Bí mật về những loài cá khổng lồ sông Mê Kông

Chí Nhân
Chí Nhân
23/06/2022 16:38 GMT+7

Sông Mê Kông là nơi nuôi chứa nhiều loài cá nước ngọt có kích thước khổng lồ hơn bất kỳ con sông nào trên thế giới . Và con cá đuối nước ngọt nặng 300 kg được ghi nhận là lớn nhất thế giới vừa được thả ở Campuchia mới chỉ lớn bằng một nửa kích cỡ cực đại của nó.

Những loài cá này được xem là báu vật và biểu tượng của dòng Mê Kông. Theo WWF (Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới), trong danh sách 10 loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới thì sông Mê Kông có 4 loài, sông Amazon ở vị trí thứ nhì với 2 loài. Còn lại sông Mississippi (Mỹ), sông Dương Tử (Trung Quốc), Nile (châu Phi) mỗi nơi có 1 loài, cùng với cá nheo (Wels catfish) nước ngọt phân bố ở cả châu Âu và châu Á.

“Về mặt khoa học, một loài phải có khả năng phát triển chiều dài ít nhất hai mét hoặc nặng 100 kg thì mới đủ tiêu chuẩn trở thành một loài cá khổng lồ”, WWF cho biết. Khu vực sông Mê Kông không chỉ có số loài cá khổng lồ nhiều nhất trong các hệ thống sông mà cá đuối ở đây cũng là loài cá nước ngọt lớn nhất trên Trái đất, kích thước của chúng tương đương với người họ hàng ngoài biển khơi.

Con cá đuối nặng 300 kg, dài đến 4 mét được thả trở lại dòng Mê Kông đoạn chảy qua tỉnh Stung Treng (Campuchia) vào ngày 14.6 đã lập kỷ lục mới về một con cá nước ngọt lớn nhất thế giới từng được ghi nhận. Tuy nhiên, đây chưa phải là kích cỡ cực đại của chúng. Theo các nhà khoa học cá đuối nước ngọt sông Mê Kông có thể nặng tối đa đến 600 kg, dài 5 mét và chiều rộng 2,4 mét. Con cá đuối con khi mới sinh cũng có kích thước “khổng lồ” với bề rộng đến 30 cm. Loài cá khổng lồ này phân bố ở 4 nước hạ nguồn dòng sông từ Thái Lan đến Việt Nam nhưng tập trung nhiều nhất ở Campuchia

OUNBOUNDISANE (FISHBIO)

Năm 2005, một con cá tra dầu nặng 293 kg dài 2,7 mét được chở trên một chiếc xuồng nhỏ ở miền bắc Thái Lan. Thời điểm đó, nó cũng trở nên nổi tiếng khắp thế giới và được ghi nhận là con cá nước ngọt lớn nhất thế giới. Loài này được biết đến trong tiếng Anh là Mekong Giant Catfish hay tên khoa học là Pangasianodon gigas. Ở nhiều địa phương dọc sông Mê Kông, đặc biệt là Campuchia người ta còn gọi nó là cá vua hay cá hoàng gia. Kích thước tối đa 350 kg dài 3 mét. Chúng sống dọc theo chiều dài sông Mê Kông từ thượng nguồn Trung Quốc đến Việt Nam

TL

Một loài cá da trơn khổng lồ khác là Giant pangasius hay còn được gọi là dog-eating catfish. Cái tên dog-eating catfish là do sở thích ăn xác những động vật to lớn và trước đây người dân thường dùng xác của những con gà và chó để làm mồi câu chúng. Cân nặng và kích thước tối đa: 300 kg và 300 cm. Cùng là loài cá da trơn như cá tra dầu nhưng điểm khác là chiếc vây lưng rất dài - chính vì vậy người Việt Nam gọi chúng là cá vồ cờ. Người Thái Lan gọi là cá trê khổng lồ Chao Phraya và người Campuchia gọi là cá mập paroon. Chúng phân bố khắp dọc sông Mê Kông từ Trung Quốc đến Việt Nam

T.L

Loài khổng lồ thứ 4 trên dòng sông hùng vĩ này là giant barb, người Việt gọi là cá hô hay được biết đến với tên cá chép Thái Lan/Xiêm. Còn tên khoa học là Catlocarpio siamensis. Trọng lượng và kích thước tối đa đến 300 kg và dài 3 mét. Chúng sống chủ yếu ở 4 nước hạ nguồn sông Mê Kông. Chúng có mối quan hệ lịch sử với Campuchia. Người ta thấy hình dạng của chúng xuất hiện trong các bức chạm khắc đền cổ ở Angkor Wat. Loài cá chép lớn nhất thế giới được mô tả là “tàu ngầm mạnh mẽ có vây” và được xem là “quốc ngư” của Campuchia

T.L

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.