. Tất cả những thứ này đều có tên trong danh sách chất gây ung thư của Tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế.
Trong số đó, vôi là thứ đặc biệt nguy hiểm vì nó có thể gây ra hàng trăm vết trầy xước nhỏ xíu trong miệng, là những cánh cửa mở ra để “mời” các chất gây ung thư dễ dàng xâm nhập cơ thể hơn.
“Khoảng ½ cư dân không hề biết là cau có thể gây ung thư miệng dù tỉ lệ mắc bệnh và tử vong vì ung thư miệng ở đây thuộc loại cao thứ 2 hoặc thứ 3 trên thế giới”, giáo sư Hahn Liang-jiunn, một chuyên gia về ung thư miệng ở Đài Loan nhận định.
Được biết Đài Loan là nơi có thói quen ăn trầu rất phổ biến. Ở đây, người còn gọi trầu cau là “kẹo cao su kiểu Đài Loan”.
Căn bệnh không thể giấu
Trong số những người ngày ngày “nhai kẹo cao su” ở Đài Loan có ông Qui Zhen-huang, nhai suốt 10 năm chỉ vì “thấy người ta ăn thì tôi cũng ăn”. Dù đã bỏ thói quen này 20 năm, ông vẫn bị ung thư miệng.
Nhiều cụ bà lớn tuổi ở Việt Nam vẫn giữ thói quen ăn trầu - Ảnh: Hạ Huy
|
Đầu tiên chỉ là một vết loét nhỏ bên má trái nhưng chỉ sau 3 tháng, khối u gây lở loét “phát tướng” to bằng một quả banh đánh golf, nằm chình ình ngay trên mặt.
Không như nhiều căn bệnh ung thư khác có thể giấu vào gan, vào phổi, những khối u kiểu như thế này chả giấu được đi đâu được, lở loét lộ rõ trên mặt trông rất đáng sợ. Ông Qui phải dùng một miếng băng thật to dán lên má.
Ông ăn uống rất đau đớn, thức ăn còn tràn ra ngoài qua lỗ thủng giữa má.
Khỏi phải nói cũng biết ông khổ sở đến mức nào, đến ra ngoài cũng phải hạn chế tối đa.
Có những người may mắn thoát chết nhưng hậu quả vẫn để lại lâu dài. Thậm chí sau khi phẫu thuật, một số bệnh nhân vẫn không thể làm được những chuyện đơn giản như biểu cảm trên khuôn mặt vì một phần gương mặt bị cắt bỏ ở những chỗ ung thư “ghé thăm”.
Mỗi năm, khoảng 5.400 người Đài Loan được chẩn đoán ung hoặc tiền ung thư miệng. Khoảng 80 đến 90% trong số này ăn trầu.
Trên khắp châu Á, theo BBC, hàng chục ngàn người đã phải sớm xuống mồ vì thói quen tưởng chừng vô hại này.
Chính vì thế, Đài Loan cùng với một số nơi khác như Ấn Độ, Thái Lan đã có những chương trình tăng cường nhận thức về mối nguy hiểm của trầu cau, cùng lúc nỗ lực thu hẹp diện tích trồng cau.
Bình luận